Huyện Cư Jút nằm ở phía Bắc của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk và có 20km đường biên giới, giáp với tỉnh Muldukiri, Vương quốc Campuchia.

Từ một nền kinh tế du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trong huyện Cư Jút đã biết làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Những năm qua, Chương trình giảm nghèo bền vững tại huyện Cư Jút đã tranh thủ được các nguồn lực đầu tư từ phía Trung ương. Cụ thể, từ năm 2016 tới nay, huyện Cư Jút đã có 40 công trình được xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp với tổng kinh phí 27,385 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135). Chương trình 135 đã hỗ trợ các loại cây giống (ngô, lúa), con giống (bò, dê, heo), phân bón… cho hàng nghìn đối tượng khó khăn ở các thôn, xã khó khăn của huyện Cư Jút để họ đa dạng hóa sinh kế.

trongdau.png
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, hơn 600 lượt cán bộ cấp xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình chính sách, quản lý, giám sát cộng đồng các công trình đầu tư giảm nghèo.

Giai đoạn 2021-2025, Cư Jút được phân bổ gần 22 tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Song song với quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện Cư Jút đã gắn chương trình giảm nghèo bền vững với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội hay lồng ghép với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nguồn vốn này huyện đã đầu tư tập trung vào bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Từ đó, giúp tạo các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số ổn định, nâng cao đời sống...

Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 1,5-2% trở lên; 100% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giảm nghèo. Huyện phấn đấu có 2 thôn, bon thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 50%.

Trước đây, gia đình chị H’Duyên Byă, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng là hộ nghèo. Chị được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay số tiền 80 triệu đồng để tạo sinh kế. Từ số tiền này, gia đình chị đã đầu tư chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Nhờ phát huy hiệu quả đồng vốn vay, nên đến nay, gia đình chị H’Duyên Byă đã có nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Duyên Byă cho biết: “Ngoài hỗ trợ cho vay vốn, chúng tôi còn được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng lên thu nhập được cải thiện”.

Những năm qua, xã Tâm Thắng được tỉnh, huyện quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư, tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại 04 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trong đó, đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Nhờ đó, đời sống các hộ đống bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Tâm Thắng được nâng cao, bộ mặt nông thôn trong các Buôn có nhiều khởi sắc.

Còn tại xã Cư K'nia, địa bàn có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn xã đã được cải thiện. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cư K'nia giảm 1,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm...

Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, từng bước nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện Cư Jút.