- Trong phiên chất vấn tại kỳ họp QH cuối năm 2013, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi Thủ tướng "có mong muốn trưng cầu hiền tài từ nguồn nhân lực chất lượng cao quốc tế, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý là người Việt Nam ở nước ngoài về giúp Chính phủ quản trị đất nước không".
>>
Chủ tịch tỉnh bác bộ trưởng về '1%' công chức cắp ô
>>
'30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về'
>>
Thủ khoa rót nước, pha trà
Do không đủ thời gian, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin khất. Câu trả lời của Thủ tướng đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ mới đây như sau: Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương trọng dụng người tài năng để tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
"Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trí thức, chuyên gia được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực", Thủ tướng nêu.
Cách đây đúng 1 năm, Bộ Nội vụ lần đầu tiên tổ chức thi tuyển công chức bằng máy vi tính. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nghị quyết của Bộ Chính trị và TƯ Đảng đã khẳng định Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nhất là chuyên gia giỏi, đầu ngành, cán bộ trẻ, tài năng; tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà quản lý là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam.
Nhưng Thủ tướng cũng cho biết, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. "Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các đề án, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng người tài là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước", là thông tin Thủ tướng đưa ra.
Thực tế, Thủ tướng cũng phải chờ một câu trả lời khác.
Đó chính là câu trả lời cho một trong những câu hỏi lớn nhất năm 2013: 30% công chức cắp ô hay chỉ 1% không hoàn thành nhiệm vụ?
"Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh nhận định của công luận về đội ngũ cán bộ nhà nước trong một cuộc họp cách đây đúng 1 năm. Đồng tình nhận định này, từ giới nghiên cứu chuyên môn đến người dân bình thường đều nhiệt tình hiến kế loại bỏ phần "gánh nặng" này.
Áp lực của hiện tượng 30% cũng khiến các cơ quan nhà nước không thể ngồi yên. Bộ Nội vụ, cơ quan tham mưu số một về công vụ, công chức liên tiếp đề ra các sáng kiến tinh giản biên chế, đổi mới tuyển dụng và bổ nhiệm...
Chất lượng thật của đội ngũ công chức một lần nữa gia tăng áp lực khiến cơ quan tham mưu phải đưa ra giải pháp mới về đánh giá cán bộ. Trong khi đó, một con số chính xác về tỉ lệ công chức “có cũng được không có cũng không sao” đến tận thời điểm này vẫn chưa thể ngã ngũ.
Còn nhớ khoảng giữa năm, Hà Nội đưa ra một chính sách thu hút nhân tài "đột phá" với mức lương gấp 20 lần mức tối thiểu cho những tiến sĩ, trí thức cam kết cống hiến cho bộ máy hành chính thành phố ít nhất 7 năm.
Tràn đầy kỳ vọng nhân tài sẽ vì tình cảm với Thủ đô mà bước lên tấm thảm đã trải, chính sách của Hà Nội vấp phải nhiều nghi ngại từ công chúng lẫn chính các đại biểu dân cử. Trong hơn 10 năm mà Thủ đô chỉ tuyển về khu vực nhà nước được 103 thủ khoa, nhưng nhiều người chỉ pha trà rót nước rồi ra đi, các đại biểu HĐND Hà Nội phản ánh. Câu chuyện cắp ô một lần nữa được đặt ra.
Như vậy, nếu Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng không thể trả lời câu hỏi làm sao để đảm bảo bộ máy công chức chỉ toàn người làm được việc, thì các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội và các tỉnh thành khác sẽ chỉ dừng lại ở những văn bản nghe thì hay nhưng không thể làm được.
Mà nếu thu hút nhân tài ngay trong nước còn nhiều rào cản, vướng mắc như thế thì với ý định tốt đẹp là thu hút nhân tài kiều bào và nước ngoài, cũng khó có thể cung cấp một câu trả lời lạc quan hơn.
Chung Hoàng