![]() |
VNPT Lạng Sơn bán hàng lưu động tại chợ Phiên, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng |
CTV của VNPT các tỉnh, thành trước hết được hiểu đơn thuần là những người được hợp đồng để phát triển thuê bao. Họ có ưu thế là những người sinh sống tại địa phương nên hiểu địa bàn, nề nếp sinh hoạt và kinh tế của người dân địa phương. Cũng vì thế, sau một thời gian đội ngũ CTV hoạt động có hiệu quả, VNPT một số tỉnh, thành đã giao CTV kiêm luôn việc chăm sóc khách hàng (CSKH), thậm chí cả việc thu cước, bán thẻ điện thoại...
Có thể thấy, lợi thế của việc sử dụng mô hình CTV là rất lớn, nhất là ở những vùng sâu vùng xa. Qua các CTV, nhà cung cấp dịch vụ nắm bắt được nhu cầu và những phản ánh của khách hàng một cách chính xác và nhanh chóng, từ đó xây dựng, hoạch định chính sách một cách chuẩn xác. Hơn nữa, với mô hình này, hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trở nên gần gũi, thân thiết hơn với khách hàng.
CTV “3 trong 1”
Từ năm 2008, trước sức ép cạnh tranh, đòi hỏi VNPT Lạng Sơn phải quan tâm hơn đến chất lượng và tính tiện ích của dịch vụ. Và mô hình CTV là giải pháp mà VNPT Lạng Sơn đã lựa chọn và đang phát huy có hiệu quả. Đến tháng 10/2009, đội ngũ CTV gắn bó và có uy tín với VNPT Lạng Sơn đã đạt tới khoảng 70 người. Ban đầu, các CTV đi bán hàng đều có nhân viên của VNPT Lạng Sơn đi kèm để hướng dẫn, giới thiệu một số kỹ năng cơ bản. Sau đó, với phương châm phục vụ khách hàng tốt nhất, VNPT Lạng Sơn tiếp tục để đội ngũ CTV tham gia sâu vào hoạt động CSKH. Trước đây, với những sự cố nhỏ như mất tín hiệu do đứt dây, thao tác sai khi sử dụng... khách hàng đều phải đem tới Trung tâm Viễn thông hoặc kỹ thuật viên của Trung tâm phải đến tận nhà khách hàng để sửa chữa. Nhưng với mô hình CTV phát triển thuê bao kiêm CSKH, thời gian qua, mọi sự cố kỹ thuật nhỏ đều được giải quyết trong thời gian nhanh nhất tại địa chỉ của khách hàng.
Tại những địa bàn đi lại khó khăn, CTV còn kiêm luôn cả công tác thu cước. Theo VNPT Lạng Sơn, tính đến hết tháng 10/2009, đội ngũ CTV đã phát triển được 4200 thuê bao. Ông Nông Văn Gia, một CTV của VNPT Lạng Sơn được giao phụ trách một xã vùng biên cho biết: “Với đặc thù là người dân địa phương thường đi vắng vào ban ngày nên rất khó tiếp cận để bán hàng, nên công việc của chúng tôi thường bắt đầu vào buổi chiều và tới 21h mới về đến nhà. Nhưng cũng do nắm được địa bàn, tình hình kinh tế của khách hàng nên chúng tôi biết được gia đình nào có nhu cầu thật sự rồi mới tiếp thị. Và kể từ khi CTV được giao đảm nhiệm khâu CSKH thì tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều…”.
Tuy nhiên, theo VNPT Lạng Sơn việc tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với đội ngũ này mới chỉ dừng ở mức độ chọn lọc những CTV có khả năng làm việc tốt để bồi dưỡng và số lần được bồi dưỡng cũng còn hạn chế.
Hướng tới CTV bán hàng chuyên nghiệp
Từ tháng 5/2009, mô hình CTV của VNPT Sơn La ra đời, với số lượng 20 CTV phụ trách phát triển thuê bao tại 11 huyện. Đến tháng 9/2009, số lượng này đã tăng gấp 4 lần và có mặt tại 200 xã, phường. Bình quân mỗi CTV phát triển được 50 thuê bao/tháng. Và từ tháng 7/2009, tất cả các CTV của VNPT Sơn La đã được đào tạo những kỹ thuật cơ bản như lỗi sim, đứt đường dây điện thoại, máy rớt sóng… để có thể khắc phục các sự cố nhỏ tại địa chỉ thuê bao. Để động viên CTV, VNPT Sơn La đã có chính sách thưởng doanh số cho CTV hàng tháng khi họ đạt và vượt chỉ tiêu.
Ông Lường Hoàng Bun – Trưởng Phòng Kinh doanh, tiếp thị, bán hàng của VNPT Sơn La còn cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi CTV không chỉ là một kênh phân phối dịch vụ mà còn là chân rết của VNPT Sơn La tại địa phương để kịp thời phản ánh tình hình thị trường, nhu cầu khách hàng làm cơ sở để đưa ra những chính sách kịp thời”.
Đọc toàn bộ bài viết trên Báo Bưu điện Việt Nam số 148 ra ngày 11/12/2009