Công ty của ông Đặng Thành Tâm muốn huy động 4.000 tỷ

Công ty Cổ phần (CTCP) Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2023. Đáng chú ý, SGT dự kiến thu xếp huy động từ 3.500-4.000 tỷ đồng, thông qua tăng vốn cũng như huy động từ các đối tác chiến lược, vay ngân hàng, các định chế tài chính hoặc hợp tác đầu tư.

SGT dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. SGT dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu, bằng 67,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành. 

SGT là công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tâm nắm giữ hơn 35 triệu cổ phiếu SGT, tương đương 23,6% vốn điều lệ.

Năm 2023, SGT đặt kế hoạch doanh thu 2.750 tỷ đồng, tăng 89%. Lợi nhuận trước thuế 412 tỷ đồng, tăng đến 283% so với năm 2022.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cần vốn 1,2 tỷ USD

Tương tự Saigontel, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng cần một lượng vốn lớn để đầu tư. 

Về nhu cầu đầu tư trong năm 2023, BSR dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó BSR sẽ chi 40% vốn chủ sở hữu và 60% vốn còn lại đi vay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thông qua chỉ tiêu doanh thu năm 2023 hợp nhất 95.645 tỷ đồng, giảm 43%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.628 tỷ đồng, giảm 89% so với năm 2022.

Kế hoạch này đặt ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn nhiều thách thức. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%.

Ngoài ra, lạm phát tăng kéo theo chi phí hoạt động của BSR năm 2023 tăng. BSR còn gặp rủi ro khi phải cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do.

Lọc hóa dầu Bình Sơn. (Ảnh: BSR)

Bầu Hiển tìm vốn ngoại cho SHB

Tại ĐHĐCĐ năm 2023, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) báo cáo về việc tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, SHB muốn có nhà đầu tư nước ngoài đi với ngân hàng lâu dài, giúp SHB tăng cường khả năng quản trị. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm, chỉ có được các nhà đầu ngắn và trung hạn.

Do đó, SHB chấp nhận nhà đầu tư nước ngoài mà có thể chỉ 2-5 năm họ sẽ rút. Trong năm nay hoặc sang năm, SHB sẽ có nhà đầu tư ngắn và trung hạn.

Chủ tịch LDG bị bán giải chấp 3,5 triệu cổ phiếu

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (LDG) vừa bị bán giải chấp 3,5 triệu cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 7,23% về còn 5,86% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện ngày 13-14/4.

Trong 2 phiên cuối tuần, cổ phiếu LDG giảm sàn liên tiếp sau thông tin kết luận thanh tra của tỉnh Đồng Nai về dự án khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).

Chốt phiên giao dịch 14/4, LDG giảm về 4.010 đồng/cổ phiếu.

Người nhà lãnh đạo PGBank đăng ký bán cổ phiếu

Thị trường ghi nhận một số giao dịch chứng khoán khác. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank (PGB) vừa có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người liên quan với người nội bộ.

Cụ thể, bà Đinh Thị Bé, chị ruột ông Đinh Thành Nghiệp - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc PGB đăng ký bán toàn bộ 4,12 triệu cổ phiếu (tỷ lệ nắm giữ 1,375%). Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/4 - 19/5.

Cùng với đó, vợ ông Nghiệp là bà Nguyễn Bạch Mai cũng đăng ký bán ra toàn bộ gần 110.000 cổ phiếu PGB. Giao dịch dự kiến từ ngày 21/4-19/5, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Vợ và chị gái ông Nghiệp đăng ký thoái vốn trong bối cảnh cổ phiếu PGB tăng hơn 80% so với thị giá cách đây 1 tháng. Nếu giao dịch thành công, hai người thân của ông Nghiệp thu về khoảng 141 tỷ đồng.

Hiện, ông Nghiệp nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu PGB, chiếm tỷ lệ hơn 1% vốn điều lệ.

Người nhà lãnh đạo PG Bank bán cổ phiếu trong bối cảnh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng vừa hoàn tất thoái hết 120 triệu cổ phiếu tại nhà băng này, kết thúc kế hoạch tìm đối tác kéo dài trong hơn 1 thập kỷ cho PG Bank.