- Ở phần ba của bàn tròn về giá trị công dân toàn cầu, các diễn giả đều thống nhất rằng, mỗi con người cần biết học cách sống với cái khác mình và góp phần hoàn thiện thang giá trị chuẩn mực toàn cầu bằng chính những bản sắc riêng tốt đẹp.
Chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet với chủ đề “Những giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu” đã diễn ra với 6 khách mời: GS. Carlos Torres, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu. Ông là giáo sư đặc biệt xuất sắc của Đại học UCLA. GS. Anna Steinbach Torres, thành viên của chương trình Giáo dục công dân toàn cầu. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. GS. Trần Ngọc Vương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet. Bà Đỗ Thị Thoan, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng. Phần 1 và phần 2 của bàn tròn trực tuyến đã được đăng trong 2 ngày 15-16/9/2017. Dưới đây là phần 3- phần cuối của Bàn tròn trực tuyến về vấn đề này. |
Mời bạn đọc theo dõi tiếp phần III dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS. Anna, bà suy nghĩ như thế nào khi chương trình công dân toàn cầu được đưa tới Việt Nam, liệu có gặp những khó khăn hay những trở ngại gì không ạ?
GS Anna Steinbach Torres: Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm ngoái và đây là lần thứ hai.
Tôi đang học rất nhiều thứ về Việt Nam và mối liên hệ của tôi với Việt Nam chính là con người. Tôi nghĩ rằng chúng ta có lợi thế để tiến gần hơn với công dân toàn cầu vì người Việt rất cởi mở và tỏ ra có mong muốn trở thành công dân toàn cầu. Vậy thì tại sao không thể?
Chúng ta có nguyện vọng, chúng ta có động lực để phổ biến những giá trị tốt đẹp giữa những con người. Và tôi nghĩ rằng đây là lợi ích lớn nhất bởi vì con người muốn tham gia vào môi trường toàn cầu với một tâm thế tốt, không phải để phá hoại môi trường đó, không phải để cải thiện bằng cấp cá nhân mà để chia sẻ, cộng tác và để đối xử tốt hơn với những người khác.
Về giáo dục công dân toàn cầu tại Việt Nam, tôi nghĩ đây vẫn còn là một vấn đề rất khó. Như chúng ta cùng ngồi lại đây, bàn về sự khó khăn đó và đó chính là một phần thử thách mà chúng ta cần cùng vượt qua. Chúng ta có những trở ngại lớn nhưng chúng ta không ngừng hành động.
GS Anna Torres (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Chúng tôi vượt qua một chặng đường nửa vòng trái đất để đến đây, nói chuyện về vấn đề này cùng những giá trị và sự cam kết dài lâu. Vậy nên chúng ta không nên nói lại những vấn đề mà những người khác đã nêu trước đó. Và tôi nghĩ một trong những khó khăn mà tôi phải đối mặt đó là ngôn ngữ bởi vì tiếng Việt rất khó. Vì vậy, tôi thấy tuy chúng tôi có thể chia sẻ những quan điểm, tầm nhìn khác nhau, tuy nhiên vấn đề nan giải nhất vẫn là rào cản ngôn ngữ.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS. Carlos Torres, cách đây 2 năm ông tới Việt Nam và cũng gặp các lãnh đạo của chính phủ Việt Nam, cá nhân ông cảm nhận khi triển khai chương trình giáo dục công dân toàn cầu tới Việt Nam thì sẽ gặp phải những vấn đề cơ bản nào?
GS Carlos Torres: Như những gì mà bà Anna đã nói, có rất nhiều sự khó khăn mà quá trình phổ biến công dân toàn cầu gặp phải tại Việt Nam.
Tôi đã rất ấn tượng với Việt Nam và ấn tượng đó có từ khi tôi còn ở trong trường đại học. Hình dung của tôi về Việt Nam là sức mạnh phát triển kinh tế tại châu Á, và sự phát triển kinh tế mang lại cho quốc gia nhiều khả năng và nguồn lực, phần lớn số người có việc làm và họ có thể tự chi trả cho cuộc sống
Việt Nam đã trải qua một quá trình thay đổi và tôi đã từng đến những nơi mà ở đó tôi bị thuyết phục bởi những công nhân chỉ tốt nghiệp trung học. Vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam là một quốc gia trung tâm ở khía cạnh phát triển kinh tế trong khu vực và đã làm rất tốt. Mặc dù vậy, Việt nam có tâm thế ổn định, luôn cởi mở với bạn bè thế giới nhưng vẫn luôn tôn trọng và bảo vệ một số điều rất khác biệt trong quá khứ. Và đó chính là câu hỏi đặt ra cho vấn đề văn hóa.
Không chỉ ở Việt Nam, mà tôi nghĩ rằng điều này đúng cho tất cả các quốc gia thuộc dự án toàn cầu.
Một vấn đề khác tôi muốn nhấn mạnh đó là sự khác nhau rõ rệt giữa quyền cá nhân và quyền văn hóa. Quyền văn hóa đã ở đây là có từ hàng thế kỉ, hàng nghìn năm trước, con người xây dựng một nền văn hóa, thứ khiến bạn tuân theo. Đó là điểm chung trên toàn thế giới.
Nhưng mặt khác, nếu có một cá nhân lên tiếng rằng tôi không muốn bị khống chế bởi một nền văn hóa nào cả, tôi muốn có quyền của riêng tôi, điều đó sẽ tạo thành một sự khác biệt không thể chấp nhận. Điều đó đúng với toàn thế giới và Việt Nam cũng vậy.
Điều đầu tiên, đó là chúng ta cần đối thoại. Chúng ta cần quay lại với câu hỏi về áp lực của quốc gia trong hệ thống toàn cầu.
Nếu Việt Nam muốn tạo ảnh hưởng trên toàn cầu, Việt Nam cần phải có những công dân toàn cầu. Đó không phải là những công dân chỉ biết đến văn hóa Việt mà không hề biết đến văn hóa nước khác, hoặc những công dân không có khả năng giao tiếp bằng một vài ngôn ngữ khác, hay những công dân không muốn dịch chuyển, không đi đây đi đó.
Tôi muốn đề cập đến nhà triết học ở phương Tây, khi bạn hoàn thành và trở thành nhà triết học, có nghĩa là bạn hoàn thành cả khóa học và cả những chuyến đi trải nghiệm. Và cuối cùng, tôi muốn hỏi bạn đã từng thấy thoải mái bao giờ với một người mà bạn chỉ mới vừa gặp mặt, với người không cùng văn hóa với bạn, với người đến từ một nơi khác?
GS Carlos Torres (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Công dân toàn cầu là những người cảm thấy được những sự thoải mái đó. Không quan trọng nhà triết học nói về sự hiếu khách mang tính logic học hay không, Việt Nam là một quốc gia có thừa sự hiếu khách đó.
Vậy, tất cả những điều nêu trên chúng ta có thể cùng nhau khắc phục vì chúng ta có Chính phủ Việt Nam, chúng ta có những chính trị gia Việt Nam và chúng ta có người dân Việt Nam, chúng ta có lòng hiếu khách, với bạn, với tôi, và với bạn bè quốc tế.
Nhà báo Phạm Huyền: Với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, ông nghĩ như thế nào về các chia sẻ của hai vị giáo sư vừa phát biểu? Theo ông, làm thế nào để chương trình công dân toàn cầu được thực hiện tốt ở Việt Nam?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Những ý kiến đó rất là chuẩn xác về mặt khó khăn cũng như là cơ hội để đưa chương trình giáo dục công dân toàn cầu vào Việt Nam.
Về mặt thuận lợi, tôi muốn bổ sung thêm thực chất, cụm từ “công dân toàn cầu” là một từ rất mà model, có sức lôi cuốn và đặc biệt là lớp trẻ ở Việt Nam học rồi làm việc ở các công ty nước ngoài, thành đạt ở nước ngoài thì hình ảnh đó rất có sức lôi cuốn. Ngay thuật ngữ “công dân toàn cầu” thôi cũng đã có sức lôi cuốn rất lớn đối với lớp trẻ.
Do mô hình quản trị của chúng ta có nhiều vấn đề, nhiều người Việt cũng đã hướng tới nền quản trị chuẩn mực từ bên ngoài và coi công dân toàn cầu như một cơ hội hướng tới. Đó là một động lực thuận lợi.
Điểm thứ ba, tôi cho rằng, với chương trình công dân toàn cầu, nên có những ví dụ có sức lôi cuốn như kiểu Bill Gates. Bill Gates là một ví dụ của công dân toàn cầu, ông đưa gần như toàn bộ tài sản của mình để giúp nhân loại vượt qua các bệnh tật. Không chỉ cống hiến tài sản mà ông còn cống hiến sức lực, cống hiến trí tuệ của mình để chấm hết bệnh ung thư, những bệnh nặng ở toàn bộ châu Phi.
Với cả nhân loại này, đó là một công dân toàn cầu có sức ảnh hưởng rất lớn.
Hay ví dụ như ông chủ của Facebook chẳng hạn, đó là một công dân toàn cầu đang đầu tư rất lớn cho giáo dục rồi để mọi người sống đều có mục đích. Những công dân toàn cầu đó có sức hấp dẫn rất là lớn, đặc biệt đối với lớp trẻ Việt Nam, những hình ảnh đó rất có sức lôi cuốn.
Tôi nghĩ ba điều đó là cái thuận lợi.
Về mặt khó khăn, đầu tiên tôi thấy là “stakeholder” ở đây chưa rõ. Ai ủng hộ chương trình này? Ví dụ, vấn đề gắn kết trong Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh như thế nào? Những người bảo trợ, những người thúc đẩy cho lớp trẻ theo hướng này, tổ chức lại như thế nào… là cái rất khó, nhưng ta phải làm được.
Điểm khó khăn thứ hai là, thực chất đối với Việt Nam, bên cạnh lớp người có cơ hội tiếp cận, có điều kiện học tiếng Anh, có điều kiện giao lưu quốc tế thì cũng có những lớp người trẻ cũng rất là khó có những điều kiện này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Thực chất ở Việt Nam, người ta đều quan niệm công dân toàn cầu là vấn đề biết tiếng Anh, thạo internet thì anh tìm được việc ở bên ngoài, có thể đi làm bất cứ nơi nào. Cho nên, rõ ràng, đưa trở lại một quan niểm chuẩn là một cái khó thứ ba.
Bởi lẽ, điều mà chúng ta đang nói đến còn là hệ thống là đạo đức và các quyền, là những giá trị chung toàn cầu, trách nhiệm chung toàn cầu, những điều cần phải được chia sẻ chung như trách nhiệm, cống hiến…của mỗi con người cần như thế nào? Anh có thể là Bill Gates của Việt Nam không hay là những người đóng góp để thế giới này nó tốt đẹp hơn? Tôi nghĩ, chúng ta vẫn cần phải cố gắng rất nhiều.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi nghĩ, để trở thành công dân toàn cầu phải bắt đầu từ giáo dục. Thưa giáo sư Trần Ngọc Vương, ông nghĩ như thế nào về điều này? Đặc biệt là các sinh viên của ông thì ông nghĩ là ông sẽ truyền tải những thông điệp này như thế nào?
GS. Trần Ngọc Vương: Tôi đã dạy cho nhiều loại hình lớp, trường khác nhau cả trong lẫn ngoài nước. Trong quá trình toàn cầu hóa đối với sinh viên của mình, tôi có rút ra một vài nhận xét.
Lúc nãy tôi, giáo sư, các bạn đồng nghiệp và ông Nguyễn Sĩ Dũng vừa đề cập tới một ý rất là hay, đó là về mặt kỹ thuật, chúng ta phải gặp rất nhiều và phải đối phó với rất nhiều khó khăn để trở thành công dân toàn cầu đích thực.
Tôi quan niệm nếu mà xác lập được công dân toàn cầu, cái tâm thế của công dân toàn cầu và cái khát vọng trở thành công dân toàn cầu thì phải làm thế nào để cho mỗi một cá nhân được đào tạo, giáo dục ở đây cảm thấy có hạnh phúc khi sống với cái dị kỷ.
Tôi xin lưu ý hai vế là sống được với cái khác với mình và hai là không phải sống được một cách chịu đựng, một cách vất vả mà sống có hạnh phúc, có hạnh phúc với cái khác mình thì lúc đó ta mới có cảm thức về công dân toàn cầu.
Cảm thức đó là gì? Tôi sống với anh A, anh B, quốc gia A, quốc gia B cũng được và chia sẻ các giá trị với họ và cảm thấy vui vẻ khi các giá trị ấy được chia sẻ với nhau thì lúc đó mới được. Chứ còn, anh cứ cự nự, đôi co hoặc là kỳ kéo níu kéo lấy cái giá trị riêng và coi đó là những giá trị đặc thù thì không bao giờ có công dân toàn cầu.
Về mặt giáo dục, có lẽ, chướng ngại lớn nhất là anh đặc thù hóa một chương trình đào tạo, từ mọi cấp đến cấp cao nhất. Và có những cái tôi đã nói rất nhiều năm nay là gì chúng ta đang đào tạo kể cả bằng đại học hàng loạt những tri thức chết và tri thức chết không năng sản, nó làm cho cái thời lượng học hành bị hạn chế, những cái cần phải học thì không được học một cách đầy đủ. Và chính cái anh học không giống ai, một chương trình học không giống ai thì tự nhiên anh bị hạn chế khả năng toàn cầu.
Còn anh học giống như là sinh viên Anh, Mĩ, Pháp thì "ok". Chính ra, về mặt giáo dục, chúng ta phải tạo ra được vốn tri thức toàn cầu, phong cách học tập toàn cầu và tận dụng những giá trị toàn cầu thì lúc đó chúng ta mới có được cái môi trường toàn cầu hóa một cách thuận lợi. Nếu như cái gì chúng ta cũng giải thích là chúng ta đặc biệt, chúng ta đặc thù thì chúng ta sẽ ngăn chặn toàn bộ quá trình toàn cầu hóa của thế hệ trẻ.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi thấy rằng, bây giờ để con em mình trở thành công dân toàn cầu, ở Việt Nam cũng rộ lên cái xu hướng rất nhiều các bậc phụ huynh trẻ đầu tư giáo dục cho con cái ngay từ cái lứa tuổi mầm non như việc đưa con vào các trường quốc tế học, chỉ để con cái không chỉ giỏi ngoại ngữ mà có những tác phong, kỹ năng ngay từ nhỏ có của công dân toàn cầu.
Thưa giáo sư Vương, ông nghĩ là làm thế nào để chúng ta có thể nhân rộng chương trình này ra trong cái hệ thống giáo dục của mình trong các mạng lưới trường học, các cơ quan đoàn thể rộng khắp ở đất nước mình?
GS. Trần Ngọc Vương: Thực ra, giải pháp mà các bậc phụ huynh có điều kiện chọn cho con em của mình là đưa vào các trường quốc tế chỉ dành cho một tỉ lệ rất nhỏ các cư dân thôi. Giải pháp đó không bền vững và chắc chắn là sẽ rất là tốn kém.
Đối với lại cá nhân cũng như xã hội, thay vì điều đó, tôi cho rằng có những giải pháp mà chỉ bằng một số những quyết sách của người lãnh đạo là có thể tháo gỡ rất nhiều.
Chẳng hạn như chúng tôi trao đổi rất nhiều về các mô hình, chương trình giáo dục ở các bậc đại học, nghiên cứu sinh và các bậc khác, chúng tôi đã nói rất nhiều về chuyện chỉ cần anh cấu trúc lại chương trình thì anh có thể làm được. Các quyết định cấu trúc lại chương trình là quyết định ít tốn kém bậc nhất nhưng đưa lại rất nhiều hiệu quả.
GS Trần Ngọc Vương (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Chuyện thứ hai là anh có thể trang bị lại các cơ sở hạ tầng giáo dục theo cách ít tốn kém, không phải là xây một tòa nhà nhiều tầng để cho rất nhiều sách vào đấy, mà chỉ cần một số cái máy chủ thật mạnh và một số phương tiện, một số điều kiện sử dụng và chia sẻ phương tiện học tập, chia sẻ các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập... Tôi cho là được đỡ tốn kém hơn rất nhiều mà lại hiệu quả hơn rất nhiều mà lại trong cùng một lúc có thể giao tiếp được với nhiều đối tượng khác nhau chứ không phải là cái nhóm này hay nhóm kia kia một cách biệt lập.
Để có công dân toàn cầu, nói như ngôn ngữ của anh Dũng, quen dùng là có quyết tâm chính trị thì như thế mới có thể làm được. Nếu không có một cái quyết tâm chính trị thì không thể làm được và tất cả rồi sau đó lại chỉ trở thành chính sách xã hội, trở thành các biện pháp, các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các hệ thống trường học.
Nhà báo Phạm Huyền: Một câu hỏi nhỏ tôi muốn dành cho ông Nguyễn Anh Tuấn. Ông là một người luôn nhiều khát vọng và đam mê, là một người rất biết truyền lửa cảm hứng cống hiến cho các thế hệ nhân viên của mình và cũng là người tiên phong đưa chương trình Giáo dục toàn cầu vào Việt Nam. Để trở thành một con người toàn cầu như hôm nay, bản thân ông có những kinh nghiệm gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng là tôi cũng như mọi người Việt Nam khác đều ham học hỏi, người Việt Nam chúng ta đều rất ham học hỏi và rất cởi mở đón nhận cái mới. Đó là cái chung, đó cũng là cái bản sắc của chúng ta.
Tôi cũng là dân công nghệ, học công nghệ thông tin, tiếp xúc nhiều phần mềm internet, giao tiếp thường xuyên và phải học hỏi cập nhập cái mới thường xuyên. Có lẽ do cái đặc thù đó và tôi cũng làm báo nữa nên luôn luôn cập nhật cái mới, liên kết học hỏi với thế giới từ rất sớm.
Tôi nghĩ rằng là phải dũng cảm, thấy một cái gì đó mà mình thấy đúng, mình dấn thân, mình làm những điều mình nghĩ, tôi nghĩ rằng là nó như vậy thôi. Những điều mình thấy nó hay, nó đúng mình làm, đừng ngại, đừng sợ, hy sinh mất mát, thiệt thòi cái nọ cái kia chằng hạn.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng là tôi cũng chỉ là một người như mọi người Việt Nam chúng ta rất là yêu chuộng cái mới, học hỏi cái mới ham tiếp xúc công nghệ mới và có khát vọng vươn ra thế giới, khát vọng để một ngày nào đó chúng ta không thua thiệt bạn bè. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, làm sao để chúng ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Ý tưởng khát vọng đó, tôi nghĩ điều này còn vang vọng hơn nữa đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, tôi nghĩ cái vang vọng đó không chỉ của người dân như các anh chị nói mà nó xuất phát đầu tiên trong các nhà lãnh đạo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (ở giữa) (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước phải có một khát vọng cháy bỏng, đưa đất nước chúng ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Và tôi tin rằng chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi, có những thách thức và thách thức đôi khi nó biến thành điều kiện thuận lợi để chúng ta vượt lên đấy là cái điều mà tôi muốn chia sẻ.
Còn cuộc đời tôi nghĩ rằng có niềm đam mê. Quay trở lại nói chuyện VietNamNet, tôi cũng rất là hạnh phúc với quãng đời làm việc gần 14 năm ở VietNamNet từ những ngày đầu. Có lẽ đây là quãng đời đẹp nhất, tôi vẫn tin là đó là những ngày gian nan vất vả, những ngày gian nan vất vả đó là rất đẹp, là cái nền tảng để tôi tiếp tục vươn ra thế giới.
Và tôi thấy rằng, chúng ta đừng nghĩ rằng ngày hôm nay chúng ta chỉ làm lôm côm và chúng ta không có gì cho ngày mai. Chính những cái chúng ta làm thật tốt, những niềm đam mê đó, các bạn đang như vậy, các bạn đang chuẩn bị hành trang cho mình, chúng ta vươn ra thế giới và đó là những trải nghiệm rất đẹp, rất tốt để các bạn vững tin, tôi nghĩ là như vậy.
Nhà báo Phạm Huyền: Và để khép lại chương trình, tôi rất muốn ông chia sẻ thêm về kinh nghiệm bản thân của mình ông nghĩ là làm thế nào để chúng ta có thể khuyến khích được cộng đồng người Việt Nam chúng ta tham gia và triển khai được tốt cái chương trình công dân toàn cầu?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ đầu tiên phải đưa cho mọi người thấy được cái lợi ích cho mọi người, lợi ích là cái gì?
Thứ hai nữa như ông Dũng nói, cũng hơi khó, chúng ta nhận thức một kiểu khác, bây giờ nhận thức lại, cùng chỉ cho mọi người thấy cái này là đúng và nhận thức này là gốc. Mọi người nghĩ là đi làm việc ở các công ty có công ăn việc làm rồi kiếm sống được đó là công việc toàn cầu.
Nhưng cái giá trị mà chúng ta bàn luận là những gốc gác và chính những giá trị gốc gác đó, đất nước chúng ta cũng đa bàn luận đến nhiều. Trong chủ trương của Đảng, của Nhà nước chúng ta, trong Nghị quyết của Đảng cũng thấy nói rất rõ những giá trị đó. Chúng ta đang mong muốn gây dựng nó chứ không có gì mâu thuẫn với giá trị đó cả, vấn đề thực hiện như thế nào để mọi người dân Việt Nam thấm vào chuyện đó.
Tôi nghĩ là làm sao để mọi người thấy rằng, đó là cái giá trị gốc gác và chính cái nền này nó sẽ là cái nền tảng tốt để tạo ra những kết quả. Chỉ có thêm một vấn đề nữa, mặc dù chưa có bàn luận nhiều đó, là giáo dục công dân toàn cầu là điều làm sao để cho mọi người có một cái tư duy tốt tiếp cận vấn đề giải quyết vấn đề.
Hãy nhìn đúng giá trị giáo dục công dân toàn cầu là gì để chúng ta hiểu, tạo nên cái nền tảng chắc chắn nhất trong mỗi con người.
Ví dụ, giáo dục giờ khác lắm rồi, không chỉ nhà trường mới là giáo dục, trên facebook cũng đang là giáo dục nhau rất là nhiều và bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính chúng tôi trong trường đại học UCLA, mạng giáo dục công dân toàn cầu cũng có Hội đồng đổi mỡi lãnh đạo giáo dục công dân toàn cầu đưa ra mô hình mới, kiến nghị những tư duy mới, kể cả những trí tuệ nhân tạo, tương lai các nhà giáo là gì?
Nhà giáo không phải là những người đứng giảng nữa mà nhà giáo phải là người khơi dậy khả năng sáng tạo, truyền cảm hứng cho mọi người chứ không phải chỉ có truyền đạt kiến thức nữa chẳng hạn. Với thời đại trí tuệ nhân tạo mới, tôi nghĩ rằng là đấy là những cái mà chúng ta phải nhìn nhận tổng hợp toàn thể và mỗi con người nhìn nhận ra được đấy là đúng, là cần thì chúng ta hãy hành động. Nó sẽ có kết quả tốt.
Nhà báo Phạm Huyền: Học tập, thực hành và hành động, đó là những thông điệp mà ông Nguyễn Anh Tuấn vừa chia sẻ để khuyến khích mỗi con người chúng ta có thể trở thành công dân toàn cầu. Và chúng tôi rất hy vọng bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay sẽ mang tới cho độc giả những thông tin hữu ích về chương trình giáo dục công dân toàn cầu.
Một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã nhiệt tình tham gia chương trình với báo điện tử VietNamNet. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Hết
VietNamNet
Thực hiện: Lan Anh- Phạm Huyền
Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý, Thuý Hồng
Ảnh: Lê Anh Dũng
email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn