Năm 2015 đánh dấu những bước phát triển và hoàn thiện vượt bậc của ngành xuất bản khi tổ chức cấp thẻ hành nghề biên tập viên cho các NXB cùng với việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến để quảng bá rộng rãi các xuất bản phẩm với tổng doanh thu thu ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Năm 2015, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, viên chức toàn ngành xuất bản, sự nghiệp xuất bản, in, phát hành tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích nổi bật.

{keywords}

Tổ chức cấp thẻ hành nghề biên tập viên

Song song với công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật về xuất bản đến Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau, đem lại hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh việc đưa các quy định của Luật vào thực tiễn, cụ thể:

Phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông mở 08 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” cho biên tập viên các nhà xuất bản. Khóa học kết thúc, Cục đã cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 804 biên tập viên. Theo quy định mới, từ 1/1/2016, sách chỉ được nhận lưu chiểu khi biên tập viên cuốn sách có chứng chỉ hành nghề.

Phối hợp với Khoa Công nghệ in Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức 10 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý in cho người đứng đầu cơ sở in.

Phối hợp với các Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức 04 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm cho người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phát hành sách.

Siết chặt quản lý trong xuất bản

Năm 2015, ngành Xuất bản đã không ngừng nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có những bước phát triển đáng kể trong phương thức hoạt động xuất bản, như: Áp dụng công nghệ tiên tiến; việc quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sách đã có những thay đổi, tạo được sức hấp dẫn đối với người đọc...

Hiện nay, cả nước có 63 nhà xuất bản, được tổ chức hoạt động theo 2 loại hình, cụ thể: loại hình đơn vị sự nghiệp công lập (44 NXB), loại hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (19 NXB). Tính đến thời điểm này, toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với hơn 270 triệu bản; xuất bản 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản, trong đó, xuất bản trên 200 loại mẫu lịch với hơn 16 triệu bản. Tổng doanh thu ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xuất bản được thực hiện hiệu quả, qua đó, nâng cao tính răn đe và phát huy toàn diện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản.

Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức 7 cuộc thanh tra và 18 cuộc kiểm tra. Quyết định xử phạt hành chính 15 trường hợp với số tiền phạt 1.151.000.000 đồng (trong đó số tiền xử phạt từ 5 vụ việc do đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương chuyển sang là 146.000.000 đồng). Số xuất bản phẩm buộc thu hồi, tiêu hủy trên 1.000 bản. Buộc đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 đơn vị.

Phát hiện và xử lý xuất bản phẩm vi phạm 341 xuất bản phẩm (tính đến ngày 23/11/2015). Cụ thể: Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý 309 xuất bản phẩm của 38 nhà xuất bản. Trong đó, 117 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung; 180 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác, như: ghi thiếu thông tin trên xuất bản phẩm, hình thức trình bày dạng tạp chí,...; 12 xuất bản phẩm mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp; Nhà xuất bản tự xử lý 32 xuất bản phẩm với các hình thức như: Dừng phát hành, thu hồi, sửa chữa.

Các điều luật xuất bản được thực thi nghiêm ngặt trong quá trình quản lý. Cụ thể năm 2015, Cục nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản. Theo đúng luật, Cục thẩm định và trình Bộ thông tin và Truyền thông 26 giấy phép. Như vậy, hiện còn 34 nhà xuất bản chưa được cấp đổi giấy phép hoạt động, trong đó có tới 23 đơn vị thiếu kinh phí (phải có ít nhất năm tỷ đồng).

Cục đã rất mạnh tay trong việc yêu cầu các nhà xuất bản phải rà soát, chấn chỉnh quy trình biên tập, xuất bản như công văn yêu cầu đơn vị xuất bản không đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ có nội dung thô tục, phản cảm. Tương tự, sách tâm linh, phong thủy, lịch vạn sự, tử vi với nội dung không có cơ sở khoa học, nhảm nhí cũng không được đăng ký.

Nhiều hội sách ghi dấu ấn

Năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 tại Công viên Thống Nhất Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 đơn vị. Đây là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2. Đồng thời Cục cũng chỉ đạo tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 trên phạm vi cả nước với những hình thức đa dạng, phương pháp phù hợp với đời sống tinh thần của nhân dân và điều kiện của từng vùng, miền.

Phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Triển lãm sách chủ đề: “Đất nước thống nhất” tại TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ chức thành công Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ V năm 2015 tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 80 đơn vị xuất bản, phát hành trong nước và 10 đơn vị nước ngoài.

Với hiệu quả xã hội của Triển lãm - Hội chợ sách đem lại, có thể khẳng định sự thành công trong công tác tổ chức và chương trình hoạt động của Triển lãm - Hội chợ sách. Những sự kiện này đã tạo nên một không gian văn hóa sách hết sức ấn tượng, đồng thời là điểm hẹn văn hóa của người dân trên khắp mọi miền cả nước, được cộng đồng đón nhận, tôn vinh và tham gia.

T.Lê