Năm nay, cổ phiếu của Sea - công ty mẹ Shopee - đã tăng gấp 5 lần, có lúc giá trị vốn hóa đạt tới 100 tỷ USD. Trong khi đó, Gojek và Grab hợp lại được 24 tỷ USD.

{keywords}
Tài xế Gojek và Grab lưu thông trên đường tại Indonesia. Ảnh: Nikkei

Theo Nikkei, Gojek và Grab đã đàm phán sáp nhập gần một năm, có bất đồng nhưng lại tiếp tục thảo luận theo yêu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư. Nhờ có sự phát triển của Sea, áp lực sáp nhập ngày một lớn hơn. Từ đầu năm 2020, giá cổ phiếu của Sea đã tăng do các mảng kinh doanh chính như game, thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số đều được hưởng lợi từ thay đổi hành vi tiêu dùng trong dịch Covid-19. Doanh thu quý III của Sea tăng 99% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ vào Shopee.

Tình hình của Sea cũng phản ánh quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào thị trường kỹ thuật số Đông Nam Á. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường dự kiến đạt 309 tỷ USD năm 2025, tăng gần 3 lần so với năm 2020. Sea đóng vai trò như cánh cổng để các nhà đầu tư gặt hái lợi ích từ tăng trưởng đó do đây là một trong số ít các cổ phiếu Đông Nam Á tại Mỹ.

Các nhà đầu tư của Grab và Gojek dường như tin rằng, pháp nhân mới sau khi sáp nhập sẽ thu hút sự quan tâm tương tự nếu lên sàn. Pháp nhân mới cũng có thể sinh lời nhanh hơn do giảm cạnh tranh và chi phí. Một nhà đầu tư của Grab chia sẻ họ tin rằng nếu Grab và Gojek sáp nhập, có thể đạt giá trị 50 tỷ USD.

Điểm mấu chốt trong sáp nhập là kiểm soát Indonesia, thị trường lớn nhất của cả hai công ty. Nhiều đề xuất đã được đưa ra, trong đó có kế hoạch để hai đồng CEO Gojek hiện tại Kevin Aluwi và Andre Soelistyo tiếp quản hoạt động tại Indonesia của pháp nhân mới và báo cáo cho người đứng đầu tập đoàn, nhà sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan. Tuy nhiên, hai công ty vẫn không thống nhất về các vấn đề và cũng phải mất vài tháng mới đi đến một thỏa thuận nào đó. Vì vậy, IPO cũng là điều xa vời.

Trong email gửi nhân viên hồi đầu tháng, Aluwi và Soelistyo cho biết, không có lý do cấp bách nào để ký thỏa thuận với Grab. Họ có đủ tài chính để tiếp tục hoạt động và phát triển kinh doanh trong vài năm tới.

Ngoài thành tích của Sea trên thị trường chứng khoán, một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư đang thúc đẩy sáp nhập, đặc biệt từ phía Grab, là Grab có thể phải trả 2 tỷ USD cho Uber nếu không lên sàn vào tháng 3/2023. Đây là một phần trong thỏa thuận khi Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á năm 2018.

Một số hãng công nghệ đã phát hành cổ phiếu tại Mỹ năm nay như nền tảng cho thuê nhà Airbnb và dịch vụ giao đồ ăn DoorDash, thu được một số thành công. Điều này cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của các nhà đầu tư Grab và Gojek.

Thành tích của Sea trên thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư lo lắng. Họ cho rằng Grab và Gojek sáp nhập là cách tốt nhất để đấu lại Sea tại Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Tại Indonesia, GoPay và OVO – hai dịch vụ thanh toán của Gojek và Grab – đang dẫn đầu thị trường. Chúng rất quan trọng với các siêu ứng dụng vì giữ chân người dùng trong hệ sinh thái của họ. Dù vậy, vài tháng gần đây, Shopee Pay của Sea cũng đang có những bước tiến quyết liệt, giành thị phần đáng kể.

{keywords}
Shopee đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán Shopee Pay tại Indonesia. Ảnh: Nikkei

Dù là người chơi đến muộn – chỉ chính thức ra mắt Indonesia trong tháng 8, Shopee Pay ngay lập tức gây chú ý nhờ cung cấp hàng loạt chương trình quảng bá mạnh tay tại thời điểm mà cả Gojek và Grab đều rút khỏi chiến lược “đốt tiền”. Các nhà đầu tư của Grab và Gojek muốn tìm ra con đường lợi nhuận nhanh hơn. Tuy  nhiên, đây là điều khó khăn do cả hai công ty đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là dịch vụ gọi xe then chốt.

Gojek thậm chí còn phải đóng cửa một số dịch vụ để tái cơ cấu. Trong email nội bộ hồi tháng 6, CEO Gojek thừa nhận công ty trải qua nhiều thách thức, phải thích ứng với môi trường bên ngoài và tập trung xây dựng kinh doanh hiệu quả hơn. Mặt khác, Sea lại tiếp tục quảng bá Shopee Pay nhờ bộ phận game Garena sinh lời.

Tuy nhiên, ngay cả khi Grab và Gojek đồng ý sáp nhập, vấn đề độc quyền vẫn sẽ tồn tại. Grab không xa lại với điều này. Công ty đã bị điều tra chống độc quyền và phạt tại quê nhà Singapore và Philippines khi tiếp quản Uber. Indonesia lại là thị trường mà hai hãng thống trị trong dịch vụ gọi xe và chuyển phát.

Nếu hai bên sáp nhập, một lượng lớn nhân sự có thể bị cắt giảm và điều này không thể nằm ngoài tầm mắt của chính quyền, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người đã mất việc làm vì dịch bệnh.

Một quan chức chính phủ cao cấp của Indonesia trả lời Nikkei rằng, chính phủ không bình luận về việc sáp nhập giữa các công ty tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ luôn muốn cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty tiếp tục để cân bằng thị trường. Nếu có sáp nhập và hình thành công ty lớn với khả năng kiểm soát thị trường mạnh, điều đó sẽ không tốt và gây hại cho người tiêu dùng.

Du Lam (Theo Nikkei)

Indonesia có thể điều tra chống độc quyền nếu Grab và Gojek sáp nhập

Indonesia có thể điều tra chống độc quyền nếu Grab và Gojek sáp nhập

Vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek nếu xảy ra sẽ dẫn đến độc quyền thị trường, ảnh hưởng xấu đến người dùng và tài xế.