Bắn chun, cõng nhau giẫm lên hoa hồng đầy gai
Chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng, nâng cao doanh số với những trò chơi trải nghiệm gây đau đớn cho người tham gia đang được dư luận quan tâm.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay chương trình đào tạo của một thương hiệu mỹ phẩm. Nhằm tạo động lực, tăng đoàn kết, nhóm người này chơi trò kéo dây chun. 10 người cùng lúc kéo nhiều sợi dây chun cho đến khi dây đứt.
Với đội thất bại, thủ lĩnh sẽ phải chịu trừng phạt, bị sếp bắn dây chun vào cổ tay. Cổ tay của một số cô gái đã đỏ lừ, sưng tấy. Mục đích của việc này là để nhân viên thấu hiểu trách nhiệm nặng nề, sự thiệt thòi của thủ lĩnh và sức mạnh của đội nhóm.
Nữ CEO của công ty khẳng định, trò chơi đã chạm đến cảm xúc của người tham gia và những người đứng ngoài không hiểu được điều đó.
Một cô gái tham gia trải nghiệm cũng thổ lộ, bản thân đã nhận được bài học giá trị từ thử thách bắn chun. Trước đó, cô từng vượt nhiều thử thách, trải nghiệm khắc nghiệt hơn khi tham gia các khóa đào tạo bán hàng hệ thống.
Trước đó, vào cuối tháng 8, mạng xã hội từng xôn xao trước video đội nhóm tham gia thử thách cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng.
Video này cũng là về một khóa học đào tạo dành cho người bán hàng hệ thống. Từ sếp đến nhân viên của công ty cùng tham gia thử thách cõng nhau bước qua con đường trải hoa hồng gai.
Người giẫm lên gai hoa hồng bật khóc vì đau đớn, người được cõng và cả những người chứng kiến cũng rơi nước mắt. Thử thách này nhằm mục đích đào tạo bán lĩnh cho các thành viên trong công ty.
Để phản bác ý kiến cho rằng hoa hồng không có gai, một nhân viên còn quay cận cảnh cành hồng đầy gai nhọn để chứng minh độ xác thực của thử thách. Hành động này càng khiến người xem khó hiểu.
Đa phần đều cho rằng, bắn chun và cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng là thử thách điên rồ, lố bịch, không mang tính giáo dục.
Cách thức đào tạo phi giáo dục
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia tâm lý, TS. Phạm Thị Thúy khẳng định, bắn dây chun là trò chơi phi giáo dục. “Mục đích tổ chức có thể tốt cho buổi đào tạo nhưng cách thực hiện lại gây tổn hại cho thể chất, tinh thần của người khác.
Tôi rất phản đối các trò chơi phản cảm như thế này. Người tổ chức thiếu hiểu biết về giáo dục và tâm lý con người, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, không để ý đến tác động tiêu cực của trò chơi đến người tham gia và người chứng kiến”.
Những thử thách gây đau đớn có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người tham gia. Về mặt tâm lý, hậu quả cũng rất nặng nề.
TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ, không khí sôi nổi của chương trình khiến người trong cuộc phấn khích, chấp nhận các thử thách và dễ xúc động.
“Tuy nhiên, sau này xem lại, họ có thể nghĩ ‘không ngờ lúc đó mình chịu đau và chịu nhục được như vậy’. Trong clip kia, đi kèm với động tác bắn chun là rất nhiều câu nói nặng nề. Tôi xem video mà cảm thấy kinh khủng.
Đó là sự sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm trước đám đông, có thể gây ra tổn thương lớn về tâm lý cho ai đó sau này. Đặc biệt, video lại được công khai trên mạng xã hội, thu hút nhiều bình luận chỉ trích, tổn thương sẽ bị nhân lên nhiều lần”.
Những người có mặt trong buổi đào tạo, chứng kiến hình phạt bắn chun cũng bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý.
Theo chuyên gia, trò chơi đã “lấy sự hối hận, mặc cảm trước cái sai, xấu, dở của người khác để thúc giục họ thay đổi”. Việc này lợi bất cập hại.
“Người tổ chức cho rằng, thử thách này tạo động lực, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên với công việc chung, nếu không thủ lĩnh của họ sẽ bị trừng phạt.
Đây là một dạng thao túng tâm lý tiêu cực. Người chứng kiến bật khóc vì thương, vì sợ, vì xấu hổ khi mình làm ảnh hưởng đến người khác, từ đó sinh ra tâm lý mặc cảm, tội lỗi. Đó là phi giáo dục.
Với những người có tiềm ẩn những vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động này càng khó dự đoán trước”, TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Những video trên cũng gây ra hậu quả tâm lý xã hội, khiến người xem cảm thấy bi quan khi thấy một số công ty vì hiệu quả kinh doanh mà bất chấp, sẵn sàng tổ chức thử thách gây đau đớn cho người tham gia.
“Cộng đồng mạng không nên chỉ trích những người tham gia trò chơi này. Trong môi trường, mục đích đào tạo như vậy, họ tham gia cũng là điều dễ hiểu, chỉ là họ không lường trước được hậu quả phía sau”, chị nói thêm.
Theo chuyên gia tâm lý, buổi đào tạo mang tính giáo giục phải đảm bảo hai yếu tố.
Thứ nhất, mục tiêu đào tạo phải vì con người, quan tâm đến sức khỏe, tâm lý, cảm xúc của con người, chứ không chỉ vì hiệu quả kinh doanh. Đó mới là tư duy của kinh doanh bền vững, kinh doanh có đạo đức.
Thứ hai, người tổ chức phải nói rõ luật chơi kèm hậu quả có thể có để người chơi quyết định có tham gia hay không.