Tỉnh An Giang xác định thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo là đồng bào DTTS vùng biên giới “an cư lạc nghiệp”.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp với Campuchia. Toàn tỉnh có hơn 1,91 triệu người, với 543.764 hộ, trong đó các DTTS chiếm tỷ lệ 5,3% dân số toàn tỉnh An Giang; tập trung nhiều là các dân tộc như: Khmer chiếm 3,98%, Chăm chiếm 0,59%, Hoa chiếm 0,27%.
Hiện hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh An Giang vẫn còn nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, xã tiếp giáp biên giới và xã có nhiều người DTTS.
An Giang có 38 xã thuộc khu vực vùng DTTS và miền núi, ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu. Toàn tỉnh có 20.074 hộ nghèo (tỷ lệ 3,81%) và 31.046 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,89%), trong đó có 3.969 hộ nghèo DTTS (chiếm 14,51% tổng số hộ DTTS) và 1.871 hộ cận nghèo DTTS (chiếm 6,84%).
Như huyện miền núi biên giới Tri Tôn có tổng cộng 33.062 căn nhà thuộc Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhà ở tạm bợ là 1.958 căn (chiếm 5,92% tổng số nhà ở toàn huyện). Phần lớn nhà ở có kết cấu là cột tre hoặc bạch đàn, vách lá, mái lá... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt khi có bão hoặc giông lốc xảy ra.
Nhằm giúp người dân nghèo ở các huyện miền núi biên giới có nhà ở ổn định, an toàn, tháng 11/2022, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó tập trung cho các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở biên giới.
Đồng thời, thực hiện theo Dự án 1 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh An Giang đã hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề 358 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp đặc biệt khó khăn 159 công trình; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%/năm; 3 xã và 5 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn…
Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, về đất ở và nhà ở, hiện tỉnh đã cấp 900 căn, quy hoạch bố trí tái định cư cho 2.400 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tri Tôn và 1.940 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tịnh Biên để bà con DTTS Khmer vào sinh sống được thuận lợi.
Với tổng kinh phí hơn 287,2 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà tập trung tại huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và An Phú; hỗ trợ đất ở cho 1.891 hộ.
Nhờ sự quan tâm, chăm lo và hỗ trợ nên nhiều gia đình đã có cơ hội được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cải thiện đời sống với mong muốn "an cư lạc nghiệp". Đây là nguồn động viên rất lớn giúp các hộ nghèo có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn.