Công nghệ hỗ trợ trọng tài VAR đã ra mắt tại các giải bóng đá cấp độ cao nhằm loại bỏ các lỗi mắc phải của trọng tài. Mỗi trận đấu tại Premier League hiện nay đều có trọng tài VAR theo dõi các băng hình của trận bóng nhằm kiểm tra lại những quyết định có thể dẫn đến những tranh cãi.
"Tình huống đó không thể nào dẫn đến penalty!", "Này trọng tài, ông có cần một cái kính để nhìn rõ hơn không? Còn cách cả dặm nữa mới việt vị được", than vãn về quyết định của các trọng tài từ lâu đã là "thói quen" của những người hâm mộ môn thể thao vua.
VAR ra đời được cho là có thể giải quyết hoặc ít nhất giảm bớt những tranh cãi đó. Tuy nhiên, sự thật là nó còn dẫn đến nhiều vấn đề hơn. Đến nỗi những cuộc tranh luận về VAR đã lan truyền từ hết trang thể thao này cho đến các trang tin tức, chương trình bàn luận khác.
Những chủ đề bàn tán xoay quanh những tranh cãi về VAR là câu chuyện chỉ dành riêng cho giới hâm mộ bóng đá. Nhưng nó cũng là thứ giúp làm sáng tỏ hơn mối quan hệ rộng lớn của chúng ta đối với công nghệ, vào thời điểm mà công nghệ, đặc biệt là AI đang dần định hình nhiều khía cạnh trong đời sống, từ xe tự hành cho đến các thuật toán giúp đưa ra các quyết định điều trị y tế.
Trong nhiều lĩnh vực như thế, chúng ta lo ngại những đánh giá của con người có thể sai sót và trông chờ vào việc công nghệ mang đến những giải pháp tốt và khách quan hơn. Đó cũng chính xác là những tranh cãi dành cho VAR. Vì vậy, đối với cả những người không hề quan tâm đến môn thể thao vua, câu chuyện xung quanh VAR là thứ chúng ta nên quan tâm.
VAR được áp dụng nhằm loại bỏ các "lỗi rõ ràng" của trọng tài trên sân bằng cách sử dụng các trình phát lại cho phép trọng tài VAR xem xét các sự cố gây tranh cãi từ nhiều góc máy quay và tái tạo các chuyển động của quả bóng hoặc cầu thủ để kiểm tra xem liệu đó là một tình huống ghi bàn hay việt vị.
Vấn đề là thứ cấu thành nên một "lỗi rõ ràng" lại là bản thân của quyết định phán xét. Phần lớn các tranh cãi lại bắt nguồn từ việc người hâm mộ không đồng ý với việc VAR đảo ngược quyết định của trọng tài chính, thứ họ nghĩ nên giữ nguyên vì đó vốn là sai sót. Thay vì sự giận dữ của người hâm mộ vốn chỉ hướng trực tiếp vào trọng tài trên sân thì nay còn lan sang cả trọng tài VAR.
Những gì được xem là "chủ thể" của quyết định thường nảy ra vấn đề. Lấy luật việt vị là ví dụ, nó đã trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây. Về bản chất, cầu thủ ở vị trí việt vị nếu bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của anh ta được phép chạm vào bóng ở gần đường biên ngang cuối sân đối phương hơn so với bóng và cầu thủ đối phương thứ hai. Luật này được đưa ra nhằm ngăn việc một tiền đạo có được lợi thế không công bằng bằng cách bỏ qua lối chơi và chỉ việc đứng gần mục tiêu để chờ bóng.
VAR sẽ loại trừ những tình huống như thế. Công nghệ này có thể phát hiện dù chỉ là một gợi ý nhỏ nhất về một pha phạm lỗi được cho là "việt vị". Mới đây, tiền đạo của Liverpool là Roberto Firmino đã không được công nhận bàn thắng vì nách của cầu thủ này bị cho là việt vị.
Vậy, chúng ta có thể học hỏi được gì từ VAR đối với việc áp dụng công nghệ? Thứ nhất, những phán xét của con người là không tránh khỏi. Công nghệ giúp chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn. Nhưng trong những sự việc quan trọng, quyết định của con người vẫn nên là trước hết.
Thứ hai, VAR khiến chúng ta phải lưu tâm đến vấn đề bối cảnh. Dù trong bóng đá hay trong xã hội, chúng ta không bắt đầu với những quy tắc chúng ta phải tuân theo. Chúng ta bắt đầu với tầm nhìn về cách chúng ta muốn một trận đấu hoặc xã hội trông như thế nào và sử dụng các quy tắc hoặc luật lệ để đạt được kết quả cuối cùng. Thực thi các quy tắc hoặc luật lệ một cách máy móc, không xem xét bối cảnh đều sẽ chẳng mang lại nhiều ý nghĩa. Chúng ta thường quên mất rằng thứ những thuật toán thiếu chính là sự cân nhắc về bối cảnh.
Thứ ba, luôn có sự đánh đổi. Trong bóng đá, việc tạm dừng trận bóng để kiểm tra VAR sẽ làm đứt mạch trận đấu và thú vui tận hưởng trận bóng. Nhiều người hâm mộ thà chấp nhận những sai sót theo kiểu cũ chỉ để giữ lại thứ hồi hộp vốn đã là "đặc sản" xưa cũ của bóng đá. Sự đánh đổi tương tự cũng tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, muốn có được sự nhàn rỗi công nghệ mang lại thì chúng ta phải chấp nhận việc mất quyền riêng tư. Chúng ta luôn cần một sự thừa nhận đúng đắn và tranh luận công khai về vấn đề này.
Cuối cùng, VAR cho chúng ta thấy phải thận trọng với câu trả lời đến từ công nghệ, mọi thứ luôn cần khách quan hơn. Một cổ máy hay một thuật toán chỉ "tốt" ở ý niệm người ta tạo ra nó và lượng dữ liệu mà nó mang trong mình. Đó là lý do tại sao các thuật toán thường có thiên hướng khi làm việc và vì sao những tranh cãi về vẫn chưa có hồi kết. Công nghệ có thể làm quá lên một vấn đề thay vì loại bỏ những sai sót trong đánh giá của con người.
Công nghệ thật sự rất hữu ích. Tuy nhiên, chúng ta nên cảnh giác với việc đánh giá quá cao câu trả lời của nó trong khi lại đánh giá thấp tầm quan trọng trong phán xét của con người.
Theo Zing