- Tại các khóa đào tạo lái xe ở Đà Nẵng, lực lượng CSGT sẽ trực tiếp đứng lớp và giảng dạy về đạo đức, văn hóa giao thông.

Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền và điều tra xử lý giao thông (Phòng CSGT Đà Nẵng) cho hay, ông là một trong 3 người của Đội thường xuyên đứng lớp.

{keywords}

Thượng úy Trần Thị Thu Hương (Phòng CSGT Đà Nẵng) đang giảng tại một lớp học đào tạo lái xe.

Theo ông Tuấn, hiện Đà Nẵng có 8 trung tâm đào tạo lái xe cơ giới. Hàng tháng, các trung tâm sẽ gửi lịch học và thi bằng lái qua cho Phòng CSGT. Lực lượng cảnh sát căn cứ vào lịch này để cử người đến các lớp giảng dạy trước thời điểm học viên ‘tốt nghiệp’.

“Mỗi người dân học bằng lái xe luôn được dạy các quy định về ATGT và kỹ năng lái xe. Ở Đà Nẵng, CSGT sẽ cùng tham gia vào khóa đào tạo để bổ sung thêm những câu chuyện thực tế về giao thông, những hậu quả của việc thiếu đạo đức, văn hóa giao thông”, Thiếu tá Tuấn chia sẻ.

{keywords}

CSGT Đà Nẵng từng gây ấn tượng mạnh bởi nhiều chiêu xử phạt được đánh giá là độc, lạ.

Ông Tuấn cho biết, ‘giáo án’ giảng dạy xoay quanh những vụ tai nạn điển hình xảy ra ở Đà Nẵng, có hình ảnh, thông tin cụ thể. Thông điệp mang tới là người điều khiển phương tiện cần có đạo đức, văn hóa giao thông.

“Hiện nay, văn hóa giao thông có thể đặt ngang hàng với nhiều thứ văn hóa khác, trở thành tiêu chí đánh giá đạo đức người cầm lái. Ví như tất cả cùng dừng đèn đỏ, một người vượt lên thì người ta sẽ gọi anh là thiếu văn hóa”, ông Thái Anh Tuấn nói.

Mỗi năm TP Đà Nẵng có chừng 10 ngàn học viên được cấp bằng lái. Đã có khoảng 7.000 người trải qua các khóa đào tạo lái xe có CSGT giảng dạy, sau khi chủ trương này được áp dụng từ đầu 2016 đến nay.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng cho hay, sau khi CATP có ý tưởng, Ban ATGT đã đề xuất lên lãnh đạo thành phố. Đầu năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý đề xuất để CSGT phối hợp Sở GTVT, tham gia giảng dạy ở các trường lái.

“Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước có CSGT giảng dạy đạo đức, văn hóa ở các trường đào tạo lái xe”, Thiếu tá Thái Anh Tuấn cho biết. Ông cũng cho hay đơn vị chưa thăm dò xem hiệu quả việc giảng dạy này đối với người học. “Hiệu quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào người truyền đạt. Giảng lôi cuốn, hấp dẫn người dân mới có hứng nghe”, thiếu tá Tuấn cho biết thêm.

Ông Lê Thanh Hùng, quyền GĐ Trung tâm đào tạo, dạy nghề 579 (Sở GTVT Đà Nẵng) cho hay, người dân cảm thấy gần gũi khi CSGT có mặt trong lớp và trực tiếp giảng dạy.

“Chị CSGT cho xem ảnh vụ tai nạn nghiêm trọng do lái xe sau khi uống rượu. Chị nói pháp luật không cấm uống rượu bia, nhưng phải uống có trách nhiệm, với mình, người thân và xã hội. Khi đã uống thì phải có phương án về nhà an toàn, không gây tai nạn cho mình và người khác”, anh Nguyễn Đức Nhật (quận Thanh Khê) nói.

Anh Nhật cũng cho rằng nhiều hình ảnh về tai nạn mà CSGT minh họa anh thậm chí không dám nhìn. “Điều này làm tôi phải tự ý thức cẩn trọng hơn khi cầm lái”, anh Nhật cho hay.

Cao Thái