Làng Đắk Răng, thuộc xã Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cách trung tâm huyện Ngọc Hồi 15km về phía Bắc, dân số khoảng 200 người, trong đó 99% dân số là người Giẻ - Triêng sinh sống từ lâu đời. Làng được biết đến là điểm tham quan hấp dẫn với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ Triêng còn lưu giữ đến ngày nay. 

Làng còn lưu giữ nhiều lễ hội cũng như nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hoá này đang được người dân nơi đây phát huy, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. 

Làng Đắk Răng còn gìn giữ được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình, như: Tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ độc đáo; các hoạt động văn hóa như: cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như Lễ ăn trâu là lễ hội lớn của dân tộc Giẻ -Triêng.

Nhiều nét văn hóa bản địa lâu đời vẫn được gìn giữ qua nhiều năm tháng. Đó là trang phục của nam với khăn chàm đội đầu, lỗ tai xâu đeo khuyên bằng gỗ quý hoặc ngà voi, và xăm mình với nhiều nét hoa văn đơn giản, nhưng tinh tế. Hay những chiếc khổ với nhiều hoa văn truyền thống đặc sắc.

langgietrieng.png
Ảnh minh hoạ

Còn phụ nữ lại để tóc dài, trang phục thường là váy có nhiều sọc hoa văn màu đỏ in đậm trên nền chàm. Đây chính là điều đặc biệt chỉ có ở những người phụ nữ Giẻ-Triêng, những chiếc váy vừa là áo tôn được nét đẹp khỏe khoắn, hiện đại mà cũng không kém phần truyền thống. Ngoài ra phụ nữ nơi đây còn đeo khá nhiều đồ trang sức đẹp mắt.

Người Giẻ Triêng sống trong nhà sàn được xây dựng trên nền đất hình chữ nhật, mỗi nhà thường có chiều dài khoảng 15 m. Nhà sàn của người Giẻ Triêng được lợp bằng tranh và có cấu tạo nhiều nét giống với ngôi nhà của người Kinh với hệ thống cột, đòn tay, đòn giông… Tuy nhiên, du khách sẽ tìm thấy nét độc đáo trong những ngôi nhà sàn của người Giẻ Triêng, đó chính là mái nhà hình mai rùa, dốc hai đầu và được trang trí bằng hai sừng trâu và mọi ngôi nhà đều theo hướng đông – tây.

Những đoàn nghệ nhân nổi tiếng làng Đắk Răng thường xuyên tham gia các lễ hội truyền thống trong và ngoài tỉnh. Đến với buôn làng, có thể thấy được quá trình chế tác các nhạc cụ truyền thống như: đàn Đinh tút, Ting Ning, sáo, ta-len, ta-lét, bìn, oòng-enh, pin-pui, Pờ-Rưn, Tơ-rưng…

Một số hộ gia đình có điều kiện đã tổ chức phục vụ, hướng dẫn du khách tham quan các hoạt động văn hóa tại làng. Các dịch vụ trải nghiệm, mua sắm, như: mua đồ thổ cẩm, mua các bình rượu ghè, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gùi, bầu, nhà rông, tượng gỗ dân gian,...); các nhạc cụ truyền thống (đàn Đinh tút, Ting Ning, sáo, ta-len, ta-lét, bìn, oòng-enh, pin-pui, Pờ-Rưn, Tơ-rưng); Dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát, giao lưu văn hóa cồng chiêng, múa xoang,... trải nghiệm các hoạt động, tập quán đời sống của người Giẻ -Triêng. Chế biến các món ăn truyền thống như gà nướng, cơm lam, gỏi lá, heo làng nướng xiên, các ẩm thực đặc trưng của người Giẻ-Triêng phục vụ khách du lịch đến thăm quan tại Làng...

Một điều thú vị thu hút du khách trong nước tìm đến Đắk Răng để trải nghiệm cung đường đi tham quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y – ngã ba biên giới Đông Dương. Còn với du khách quốc tế, làng Đắk Răng là điểm đến trong tuyến trải nghiệm Tây Nguyên dọc theo Quốc lộ 14.

Bởi vậy, tỉnh Kon Tum đã cùng với Hiệp hội du lịch Việt Nam xây dựng tuyến điểm, trong đó có làng Đắk Răng để các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm giới thiệu tới du khách.

Lâm Viên