Dấu ấn thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Năm 2023 đầy biến động với hàng loạt khó khăn đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những đợt “rung lắc” mạnh mẽ.
Sự vận động của thị trường được phản ánh rõ nét qua nhịp dao động của chỉ số VN-Index, có thể chia thành 4 giai đoạn chính: thị trường trầm lắng trong những tháng đầu năm; thị trường “nóng” dần từ đầu tháng 5 cho tới giữa quý III/2023 nhờ thông tin tạm dừng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; thị trường chứng khoán suy giảm từ cuối quý III đến giữa quý IV, khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu để ổn định tỷ giá, khối ngoại duy trì động thái bán ròng và nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng; thị trường dần hồi phục trở lại dù chưa đủ để về đỉnh cũ trong 2 tháng cuối năm.
Bước sang năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng hồi phục. Môi trường lãi suất thấp được duy trì, nhiều lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, FDI, đầu tư công… được cải thiện và những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các nút thắt đã tạo “sự hưng phấn” cho thị trường. Sau 5 tháng đi lên liên tiếp, VN-Index đạt đỉnh 1.290 điểm vào cuối tháng 3 và thiết lập mặt bằng thanh khoản vượt 30.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, thụ trường phục hồi sau một đợt điều chỉnh mạnh trong giai đoạn nửa đầu tháng.
Xu hướng, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024
Theo khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp đại chúng, năm 2024 là “vùng giao tranh” giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường. Thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số như: chính sách tiền tệ của FED, thanh khoản hệ thống và thị trường TPDN, diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại, biến động tỷ giá và giá vàng.
Trong đó, việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán bao gồm: cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này được đánh giá là yếu tố có tác động tích cực nhất với diễn biến hiện nay.
Một số yếu tố khác có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trong năm nay là: lãi suất ngân hàng, lợi nhuận doanh nghiệp, diễn biến thanh khoản của thị trường trái phiếu, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái, diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại và diễn biến địa chính trị.
Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra 5 ngành có nhiều cổ phiếu tiềm năng dựa trên bốn tiêu chí chính là kết quả kinh doanh, định giá hợp lý, khả năng thu hút dòng tiền và sự thuận lợi từ yếu tố vĩ mô là: ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản, dầu khí.
Nâng hạng thị trường - bước trưởng thành cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Từ tháng 9/2018 - thời điểm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ, câu chuyện nâng hạng luôn là chủ đề “nóng” được theo dõi sát sao. Đây là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới, được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”.
Tuy nhiên, theo MSCI và FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn những vướng mắc tồn tại liên quan đến công bố thông tin bằng tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thủ tục đăng ký với nhà đầu tư nước ngoài… Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” và hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường, cần đẩy mạnh những cải cách sâu rộng và toàn diện, đặc biệt tập trung vào các chính sách.
Theo khảo sát của Vietnam Report, các khuyến nghị chính sách mà doanh nghiệp ưu tiên bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán; hiện đại hoá công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giao dịch và thanh toán; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh lọc hoạt động thị trường chứng khoán; nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian thị trường…
Nhận định về thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, phần đông doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report đặt niềm tin rằng: 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu dấu mốc này, sau khi các “nút thắt” tồn tại trên thị trường được cởi bỏ.
Khía cạnh truyền thông của doanh nghiệp đại chúng
Bảng xếp hạng VIX50 là kết quả nghiên cứu khách quan và khoa học của Vietnam Report, dựa trên phương pháp Media Coding - mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông kết hợp nghiên cứu thị trường.
Theo dữ liệu phân tích Media Coding từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông của các doanh nghiệp đại chúng giữ nguyên như năm trước và chỉ thay đổi về tỷ lệ xuất hiện, bao gồm: cổ phiếu; tài chính/ kết quả kinh doanh; hình ảnh/ PR/ scandals; sản phẩm; quản trị.
Dữ liệu cũng chỉ ra 5 nhóm ngành được quan tâm nhiều trên truyền thông là: ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm và chứng khoán.
Doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” về chất lượng thông tin trên truyền thông khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực - tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Năm nay, nghiên cứu của Vietnam Report ghi nhận 62,7% doanh nghiệp đạt ngưỡng “an toàn”, 48,2% doanh nghiệp đạt ngưỡng “tốt nhất”.
Xem đầy đủ công bố tại: www.top50vietnam.net |
(Nguồn: Vietnam Report)