Quán ốc chỉ bán sau 23h
Nửa đêm, khi các con đường tại TPHCM tĩnh lặng hơn, không còn tiếng kèn xe inh ỏi hay khói bụi mù mịt thì quán ốc của bà Lài (71 tuổi) nằm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM) đông khách nhất.
Tuy gọi là quán nhưng chỗ bán của bà Lài chỉ có một vài ghế nhựa, 1 bếp than hồng để chế biến những món nướng, 1 bếp gas mini để nấu các món hấp, luộc,... và vài rổ ốc, trứng nhỏ để phục vụ khách.
"Hồi trước, tôi đẩy xe bán trái cây vào buổi sáng, buổi chiều thì bán trứng hột vịt lộn, hột gà nướng dạo. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát đã làm việc buôn bán khó khăn hơn, nên tôi mới chuyển sang bán ốc cố định tại đây để mưu sinh", bà Lài cho biết.
Quán của bà Lài chỉ bán 6 loại ốc gồm ốc bươu, ốc cà na, ốc hương, nghêu, sò lông, sò huyết, mỗi loại có thể hấp sả, nướng, rang me hoặc xào tỏi. Giá một phần ốc là 50.000 đồng. Ngoài ra còn có trứng gà luộc với giá 5.000 đồng/quả và trứng vịt lộn có giá 8.000 đồng/quả.
Bà Lài đang sống một mình trong căn nhà mà ba mẹ để lại ở quận 10. Bà không có chồng, không con, cũng chẳng còn lấy bất cứ một người nào có thể lo cho bà ở cái tuổi về già.
"Không có tiền cũng chẳng quen ai, nên lúc đầu tôi ngồi đại ở đây. Tối khoảng 10h, tôi bắt đầu thu xếp đồ đạc và gọi ông xe ôm qua chở. Mỗi cuốc xe tốn 50.000 đồng, chạy lên chỗ bán rồi bày hàng ra bán cho người ta", bà Lài kể.
Lý giải về việc bán khuya, bà cho biết, ban ngày không có chỗ ngồi bán nên đành bán vào giờ hầu hết mọi người đã đi ngủ. Dọn hàng ra đến sáng thì bà lại dọn dẹp vào. Về đến nhà cũng đã 8 - 9 giờ sáng, bà tranh thủ ăn cơm ngủ nghỉ. Sau đó tỉnh dậy lại loay hoay chuẩn bị nguyên liệu, đi chợ mua ốc để chuẩn bị đi bán.
Ngoại trừ ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) hằng tháng, bà Lài bán đều đặn hằng ngày, cứ nửa đêm là sẽ dọn ra bán ốc. Ngày nào may mắn nhiều khách thì bà bán hết, ngày nào ế ẩm thì bà mang ốc về để nấu ăn với cơm.
Số tiền lời từ "quán" ốc đêm này cũng chỉ giúp bà đủ tiền đi chợ qua ngày, chứ không dư giả nhiều. Có thời điểm, bà Lài không bán được nên không có tiền mua ốc chỉ xin mua thiếu một vài loại ốc mà khách hay ăn nhất để bán tạm.
Thực khách tự nấu ốc để phục vụ
Khoảng gần 1 năm trở lại đây, quán ốc của bà Lài bất ngờ "nổi tiếng" với các bạn trẻ thông qua các video giới thiệu về quán đăng trên mạng xã hội. Nhờ vậy, nhiều người biết và tìm đến quán của bà để mua ốc ủng hộ bà. Đỉnh điểm có ngày bà mới bán chưa được 1 tiếng là đã hết hàng.
Một điều đặc biệt tại đây, là hầu như các vị khách đến quán đều tự mình làm hết mọi việc từ nấu ốc, nêm nếm, thậm chí cả tính tiền. Nhiều vị khách chia sẻ thứ níu chân họ ở lại với quán ốc không chỉ là hương vị món ốc mà còn là nụ cười hiền của bà Lài.
Quả thật, trên gương mặt phúc hậu lúc nào cũng thường trực nở nụ cười. "Bản thân tôi đã đến tuổi này rồi thì không còn lo nhiều nữa. Hiện tại, tôi chỉ bán ít ốc để kiếm đủ bữa cơm là hạnh phúc lắm rồi", bà Lài tâm sự.
Đa số khách hàng khi thấy quán đông khách đều xắn tay áo phụ bà, người thì nướng sò, người thì chế biến ốc, người thì tính tiền. Nhờ vậy, quán ốc của bà Lài không ngớt tiếng cười nói. Nhiều khách sợ bà đã già nên tính lâu đã tự tính tiền và nhắc bà phải thối lại bao nhiêu tiền.
"Mỗi ngày bán tại đây vui lắm, có nhiều khách trẻ đến phụ tôi nấu ăn, có nhiều người đến phụ từ 23h đến gần 4 - 5h sáng sau khi tôi dọn hàng xong thì mới yên tâm lên xe máy trở về nhà. Giờ tôi mà nghỉ bán là tôi sẽ nhớ khách", bà Lài cho biết.
Hiện tại, bà Lài chỉ mong muốn có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục duy trì "quán" ốc này. Vì bà không có con cháu nên nhiều khi các bạn trẻ ra phụ, bà Lài đều xem giống con cháu của mình. Nhờ vậy, tuy mỗi ngày bán ốc đều rất cực nhưng bù lại "quán" ốc này đem lại nhiều niềm hạnh phúc đến với người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi này.
(Theo Dân Trí)