Untitled-1.jpg

Các doanh nghiệp trong nước cũng đã kịp bắt nhịp, đáp ứng nhu cầu xã hội trong lĩnh vực này. Cụ thể: Tinh Vân, Lạc Việt đã cung cấp dịch vụ này trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến của họ như Xalo.vn và Vietgle.vn. Tiếp sau đó, Công ty Viegrid cũng đã chính thức giới thiệu công cụ hỗ trợ dịch thuật Bocohan được cài đặt vào máy tính của người sử dụng bên cạnh trang trực tuyến www.thegioichu.com.

Theo TS Nguyễn Chí Công – Trưởng ban KHCN của Hội Tin học Việt Nam, sự bùng nổ của các công cụ hỗ trợ dịch thuật hiện nay cho thấy, định hướng chiến lược cho sự tích hợp giữa CNTT và ngôn ngữ học là thực sự cần thiết. Về nguyên tắc, nhà cung cấp nào có được đông đảo người dùng sẽ giành được ưu thế nếu biết tranh thủ sự đóng góp, hoàn thiện nội dung của chính cộng đồng người sử dụng. Tuy nhiên, ưu thế đó không thể thuộc về Google cho dù nhà cung cấp này có số lượng người sử dụng đông đảo hơn cả. Chính các nhà cung cấp trong nước có lợi thế hơn về vấn đề này vì chính người Việt Nam chứ không thể ai khác phải là người hiểu tiếng và giải quyết được các bài toán về tiếng Việt và dịch thuật với tiếng Việt hơn người nước ngoài. Đáng mừng là phần nào định hướng này có thể hiểu là cũng đã được đề cập trong Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành tháng 9/2010. Tuy nhiên, đó không thể là công việc nội bộ của các chuyên gia tin học như tiềm thức của xã hội suốt nhiều năm qua và phải là bài toán đa ngành với sự tham gia của không chỉ ngành ngôn ngữ học.

Theo ông Lê Vũ Khánh – nguyên phiên dịch cao cấp của Văn phòng Chính phủ, người vẫn được mời tham gia dịch tại nhiều hội thảo quốc tế không chỉ riêng trong lĩnh vực CNTT, đã đến lúc các chuyên gia tin học, ngôn ngữ học và những người làm công tác dịch thuật phải ngồi lại với nhau để cùng nhất trí một kế hoạch hợp tác vì lợi ích của tất cả các bên. Về góc độ nhà nước, ít nhất 4 bộ Ngoại giao, Giáo dục & Đào tạo, Khoa học & Công nghệ và Thông tin & Truyền thông cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình để làm đầu mối cho việc phát triển công nghệ dịch thuật. Việt Nam đã gia nhập WTO được gần 5 năm và trong quá trình hội nhập đó, rất cần tiết kiệm công sức và thời gian với các giao dịch quốc tế. Không gì khác để làm được việc đó là phải đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong lĩnh vực ngôn ngữ học.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 100 ra ngày 22/8/11