Cụ ông năn nỉ mua 1kg gạo về chăm vợ ốm
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ một đoạn clip dài khoảng 2 phút ghi lại cảnh cụ ông tóc bạc, tay chân yếu, đi lại chậm chạp đứng trước một cửa hàng bán gạo đã đóng cửa.
Cụ liên tục gọi với vào bên trong để xin mua 1kg gạo và cho biết, nhà đã hết gạo ăn. Lúc này, người bên trong nhà từ chối, nói không có gạo để bán. Đợi cụ ông ra đường, người quay clip lên tiếng hỏi: “Cụ ơi, nhà hết gạo hả cụ? Nhà cụ ở đâu?”.
Một cách khó khăn, cụ ông trả lời: “Nhà đã hết gạo ăn rồi. Đi từ sáng đến giờ không tìm đâu được”. Người quay phim hỏi xin địa chỉ và khuyên cụ trở về nhà sau khi hứa sẽ đem gạo đến tận nhà cho cụ.
Cụ Lân lúc đến tiệm gạo hỏi mua 1 kg gạo. (Ảnh cắt từ clip). |
Phần cuối đoạn clip, cụ ông chia sẻ nhà chỉ có “hai ông bà già thôi, con thì đi làm, con trai thì bộ đội”. Ông cụ cũng cho biết, cụ bà đang ốm nặng, một mình ông phải nuôi.
Đoạn clip được đăng tải lên mạng khiến nhiều người xúc động. Họ lập tức chia sẻ clip và lên tiếng kêu gọi mọi người hỗ trợ, chăm lo cho hai ông bà.
Tuy nhiên, sau đó, mạng xã hội cũng xuất hiện các bình luận cho rằng, gia đình cụ ông không hề khó khăn. Việc cụ chia sẻ nhà đã hết gạo ăn và phải nuôi vợ bệnh cũng không chính xác. Các tài khoản này khẳng định ông cụ bị lẫn nên mới nói như vậy.
Tài khoản Nhi Nguyễn viết: “Ông bị lẫn. Gia đình ông không thiếu lương thực, nhu yếu phẩm. Gia đình đã đính chính”. Người có tài khoản Thanh Nguyễn cũng khẳng định: “Ông bị lẫn… Nhà ông thuộc diện khá giả, không thiếu ăn thiếu mặc”.
Theo nội dung đoạn clip, cụ ông tên Lân, nhà ở đường Trần Bình Trọng, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cuộc sống cụ Lân không hề khó khăn, thiếu ăn như thông tin trong clip. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Nguyên Vũ, Chủ tịch UBND phường 5 (quận Bình Thạnh) xác nhận, cụ ông đang sinh sống trên địa bàn phường. Ông Vũ cũng nhận định, thông tin trên clip là chưa chính xác.
“Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã đến thăm hỏi gia đình bác và hỗ trợ cho bác trong 2 ngày qua. Nhà bác rất có điều kiện chứ không phải như bác nói trong clip. Bác đã lớn tuổi nên bị lẫn”, ông Vũ nói.
“Ông ở nhà lớn, có người giúp việc, lương hưu cao”
Chị Ngô Thị Kim Oanh (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, con gái của cụ Lân) cho biết, chị rất bất ngờ khi thấy clip ghi lại hình ảnh ba mình đi mua gạo và nói nhà đã hết gạo ăn. Chị chia sẻ: “Sau khi một cô học trò gửi clip cho tôi xem, tôi rất bất ngờ vì sự thật không phải như vậy”.
Cơ quan chức năng gửi quà, thăm hỏi ông Lân. |
“Ông không hề khó khăn như trên clip miêu tả. Ông từng là cán bộ Nhà nước. Mỗi tháng, ông vẫn lãnh 7 triệu đồng tiền lương hưu. Mẹ tôi cũng được nhận 5 triệu đồng lương hưu/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng, ông còn có 5 triệu đồng tiền cho thuê nhà nữa. Ông bị lẫn nên nói những điều trên clip thôi”, chị nói thêm.
Người này cũng cho biết, ngay sau khi phát hiện clip có nội dung Cụ ông năn nỉ mua 1kg gạo về chăm vợ ốm được sẻ trên mạng xã hội, gia đình nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cơ quan chức năng, mạnh thường quân, hội, nhóm từ thiện.
Nhà cụ Lân không thiếu rau củ... |
Ngoài UBND phường 5 đến gửi quà hỗ trợ, gia đình còn được các nhóm thiện nguyện liên hệ, ngỏ ý tặng quà cứu trợ. Thậm chí, ngày 25/8, các cán bộ quân đội ở Quân khu 9 cũng đến gia đình chị Oanh thăm hỏi sức khỏe cụ Lân và gia đình.
Để những thông tin trong đoạn clip không làm phiền đến mọi người, chị Oanh đã lên mạng xã hội cám ơn tấm lòng, tình cảm của mọi người dành cho ba của mình. Chị cũng cho biết, cụ Lân đã 92 tuổi nên có phần không còn minh mẫn.
Chị Oanh cũng chụp thùng gạo đầy ắp trong nhà cụ Lân, đăng lên mạng xã hội để khẳng định gia đình không hề thiếu gạo, nhu yếu phẩm. Chị nói: “Ông đã già nhưng rất thích đi lại, trò chuyện cùng mọi người. Hiện, ông ở với người con trai”.
“Nhà ông đang ở và nhà tôi có cửa thông nhau, trước đây, nhà có người giúp việc. Nay do tình hình giãn cách xã hội, người giúp việc không đến được nên chúng tôi chăm sóc, cơm nước cho hai ông bà. Thế nên không có chuyện nhà thiếu gạo, ông thiếu ăn”, chị nói thêm.
Gia đình chị Oanh cám ơn mạnh thường quân, cộng đồng mạng đã dành tình cảm cho cụ Lân, đồng thời xin từ chối mọi sự hỗ trợ vì không gặp khó khăn. |
Dù vậy, rất nhiều người vẫn chưa biết rõ sự thật cùng với sự lan tỏa rất mạnh của đoạn clip nên hằng ngày vẫn có nhiều hội, nhóm thiện nguyện tìm đến gia đình chị Oanh. Chị nói rằng, chị trân trọng và biết ơn những tình cảm của mọi người khi nghĩ đến ông cụ, đến gia đình chị.
Tuy nhiên, gia đình chị không khó khăn nên sẽ không nhận sự hỗ trợ. Chị chia sẻ: “Tôi rất cảm động trước tình cảm của mọi người. Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, mọi người vẫn lo lắng, chăm lo cho nhau. Tuy vậy, gia đình tôi không hề khó khăn”.
“Ba mẹ tôi là cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu và có chế độ nên không hề gặp khó khăn như trong clip đã đăng tải. Ông đã 92 tuổi rồi, bị lẫn nên mới nói như vậy. Thế nên, gia đình tôi xin không nhận quà hỗ trợ dù dưới hình thức nào. Chúng tôi xin ghi nhận những tấm lòng và gửi lại các phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”, chị nói thêm.
Chị Oanh cũng cho biết, thông tin ông nói trong clip về việc con là bộ đội, vợ ốm nặng… đều không chính xác. “Tôi không hiểu vì sao ông nói như vậy nhưng con trai ông không đi bộ đội, anh đang đi làm ở công ty. Mẹ tôi có bệnh người già nhưng vẫn sinh hoạt bình thường”, chị nói.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người đàn ông kể chuyện cứu sản phụ đẻ rơi trong khu phong tỏa
Trên hành trình đi cứu trợ, có nhiều trường hợp khiến Tám Sang khóc cạn nước mắt, đặc biệt là chuyện những sản phụ sinh con mùa dịch.
Mẹ vượt qua Covid-19 nhờ con gái 6 tuổi
"Lúc đó, tôi sốt gần 40 độ C và phải thở oxy. Nếu không nhờ bé, có lẽ tôi đã không thể vượt qua”, chị kể.
Tình yêu của cụ ông ngày bán xoài, đêm ngủ vỉa hè kiếm tiền nuôi vợ ốm
Mỗi tháng 2 lần, ông Thọ thuê xe ôm, chở theo 200kg xoài lên TP.HCM bán. Nơi đất khách quê người, ngày ông chỉ ăn bánh mì, tối ngủ vỉa hè để có tiền nuôi người vợ bị bệnh.