- Em năm nay 26 tuổi. Khi mẹ mang thai em thì cha em bỏ đi, không nhận em là con. Lúc đó cha mẹ em cũng chưa có đăng kí kết hôn.
TIN BÀI KHÁC
Trong suốt 26 năm qua, mẹ con em rất vất vả với cuộc sống. Cha em không đoái hoài, cấp dưỡng vì cho rằng em không phải con ông ấy. Giờ em muốn kiện cha, yêu cầu cha nhận con và trả tiền cấp dưỡng cho mẹ em có được không?
(ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Về vấn đề xác định cha, con
Luật Hôn Nhân Gia Đình tại Điều 65. Quyền nhận cha, mẹ:
1. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha.
Như vậy, người con có quyền nhận cha theo quy định của pháp luật. Nếu việc xác định cha con không phát sinh tranh chấp thì giải quyết theo thủ tục hành chính tại UBND xã, phường, thị trấn, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 33 Nghị định 158/2005/NĐ-CP. Nếu việc xác định cha, con có phát sinh tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Khoản 4 Điều 27 và các Điều 33, 34, 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011).
Thứ hai: Về nghĩa vụ cấp dưỡng
Điều 8 Khoản 11 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “11. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Điều 55. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo Luật HN & GĐ Điều 61. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;
2. Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình;
Cụ thể, tại Điều 18 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Như vậy, khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ mười tám tuổi. Theo câu hỏi bạn nêu, bạn 26 tuổi, nếu có khả năng lao động và có tài sản để nuôi mình thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).