Đẩy mạnh chuyển đổi số thúc đẩy sản phẩm OCOP 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP,  tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả tích cực như: số lượng sản phẩm đăng ký, sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận ngày càng cao, đến nay đã có 189 sản phẩm được công nhận đạt hạng từ 03 sao trở lên (trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao); chủ thể tham gia chương trình ngày càng nhiều và đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng ra thị trường trong nước và hướng đến thị trường nước ngoài, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, xây dựng sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm.

kontum.png
Ảnh minh hoạ

Từ những chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng số, HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) đã khai thác, phát huy hiệu quả nền tảng số để quảng bá hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, HTX đang cung ứng ra thị trường nhiều dòng sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê. Sản phẩm của HTX được giới thiệu và chào bán rộng rãi trên sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, sendo, lazada, postmart, voso, trang fanpage, phần mềm bán hàng kiotviet... tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm. 

Sớm hiểu rõ những lợi ích của thương mại điện tử, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP ở tỉnh Kon Tum có sản phẩm đạt 3 sao trở lên đã và đang đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, website riêng. Theo ông Đoàn Quốc Anh Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Kon Tum, HTX hiện có 6 sản phẩm đã đưa lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, HTX được tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn, doanh số bán ra tăng 200 - 300% so với trước.

Bên cạnh việc kết nối với các chủ thể có sản phẩm OCOP khác cùng tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, gian hàng “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP” của Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tây Nguyên Xanh sau một năm hoạt động đã có trên 11.500 lượt người tiêu dùng theo dõi. Theo Giám đốc Trịnh Tuấn Kiệt, công ty hiện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam. Từ khi tham gia Shopee, lượng đặt mua đạt bình quân 70 - 100 đơn hàng/tháng, doanh số cải thiện đáng kể.

kontum4.png
Ảnh minh hoạ

nhân rộng mô hình tiếp thị Thương mại điện tử đa kênh

Việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp các hợp tác xã và người dân thuận tiện trong tiếp cận với khách hàng nhiều hơn, quảng bá được thương hiệu sản phẩm.

Để giúp các chủ thể đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, hơn một năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum hỗ trợ đưa 1.000 sản phẩm của nông dân; 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên các sàn voso.vn, postmart.vn, kontumtrade.gov.vn…, trong đó có 157 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, Bưu điện Kon Tum còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thu thập thông tin đưa hàng nghìn sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 80% website thương mại diện tử của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến, 40-50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

Hiện nay, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được các đơn vị, địa phương tại tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện có hiệu quả, đã mang lại động lực quan trọng cho việc chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh trong đó có hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, tỉnh Kon Tum đã giao nhiệm vụ cho Sở Công thương phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương xây dựng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho phù hợp với địa phương, đơn vị.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum hoạt động trên hệ thống sàn thương mại điện tử tỉnh được hỗ trợ 100% chi phí tham gia các hoạt động trên sàn. Đã có 479 dịch vụ sản phẩm của tỉnh Kon Tum với hơn 278 tổ chức, cá nhân hoạt động trên hệ thống cung cấp giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP cấp tỉnh tại địa chỉ https://kontumtrade.gov.vn.

Xây dựng gian hàng tiêu chuẩn, đặc trưng bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh để đánh giá và nhân rộng mô hình tiếp thị Thương mại điện tử đa kênh. Hỗ trợ 40 tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chương trình triển lãm trực tuyến trên các hệ thống gian hàng đối các sản phẩm của tỉnh tại địa chỉ http://trienlam.kontumtrade.gov.vn.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử bằng việc xây dựng và bàn giao cho doanh nghiệp 7 Fanpage bán hàng trực tuyến; Xây dựng và chuyển giao cho doanh nghiệp 7 gian hàng trên hệ thống Shopee và Lazada.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ đưa xấp xỉ 1.000 sản phẩm của gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp; 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như http://voso.vn, https://postmart.vn, https://kontumtrade.gov.vn...; trong đó, có toàn bộ 164 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Nhằm giúp khách hàng tìm hiểu cụ thể về các sản phẩm, tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai kế hoạch truy xuất nguồn gốc với việc hỗ trợ 5 sản phẩm trên địa bản tỉnh truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code; Cập nhật xây dựng và bổ sung 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh tạo mã QR trực tuyến trên hệ thống https://etrace.kontum.vn.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, thương mại điện tử trên địa bàn; Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện.

Lâm Viên