Mọi chuyện bắt đầu cách đây vài ngày khi một cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải lên nền tảng Weibo thông tin về việc một công ty ở thành phố Thâm Quyến đã lắp đặt camera giám sát phía trên đầu mỗi chỗ ngồi làm việc của nhân viên. Hình ảnh được chia sẻ cho thấy có một bàn làm việc dài trong một văn phòng và các camera giám sát được lắp đặt phía trên mỗi máy tính cá nhân, để từ đó có thể hiển thị màn hình máy tính của mỗi máy trạm tới một khu vực điều khiển trung tâm.
Thông tin ngay lập tức gây xôn xao dư luận, một số cư dân mạng gọi động thái này là "theo dõi một mất một còn".
Ngay sau đó, một nguồn tin xác nhận văn phòng làm việc này nằm trong một tòa nhà cho thuê văn phòng ở quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến. Nhiều cư dân mạng còn phát hiện ra logo của một hãng công nghệ được dán trên cửa kính trong đoạn video được chia sẻ trực tuyến.
Hôm 13/7, ông Tần, người đứng đầu công ty công nghệ có logo dán trên cửa đã lên tiếng giải trình, nói rằng những miếng dán trên cửa kính thực sự là của công ty mình. Nhưng công ty ông đã chuyển đi từ hồi tháng 4 năm nay và những miếng dán logo này vẫn còn sót lại. Về việc sau đó công ty nào đã thuê văn phòng và kinh doanh gì, ông hoàn toàn không biết.
"Sau khi dọn đi, chúng tôi chưa có thời gian để thay đổi địa chỉ văn phòng tại sở công thương. Nhiều cư dân mạng cho rằng đó là công ty của chúng tôi, điều này đã khiến chúng tôi bị chỉ trích, tấn công trên mạng Internet", vị giám đốc này "kể khổ". Ông cho biết đã liên hệ với đơn vị quản lý văn phòng để làm rõ sự việc nhằm minh oan cho công ty mình.
Sau đó, một nhân viên của văn phòng cho thuê, đơn vị quản lý tòa nhà văn phòng nói trên đã hé lộ thông tin, nói rằng văn phòng trong đoạn video lan truyền trên mạng xã hội đã được một chủ sở hữu mới thuê và sửa sang lại từ đầu tháng 5 vừa qua. Khi công ty mới này bắt đầu cải tạo, văn phòng quản lý cho thuê cũng nhận thấy có nhiều camera được lắp đặt và hỏi rằng việc đó có phải là để ngăn cản nhân viên làm việc riêng trong giờ hay không. Khi đó, nhân viên của công ty giải thích rằng công ty họ đang tham gia vào lĩnh vực phát triển game, và ông chủ muốn có thể quan sát và theo dõi từng chi tiết của quá trình phát triển game. Và việc này cũng để nhằm rò rỉ thông tin về trò chơi ra bên ngoài trước khi nó hoàn thành, tránh việc gây ra tổn thất lớn.
"Chúng tôi không biết ai đã chụp hình văn phòng công ty này và tung lên mạng", người này chia sẻ. Có nguồn tin trên mạng Internet nói rằng chính đơn vị thi công nội thất văn phòng của công ty này đã để lộ hình ảnh nhạy cảm nói trên.
Mỗi chỗ ngồi trong văn phòng đều có camera gắn kèm trên đầu. |
Chia sẻ với báo giới, một luật sư tại Công ty Luật Hubei Haolu của Trung Quốc cho rằng việc công ty lắp đặt camera ở các khu vực công cộng, ở đây là lối đi và khu vực văn phòng là không vi phạm pháp luật, bởi các máy trạm cá nhân cũng là một phần của khu vực văn phòng. Tất nhiên, việc lắp đặt camera có thể không được chấp nhận bởi tất cả nhân viên.
"Nếu quyết định lắp camera được thông báo tới các nhân viên và nhận được sự đồng ý thì không có vấn đề gì", nữ luật sư này cho biết.
Nhưng cô nói thêm rằng nếu các video giám sát bị rò rỉ hoặc phát tán, chúng sẽ có nguy cơ xâm phạm quyền về hình ảnh và quyền riêng tư của nhân viên. Và nếu nhân viên không chấp nhận được việc lắp đặt camera của công ty, hoặc cho rằng động thái này vi phạm quyền riêng tư, họ có thể bảo vệ quyền của mình thông qua các biện pháp hành chính hoặc pháp lý, như báo cáo sự việc tới bộ phận thanh tra lao động hoặc tòa án.
Thông tin từ các camera sẽ hiển thị trên màn hình cho giám đốc của công ty theo dõi liên tục. |
Quay trở lại với câu chuyện, cuối cùng, một nhân vật đại diện của công ty game đã lộ diện. Anh cho biết mình và ba đối tác khác đã gặp nhau trong trò chơi, và gần đây đã thuê một văn phòng để chuẩn bị mở công ty nghiên cứu và phát triển trò chơi. Hiện tại công ty vẫn chưa đăng ký kinh doanh, chưa có tên cụ thể, thậm chí chưa bắt đầu tuyển dụng lao động và tiến hành hoạt động kinh doanh.
"Ý định ban đầu của việc lắp đặt camera tại văn phòng là để game không bị rò rỉ trước khi phát hành, và nội dung giám sát sẽ không được sử dụng cho mục đích khác. Và khi tuyển dụng nhân viên, điều này cũng sẽ thông báo trước. Việc lắp đặt camera giám sát cũng tốn hơn 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng), nhưng do một số cư dân mạng hiểu nhầm nên chúng tôi đã gỡ bỏ", người này cho biết.
"Giờ đây, camera giám sát trên các máy trạm đã được gỡ bỏ, chúng tôi sẽ xem xét cài đặt phần mềm giám sát hoặc các phương pháp khác để ngăn chặn việc rò rỉ thông tin. Nhưng đối với một nhóm khởi nghiệp như chúng tôi, chi phí này có thể sẽ tốn kém hơn".
(Theo Trí Thức Trẻ, NetEase)
Tesla thuê công ty theo dõi nhân viên trong hội kín Facebook
Theo CNBC, năm 2017 và 2018, Tesla đã thuê một công ty PR để theo dõi hoạt động của nhân viên trong một nhóm kín trên Facebook.