Trong một số trường hợp khẩn cấp thì CSGT được dừng xe trên cao tốc nhưng phải đảm bảo an toàn.
Như đã đưa tin, chiều 15-9 vừa qua, tại Km 25+600 cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, tổ công tác của Đội 2, Phòng 8 (Cục CSGT, Bộ Công an) phát hiện ô tô nhãn hiệu Lexus do tài xế NVH điều khiển có dấu hiệu vi phạm lỗi chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Trong lúc tài xế H. xuống xe xuất trình giấy tờ, một ô tô tải từ phía sau đã tông trúng chiếc xe Lexus khiến anh H. tử vong và một chiến sĩ CSGT bị thương.
Ngay sau sự việc xảy ra, bên cạnh tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về việc CSGT có được dừng phương tiện trên đường cao tốc hay không.
Được dừng nhưng phải an toàn
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo phòng tham mưu của Cục CSGT cho biết hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT thụ lý theo thẩm quyền, do đó chưa có phát ngôn gì.
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho rằng hiện lực lượng CSGT thực hiện việc tuần tra kiểm soát phương tiện trên đường bộ (gồm cả đường cao tốc) căn cứ trên Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của lực lượng CSGT.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: CTV |
Điều 8 của thông tư quy định việc tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường cao tốc của CSGT được thực hiện theo ba phương thức, gồm: tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông và tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
“Thông thường CSGT sẽ dừng xe ở các vị trí như trạm thu phí, điểm ra-vào; trong một số trường hợp khẩn cấp thì được dừng ở một điểm trên tuyến cao tốc nhưng dù ở vị trí nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn” - Đại tá Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Cụ thể, đối với các trường hợp này, CSGT sẽ hướng dẫn, đưa phương tiện vào các lối dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, yêu cầu tài xế tắt máy. Phía sau chỗ dừng, lực lượng làm nhiệm vụ phải tổ chức cảnh báo cách đó 150 m để báo hiệu cho các xe lưu thông, tránh nguy hiểm cho các phương tiện khác đang lưu thông.
Nên khởi tố vụ án
Nói riêng về vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên ở trên, Đại tá Sơn nhận định đây không phải là lần đầu tiên lực lượng CSGT dừng phương tiện trên cao tốc. Tuy nhiên, đây là vụ việc có hậu quả rất nghiêm trọng khi khiến một người chết và một người bị thương.
Đại tá Sơn cho rằng cơ quan CSĐT nên khởi tố vụ án hình sự để điều tra, kết luận nguyên nhân vụ tai nạn cũng như lỗi của các bên liên quan, đồng thời tìm ra những sơ hở, thiếu sót (nếu có) trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, kể cả ở góc độ các văn bản quy phạm pháp luật để từ đó có biện pháp khắc phục.
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại cho rằng việc CSGT được dừng xe trên cao tốc có sự mâu thuẫn với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Bởi các phương tiện trên đường cao tốc thường di chuyển với tốc độ cao, nếu CSGT bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột thì có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển phương tiện và những xe đang đi với tốc độ nhanh ở phía sau. Ngoài ra, việc dừng xe trên đường cao tốc còn đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, khoảng cách giữa hai xe (theo Điều 12 Luật Giao thông đường bộ), gây mất an toàn giao thông.
Nên theo dõi camera trên cao tốc để phạt nguội
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cũng đặt ra vấn đề rằng các tuyến cao tốc hiện nay đều cho phép các phương tiện chạy với tốc độ tối đa có thể lên tới 100-120 km/giờ. Do phương tiện lưu thông tốc độ cao, để dừng xe là rất khó nên các biện pháp xử lý khác như qua hình ảnh, phạt nguội thường được áp dụng. Tại các tuyến cao tốc hiện nay đều có gắn các camera để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của lái xe, bao gồm: giám sát phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; chấp hành hiệu lệnh biển báo hiệu tín hiệu và chấp hành quy định về làn, lề đường.
Còn theo luật sư Trương Quốc Hòe, cơ quan có thẩm quyền nên theo dõi camera để làm cơ sở xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm khi đã rời khỏi đường cao tốc. Phương pháp này vừa đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm, vừa đảm bảo an toàn giao thông cho chính chủ phương tiện vi phạm và những người xung quanh.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Bị CSGT thổi phạt, tài xế ôtô biển số 34567 tuyên bố 'sốc óc'
Theo nhận định ban đầu của lực lượng CSGT, biển số 34567 gắn trên chiếc Mercedes GLC 300 có dấu hiệu làm giả.
Cộng đồng mạng thích thú cách xử lý lỗi không gương chiếu hậu của CSGT
Bị lực lượng CSGT Phủ Lý dừng xe vì lỗi không gương chiếu hậu, người vi phạm khá bất ngờ khi chiến sĩ CSGT chỉ yêu cầu anh đi mua gương chiếu hậu lắp vào và nhắc nhở phải tuân thủ luật giao thông.
Tài xế xe tải cố thủ trong buồng lái, đâm đổ xe máy của CSGT ở Hải Phòng
Clip ghi lại loạt hành vi ngang ngược của tài xế xe tải với trước sự chứng kiến của đám đông xung quanh.