Hàng giả là một trong những vấn nạn đang làm điên đảo các nhà sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ lâu, các lực lượng thực thi pháp luật chống hàng giả đã phải rất đau đầu tìm cách chống lại hàng giả, nhưng với công nghệ ngày càng tinh vi điều này ngày một khó khăn.

Để phân biệt được một chiếc túi là hàng thật hay hàng giả đúng là một nghệ thuật tinh tế liên quan đến việc đếm các mũi khâu, cảm nhận lớp vỏ của da và lướt qua các mẫu in.

Chính xác 98%

Mới đây, một công ty khởi nghiệp ở New York cho biết đã phát triển thành công một công nghệ có thể phát hiện hàng giả mà không cần phỏng đoán. Đây đúng là tiện ích tuyệt vời giúp những tín đồ nghiện mua sắm túi xách hàng hiệu không bị mất tiền vì mua phải hàng nhái.

Giải pháp của Entrupy là một chiếc kính hiển vi cầm tay cho phép mọi người có điện thoại thông minh kiểm tra phụ kiện sang trọng trong vòng vài phút. Kể từ khi tung ra dịch vụ một năm trước, công ty cho biết tính chính xác của nó đạt hơn 98% cho 11 thương hiệu nổi tiếng, trong đó có cả các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel và Gucci.

Các nhãn đồ họa, in vi mô và thậm chí cả các đèn hiệu... dệt thành vải đã được các nhãn hàng thời trang sử dụng trong nhiều năm để khẳng định “thương hiệu” trên mỗi sản phẩm của họ. Theo nhà nghiên cứu Visiongain, năm 2017, các nhà sản xuất tại London đã chi khoảng 6,15 tỷ USD cho công nghệ chống hàng giả, nhưng với thủ đoạn của những kẻ buôn bán hàng không rõ nguồn gốc và hàng giả cao cấp ngày một gia tăng, cuộc chiến ngày càng khốc liệt.

{keywords}

Susan Scafidi, Giám đốc Viện Luật Thời trang thuộc Đại học Fordham, New York, nói: "Cách đây chục năm, làm gì có chuyện các nhãn hàng của Chanel, Gucci và Prada bày bán trên hè phố. Nhưng bây giờ, với lượng hàng hóa quá nhiều, thật giả lẫn lộn trên các trang mạng trực tuyến, rất khó cho người tiêu dùng có thể nhận ra sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả".

Các cửa hàng trực tuyến bán đồ cũ như RealReal và Vestiaire Collective có nhiều năm kinh nghiệm xác định tính xác thực của hàng hóa họ mua và bán, cho biết họ vẫn có không ít khách hàng phàn nàn bị mua phải hàng giả, mặc dù khả năng nhận biết đồ giả trong đội ngũ nhân viên của họ là khá tốt.

Vấn đề hàng giả càng được nhấn mạnh hơn khi năm 2016, Liên minh Chống hàng giả Quốc tế đã đình chỉ các thành viên của Tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd., nhà kinh doanh trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, vì tập đoàn này và các thị trường thương mại điện tử khác không “mạnh tay” trong việc tiêu hủy hàng giả.

Phóng to 260 lần

Entrupy cho biết, máy ảnh của họ phóng to các vật thể đến 260 lần, do đó các tính năng không nhìn thấy được với mắt người trở thành dấu hiệu nổi bật. Những sản phẩm có dấu hiệu lởm chởm, khoảng trống nhỏ trong da và những lớp sơn dày hơn bình thường... ở hàng giả dễ dàng bị phát hiện.

Thiết bị “máy ảnh” này giống như một đèn pin cỡ lớn với kết nối không dây, có thể được thuê với mức phí ban đầu là 299USD. Và nếu có kế hoạch thuê hàng tháng có thể giảm còn 99USD. Đến nay, có khoảng 160 doanh nghiệp, bao gồm cửa hàng cầm đồ, người bán sỉ và các nhà bán lẻ trực tuyến đã đăng ký.

Vidyuth Srinivasan, người đồng sáng lập Entrupy, nói: "Ngày nay con người có thể thực hiện được mọi thứ. Song đối với các doanh nghiệp đang phát triển, đó không phải là một giải pháp có thể mở rộng".

Với sự trợ giúp nghiên cứu của Yann LeCun, Giám đốc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Facebook, ông Vidyuth Srinivasan, CEO của Công ty Entrupy, đã nảy ra ý tưởng về sản phẩm này qua việc thiết kế những bộ gen, một dấu hiệu nổi bật của những thương hiệu lớn, như túi xách Fendi hoặc Hermes. Srinivasan cùng 2 nhà nghiên cứu Ashlesh Sharma và Lakshminarayanan Subramanian thuộc Trường đại học New York, bắt đầu phát triển Entrupy từ năm 2012.

Vấn đề là họ cần phải có nhiều dữ liệu, nhiều túi xách của nhà thiết kế của các thương hiệu nổi tiếng và cả các túi xách giả mạo nữa. Họ đã tìm đến các cửa hàng bách hóa dành cho phụ nữ, và thậm chí là các cửa hàng mua bán đồ cũ... Hiện cơ sở dữ liệu Entressed có hàng chục triệu bức ảnh của chừng 30.000 túi xách và ví khác nhau. Phần mềm học khi khách hàng upload hình ảnh mới.

Srinivasan khẳng định công ty ông không có mối quan hệ với bất kỳ nhãn hiệu thời trang nào mà các sản phẩm họ chứng thực. Còn một số nhà sản xuất mặt hàng xa xỉ thì không muốn thừa nhận có thị trường đồ cũ cho hàng hóa của họ.

Ông Srinivasan cho biết thêm: "Công nghệ này hoạt động khá tốt trên tất cả các sản phẩm và bề mặt, ngoại trừ kim cương và đồ sứ, vì chúng là khúc xạ và cần phải sử dụng phân tích quang học. Những sản phẩm kế tiếp sẽ được nghiên cứu và phát triển rộng rãi trên nhiều mặt hàng như: tai nghe, điện thoại cao cấp, giày dép, quần áo, hay thậm chí là cả dầu thô”.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)