Thái Nguyên là tỉnh có tới 45 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 27% dân số toàn tỉnh. 7 dân tộc thiểu số đông dân nhất là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.

Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao chất lượng dân số vùng này. 

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên, cho biết khó khăn, thách thức lớn hiện nay đối với công tác dân số là những vấn đề mới nảy sinh, cần tập trung giải quyết.

Bà Thủy lấy ví dụ về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tỷ lệ nam, nữ đi khám sức khỏe trước sinh còn thấp; hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn hạn chế...

"Việc triển khai Dự án 7, trong đó tập trung cho các hoạt động nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hoạt động rất thuận lợi, cú huých trong nâng cao chất lượng dân số cho người dân vùng này", bà Thủy nói.

W-dan-toc-mong-yb-vnn-1.jpg
 Dự án 7 là "cú huých" nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ cũng khó khăn hơn địa bàn khác. Theo bà Thủy, việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho đối tượng này là điều kiện thuận lợi để đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ với việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

"Từ việc người dân nâng cao nhận thức, có kiến thức đầy đủ về dân số, bà con sẽ thực hiện hoặc tham gia các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, sẽ chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và thế hệ tương lai", bà Thủy phân tích. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi trong triển khai chương trình dân số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay hay thời gian tới.

Nâng cao năng lực quản lý dân số

Một trong những nội dung của Dự án 7 là nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở. Bà Hồ Thị Thanh Thủy cho hay đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở rất quan trọng, đặc biệt là lực lượng công tác viên dân số thôn bản. Họ là cánh tay nối dài của ngành từ tuyến cơ sở, là người truyền tải các thông tin, các chính sách, cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, do nhiều nguyên nhân, lực lượng nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số tham gia các hoạt động bắt đầu có chiều hướng đi xuống.  

Đề cập tới vấn đề nguyên nhân khiến số lượng cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số giảm nhiều, ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cho biết một phần do mức phụ cấp thấp, đội ngũ này chuyển sang làm việc khác. Chính điều này ảnh hưởng lớn tới việc tuyên truyền đến tận gia đình người dân, tác động đến khó khăn trong thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số.

Ngành y tế, dân số tỉnh Thái Nguyên rất chú trọng đầu tư, hoạt động đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng này, đặc biệt bồi dưỡng về các vấn đề mới như nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh đó, Thái Nguyên tiếp tục duy trì đội ngũ công tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.  

Tuyên truyền, vận động là giải pháp quan trọng 

Theo ông Triệu Văn Thu, giải pháp quan trọng nhất hiện nay trong triển khai chính sách dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là tuyên truyền, vận động. "Chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát, quyết liệt đến tận người dân thì mới làm họ thay đổi được nhận thức, từ thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi", ông Thu nhấn mạnh.

Vị giám đốc cũng cho rằng, với đồng bào dân tộc thiểu số, họ có những tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức, vì thế không phải "ngày một, ngày hai" có thể thay đổi được, bắt buộc phải tuyên truyền quyết liệt, thường xuyên, "mưa dầm thấm lâu"...

Ngoài ra, theo đề xuất của ông Thu, cần gắn việc triển khai thực hiện chính sách dân số với phát triển nông thôn mới; tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất để thực hiện công tác dân số quyết liệt, hiệu quả, coi đó cũng là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Văn Thường và nhóm PV