- Bất đồng hay khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển rất lớn. Văn kiện được thông qua ở Lima chỉ là một thỏa thuận khung, từ đó biến thành một Hiệp định ở Paris cuối năm sau không phải là việc dễ dàng. Con đường “vượt đại dương” từ Lima sang Paris hẳn phải vượt qua nhiều dông gió.
Khung cảnh hội trường diễn ra hội nghị COP-20. (Ảnh: Cop20.pe) |
Trái Đất hâm nóng Lima
Hội nghị Liên Hiệp Quốc thường niên về biến đổi khí hậu toàn cầu COP20 ở Lima vừa khởi sự, nhưng chỉ hai ngày sau đó, vào 03/12/2014 đã nhận được từ Tổ chức Khí thượng thế giới (WMO) một bản báo cáo gây sốc cho biết năm 2014 này có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử Trái Đất kể từ khi được theo dõi thường xuyên.
Theo số liệu của WMO, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất trong 10 tháng đầu năm 2014 cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990, và nếu như số liệu đo đạc của hai tháng còn lại không chênh lệch nhiều thì 2014 hẳn sẽ là năm Trái Đất nóng nhất.
Và cùng với bề mặt Trái Đất nói chung, nhiệt độ trên mặt nước biển trong 10 tháng đầu 2014 cũng tăng cao chưa từng thấy, chênh lệch những 0,45 độ C so với mức trung bình của các năm 1961-1990.
Hiện tượng nóng lên đó là thủ phạm chính dẫn đến sự biến đổi khí hậu bất thường, đã và đang đe dọa cuộc sống lâu dài của loài người trên Trái Đất, và cũng chính nó đã hâm nóng bầu không khí của Hội nghị COP20 ở Lima ngay từ những ngày đầu.
Sức nóng áp lên Hội nghị Lima còn cao thêm vì đây là hội nghị cuối cùng có nhiệm vụ nặng nề xây dựng cho được một dự thảo về Hiệp định mới về biến đổi khí hậu có thời hạn từ năm 2020 để kịp đưa ra thảo luận ở Hội nghị COP21 ở Paris (Pháp) trong cuối năm 2015 nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto có giá trị chỉ đến năm 2020. Một bản dự thảo quan trọng như vậy phải mang tính tổng quát, đầy đủ và có tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức cần thiết.
Sức nóng trong hội trường của COP20 càng gia tăng thêm nữa khi trên đường phố Lima hàng nghìn người từ nhiều quốc gia với sự tham gia của nhiều nhà hoạt động môi trường trên thế giới đổ về thủ đô của Peru, tuần hành gây áp lực. Một thành viên của ban lãnh đạo cuộc tuần hành lên tiếng: “Chúng tôi muốn các cơ quan chức năng, các nước, các vị tổng thống hãy lắng nghe chúng tôi, để hiểu rằng biến đổi khí hậu đang là vấn đề của hiện tại, chứ không phải chỉ của tương lai nữa. Chúng tôi muốn có chỗ để cho con cháu được sống”.
Biểu tình đòi phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ngày 04/12/2014 tại Lima. |
Và ngay Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, từ hội trường của COP20, đã phải lên tiếng hưởng ứng: “Hãy biến Lima và COP20 thành địa điểm nơi chúng ta viết nên lịch sử và tái cam kết sẽ cùng làm cho thế giới này trở nên tốt hơn cho tất cả mọi người”.
“Kyoto mới”: Bài toán khó với COP20 Lima
Trong tình thế trên đây, cả hai hội nghị cùng diễn ra ở Lima, COP 20 (Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 20) và CMP10 (Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto) khó có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng.
Và quả cũng không thật dễ dàng để trong hội trường ở Lima có được một Nghị định thư Kyoto mới như mọi người mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là giữa các nước giàu (nước phát triển) và các nước nghèo (nước đang phát triển) còn tồn tại nhiều khác biệt, bất đồng về trách nhiệm trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như mức đóng góp tài chính để giúp những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng Trái Đất ấm lên có khả năng đối phó hiệu quả với mọi hậu quả nặng nề nhất.
Sự khác biệt lớn nhất có thể kể đến là về hạn ngạch cắt giảm khí thải. Một mặt, các nước đang phát triển cho rằng các nước phát triển phải chịu mức cắt giảm lượng khí thải lớn hơn. Nhưng đối lại, các nước phát triển bảo lưu quan điểm rằng một số nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng lượng than đá quá lớn trong các ngành kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, do vậy lượng khí thải cần cắt giảm cũng phải nhiều hơn.
Đáng chú ý là lời kêu gọi sự nỗ lực chung cắt giảm khí nhà kính của vị đại diện các quốc gia ven biển: Trái Đất nóng lên đang là nguy cơ làm cho các quốc đảo biến mất! Đại diện của quốc đảo Saint Lucia nhấn mạnh thêm: “Đối với chúng tôi để đạt được một thỏa thuận thì phải thực hiện rất nhiều điều. Điều đó rất tốn kém nhưng bạn không thể đặt một cái giá đối với sinh mạng con người, bạn cũng không thể đặt giá đối với việc nhiều quốc gia ven biển đang dần biến mất”.
Một trong những yếu tố nữa khiến văn bản dự thảo thoả thuận mới nhất bị các nước nghèo phản đối là vì cắt bỏ chi tiết yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo trong xử lý các mất mát và thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù Quỹ Khí hậu Xanh vừa được tăng từ 9,3 lên 10,2 tỷ USD (sau khi Australia tuyên bố cam kết đóng góp 165 triệu USD), các nước đang phát triển vẫn đòi hỏi thoả thuận mới phải có những điều khoản quy định rõ ràng để buộc các nước giàu phải gây Quỹ Khí hậu Xanh 100 tỷ USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020, để hỗ trợ ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như đã hứa từ Hội nghị về khí hậu năm 2009 tại Copenhagen.
Rõ ràng sự bất đồng hay khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển rất lớn và vẫn còn tồn tại. Ngay giữa các nước nghèo và giữa các nước giàu với nhau cũng không phải hoàn toàn thống nhất trong những vấn đề cụ thể,.
Tuy vậy, việc giảm khí phát thải nhà kính, giảm mối nguy cơ của nhân loại do nhiệt độ Trái Đất tăng lên nữa vẫn là mối quan tâm chung của mọi quốc gia. Điều này khiến cho hầu hết các nước và vùng lãnh thổ đều không muốn rời Lima với hai bàn tay trắng, đều muốn đạt được một số điểm đồng thuận tối thiểu giao cho Hội nghị COP 21 ở Paris (Pháp) diễn ra vào cuối năm 2015.
Dù rằng, một bản dự thảo kiểu nghị định thư “Kyoto mới” vẫn là bài toán khó đối với Hội nghị COP20 ở Lima.
Gánh nặng Lima gửi Paris, COP20 trao COP21
Sau 12 ngày họp chính thức và 36 giờ kéo dài thêm, Hội nghị về biến đồi khí hậu lần thứ 20 (COP20) của Liên Hợp Quốc tại Lima mới đạt được một thỏa thuận tối thiểu còn có thể gọi văn kiện cam kết khung.
Bộ trưởng Môi trường Peru, Chủ tịch hội nghị COP-20 và đại diện các nước vỗ tay với bản thỏa thuận khung Lima. |
Theo bản thỏa thuận khung Lima vừa được thông qua, 190 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) sẽ phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính cho tới thời hạn không chính thức là ngày 31/5/2015 và các quốc gia thành viên sẽ phải bổ sung một bản báo cáo vào ngày 1/11/2015 để đánh giá về các nỗ lực của mình nhằm đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Rõ ràng, bản thỏa thuận nàycó thể được xem là một tín hiệu tích cực, một tín hiệu tốt đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh tồn tại nhiều bất đồng giữa các quốc gia tham gia COP 20 và là nền móng để xây dựng một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại COP-21 tổ chức tại thủ đô Paris, nước Pháp vào năm tới.
Tuy nhiên, bản thỏa thuận đạt được xem ra gần hơn với một "Lời kêu gọi hành động vì khí hậu từ Lima" như lời của vị Chủ tịch hội nghị COP-20 và còn rất xa nội dung của một văn kiện toàn diện và mang tính pháp lý với những yêu cầu cụ thể bắt buộc các thành viên của nước tham gia UNFCC phải thực hiện.
Một văn kiện kiểu đó, dù bất cứ giá nào cũng cần phải có, do chưa thể hoàn thành được trong năm nay nên đành phải chuyển qua năm 2015, không thực hiện nổi ở hội nghi thường niên COP 20 này thì phải chuyển sang COP 21 tiếp nối và dứt điểm.
Nhưng từ một Bản Thỏa thuận ở Lima cuối năm 2015 đến một Bản Hiệp định thư Kyoto mới ở Paris cuối năm 2015 là cả một nhiệm vụ rất nặng nề đặt lên vai mọi quốc gia thành viên của UNFCC.
Con đường “vượt đại dương” từ Lima sang Paris hẳn nhiều nhiều… dông gió.
Trần Minh