Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải đã chủ trì họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trong ngày. 

Ông Phạm Đức Hải thông tin, việc phối hợp tổ chức cho người dân về các địa phương, đến ngày 7/9, đã đưa hơn 28.000 người về quê.

Việc tiếp nhận người dân về dựa trên khả năng bố trí khu cách ly, các điều kiện y tế, phòng chống dịch của từng địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ có văn bản chính thức gửi cho TP (có danh sách người về cụ thể).

Về phía TP.HCM, thời gian qua UBND TP giao Sở GTVT là đầu mối phối hợp với hội đồng hương, các sở liên quan của các tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê.

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải thông tin tại họp báo

Thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu

Về đi chợ hộ, theo ông Hải, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày là 82.536 hộ, giảm 124 hộ (giảm 0,2%) so với ngày hôm trước (ngày 6/9 có 82.660 hộ đăng ký).

Có 10/22 địa bàn có nhu cầu đăng ký giảm (Quận 1, 3, 8, 10, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Củ Chi, Nhà Bè), do người dân còn nhiều giải pháp đi chợ thay thế; đồng thời kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền TP, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát.

Kết quả có 83.529 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 101,2% số hộ đăng ký. Tỷ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng hàng hóa được tăng cường, nhưng đồng thời còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

Thành phố hiện có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động; bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa.

Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hơn 1,7 triệu túi an sinh được chuyển đến người dân

Về an sinh, trong ngày 8/9, Trung tâm An sinh tại các kho của MTTQ TP tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại như rau củ, lương khô, mì, gạo, ... của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, mạnh thường quân trị giá hơn 5,8 tỷ đồng.

Hàng rau củ được phân phối đến các F0 tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, ,8 10, 11, 12, TP Thủ Đức, huyện Nhà bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Công ty Môi trường đô thị; 20 bếp ăn từ thiện và 278 phần bổ sung vào phần quà an sinh.

Ngoài ra, các kho đã hoàn thành và bàn giao các túi an sinh để gửi tới người dân trị giá 1,7 tỷ đồng.
Theo đó, từ ngày 15/8 đến 8/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là hơn 1,7 triệu túi (tăng 5.000 túi so với ngày 7/9).

Điều trị F0 là trẻ em

Về điều trị F0 là trẻ em, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến nay, có 14.800 F0 trẻ em dưới 18 tuổi.

Hiện đang điều trị cho hơn 2.800 em. Còn lại đều đã khỏi bệnh. Có 13 tử vong (0,1%), hầu hết có bệnh lý nền kèm theo.

Như vậy, đối với trẻ em sức khỏe cơ bản tốt hơn người lớn, ít bệnh nền hơn và sức để kháng cũng tốt hơn. Diễn biến bệnh trên trẻ em cũng ít hơn.

Nhưng cũng khó khăn, khi các cháu bị bệnh (thường các cháu nhỏ) thì có người lớn đi kèm, nói cách khác thì khi điều trị các cháu là điều trị cho phụ huynh đi kèm (thường mắc bệnh luôn). Các cháu tự chăm sóc rất khó, nên việc phụ huynh đi kèm để thuận lợi hơn.

Về phát thuốc cho F0, theo ông Hưng, đối với túi thuốc A, B, chuẩn bị hơn 150.000 túi đã phát hơn 130.000 túi về các địa phương.

Đã có 83.000 F0 nhận được túi thuốc A, B. Về túi thuốc C, có 50.000 túi do Bộ Y tế cấp, đã phát về các địa phương 16.000 túi cung cấp cho F0, đến nay có 7.900 F0 nhận túi thuốc C.

Về kinh phí cho F0 có bệnh nền, ông Hưng cho biết thêm, Covid-19 được xác định là bệnh nguy hiểm. Khi điều trị cho F0 có bệnh nền, nhà nước chi phí cho việc điều trị Covid-19. Nếu có bệnh nền khác thì BHYT sẽ thanh toán theo quy định.

Tóm lại, điều trị Covid-19 thì nhà nước lo, bệnh nền có BHYT, ông Hưng nói rõ.

Nguyên nhân tình trạng "bom" hàng

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM trao đổi về việc phát hiện F0 qua chốt.

Theo ông Hà, đối với chốt chặn có nhân viên y tế thì người này lo khử khuẩn và liên hệ các địa phương đưa F0 về. Trường hợp không có nhân viên y tế, chốt chặn thông báo với cơ quan y tế.

Nếu trường hợp F0 có giấy đi đường, công an thu hồi ngay, đưa lên hệ thống cảnh báo. Công an sẽ hỗ trợ y tế điều tra dịch tễ các F0 phát hiện qua chốt kiểm soát.

Về hành vi bom hàng, ông Hà cho biết, căn cứ phản ánh của các cơ quan báo chí, Công an TP chỉ đạo các địa phương tổ chức làm việc các đơn vị liên quan. Qua làm việc với các cơ quan quản lý shipper hiện chưa phát hiện.

{keywords}
Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: TTBC

 

Còn tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức có đặt hàng mà không nhận hàng, công an đã làm việc 200 trường hợp đặt mua mà không nhận hàng.

Nguyên nhân được xác định là do người dân không rành công nghệ, khi thao tác thì trùng đơn, không biết hủy và dữ liệu không chính xác, tìm không ra địa chỉ.

Người dân đặt nhưng hệ thống không cập nhật kịp, nên trao đổi không rõ. Ngoài ra, có trường hợp để đơn hàng quá lâu, người dân từ chối.

Có trường hợp liên quan đến việc cung cấp không đủ hàng nên người dân từ chối. Ví dụ như đặt mua nguyên con gà thì giao cánh hoặc đùi nên người đặt không nhận. Có trường hợp giao hai lần nên người dân từ chối.

Thượng tá Hà cũng thông tin về việc triển khai camera quét mã trên diện rộng tại 78 điểm đã hoàn thiện, lúc đầu thao tác có những bất cập. Công an TP đã chỉ đạo khắc phục những bất cập này.

Đối với chốt đông, thì tăng cường độ quét. Bên cạnh đó, tăng cường phân làn ô tô và xe máy. Ngoài ra, một số đơn vị tận dụng các thiết bị sẵn có như sim 4G hoặc wifi để tăng tốc độ xử lý. Trao đổi kinh nghiệm giữa các chốt, phát huy cái hay, hạn chế cái chưa hiệu quả.

Qua việc này, ông Phạm Đức Hải cho biết, đây là thời cơ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; những gì mới chưa hoàn thiện, nhưng tổng thể thì đạt được kết quả.

{keywords}
TP.HCM từng bước khôi phục sản xuất tại các địa phương đã kiểm soát dịch

Sáng 8/9, Văn phòng UBND TP đã có thông báo chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP Lê Hòa Bình về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP sau 15/9. 

Ông Bình yêu cầu các sở, ngành theo từng lĩnh vực tham mưu chiến lược và kế hoạch phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế sau ngày 15/9. Tổ tư vấn chính sách trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành xây dựng kế hoạch chung.

Phó Chủ tịch TP đề nghị các sở, ngành hoàn thành việc được phân công và gửi về UBND TP trước 16h ngày 8/9.

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đã giao cho ngành y tế phối hợp với các chuyên gia kinh tế nghiên cứu, xây dựng "thẻ xanh vắc xin" để có quy định cụ thể về các hoạt động đi lại, làm việc khi TP thí điểm mở cửa.

Trong đó, ông cho rằng để có thể vắc xin cho tiêu chí mở cửa trở lại, TP phải nhanh chóng bao phủ vắc xin cho người dân càng sớm càng tốt. 

 

Về y tế, tính đến 18h ngày 7/9 có 266.365 trường hợp mắc bệnh, bao gồm 265.905 ca nhiễm trong cộng đồng, 460 ca nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 40.762 bệnh nhân, trong đó có 2.878 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 7/9 có 3.616 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 137.208), 268 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 là 11.206.
Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 6/9 đến 18h giờ 7/9 đã lấy 336.157 mẫu, trong đó có 6.514 mẫu đơn và 13.612 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 246.761 mẫu.
Về tiêm chủng vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 7/9 là 6.884.159 (tăng 158.967 mũi vắc xin so với ngày 6/9/2021), trong đó tổng số mũi 1 là 6.175.513, mũi 2 là 708.646, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 751.471.

 

 

100 camera quét mã QR tự động ở TP.HCM, nhận diện nhanh và không tiếp xúc

100 camera quét mã QR tự động ở TP.HCM, nhận diện nhanh và không tiếp xúc

TP.HCM lắp đặt 100 camera quét mã QR khai báo di chuyển giúp việc nhận diện diễn ra nhanh hơn, an toàn cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát.

Hồ Văn