- “Em thấy tự hào vì vừa giữ được nghề gia truyền của ông bà, vừa được giúp đỡ các bệnh nhân nghèo khỏi bệnh” – cử nhân kinh tế 8X ra trường chọn con đường… bốc thuốc nam chia sẻ.
"Bà lang 8X" Phan Thị Phượng đang bốc thuốc cho khách. |
Sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng (trường ĐH Kinh tế Quốc dân), ngoại hình cao ráo, xinh đẹp, thế nhưng, Phan Thị Phượng lại quyết định theo nghề bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người. Phượng đã được Hội Đông y cấp chứng chỉ công nhận là hội viên, và trở thành “bà lang” tuổi đời trẻ nhất tham gia công việc mà không phải ai cũng có thể làm được.
“Bà lang” 8X cho biết: ông bà ngoại của mình là những ông lang, bà mế nổi tiếng ở xứ Lạng đã gìn giữ nghề thuốc nam gia truyền của cha ông từ nhiều thế hệ. Ngay từ bé, những lần về thăm quê, Phượng đã được xem những công việc tỉ mỉ, sơ chế, sao, bốc thuốc… của ông bà ngoại. Và, không biết tự bao giờ, trong cô đã nhen nhóm một niềm đam mê.
Tốt nghiệp ĐH, và có bốn năm liền làm việc tại một cty xe hơi nổi tiếng ở Thủ đô, cô cũng không có ý nghĩ sẽ theo nghề thuốc của bà. Thế nhưng, chẳng biết do “duyên phận” run rủi, lần về thăm ông bà gần nhất, thấy ông bà tuổi cao, sức yếu mà những bài thuốc quý cứu người, giúp đời… chưa có truyền nhân thừa kế, cô đã quyết định rẽ ngang nối nghiệp gia đình.
Người truyền nghề cho Phượng là bà mế Nguyễn Thị Lan, một bà lang nổi tiếng xứ Thanh. |
Câu chuyện đó xảy ra vài năm rồi, nhưng với Phượng dường như mới mẻ như mới ngày hôm qua. Bây giờ, danh tiếng của “bà lang” 8X Phan Thị Phượng đã được không ít những bệnh nhân nghèo khắp cả nước truyền nhau, vì nhờ những thang thuốc của cô, họ đã khỏi bệnh.
Nhớ lại những ngày đầu theo nghề thuốc, cô gái trẻ vẫn còn nguyên cảm giác rụt rè khi nghĩ rằng, tuổi mình còn nhỏ, sợ bốc thuốc ít người tin, nhưng chính những vị khách đầu tiên chữa khỏi bệnh đã khích lệ cô rất nhiều. Giờ đây, Phượng đã có thể tự tin chữa được một số bệnh như: Khớp, thoái hóa đốt sống, thần kinh tọa, dạ dày, mất ngủ, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ…
Niềm hạnh phúc nhất của cô gái trẻ này là việc những bệnh nhân cô bốc thuốc đều tiến triển tốt. Cô nhớ lại, người khách đầu tiên của mình chính là bác hàng xóm cạnh nhà. “Sáng dậy sớm đi chợ, gặp bác Hương (60 tuổi) do bị khớp uống thuốc tây nhiều dẫn đến giữ nước, bị phù nề không ngồi xuống như bình thường được. Cô gợi ý và nhiệt tình đem thuốc cho bác uống.
Khoảng vài tuần sau, bác thông báo bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, bác có thể khiêng bàn ghế và lên xuống cầu thang mà không hề đau mỏi nữa”. Sau hai tháng uống thuốc bệnh tình của bác đã khỏi hoàn toàn. Tiếp đó, một đồng nghiệp của chồng cô bị máu nhiễm mỡ và mất ngủ sau khi uống 15 thang thuốc do cô bốc đều có kết quả tốt.
Một bệnh nhân khác của Phượng là chú Đỗ Minh Tuấn (60 tuổi, giáo viên dạy nghề điện đã nghỉ hưu, ở Đông Anh, Hà Nội) bị chứng mất ngủ kéo dài. Chú Tuấn cho biết: “Chục năm nay tôi thường xuyên bị mất ngu”. Tôi cũng đã xuống Viện 103 điều trị nhưng không khỏi dứt điểm. Có thời điểm 3 tuần, tôi không ngủ một chút nào, thần kinh căng thẳng, sợ đám đông, không dám xem tivi, tránh những nơi ồn ã, có lúc tưởng phải đưa đi Viện Trâu Quỳ”.
Sau khi tìm tới và uống 10 thang thuốc nam do cô Phượng bốc, người đàn ông này đã bắt đầu có những giấc ngủ ngon. “Sau hai ngày uống thuốc, tôi thấy ngay tác dụng của thuốc với căn bệnh của mình, sang ngày thứ ba thì sáng uống thuốc chiều tôi đã ngủ được. Vì thế, những ngày tiếp theo, tôi phải đổi lịch uống thuốc sang buổi chiều để ngủ tối”, chú Tuấn vui mừng chia sẻ.
Hiện tại, sự tin tưởng của bệnh nhân dành cho thầy thuốc trẻ này không chỉ ở Hà Nội mà đã lan tới những khách hàng ở xa như Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hồ Chí Minh…Bệnh nhân ở xa, cô bốc thuốc qua miêu tả triệu chứng của các bệnh nhân nhưng với những trường hợp nặng, sức khỏe bệnh nhân quá yếu thì bao giờ chị cũng yêu cầu họ đến bệnh viện kiểm tra trước, sau đó dựa trên kết quả tây y bốc thuốc để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Không nặng về kinh tế, nên để có được thang thuốc dù rất tốn kém và kỳ công, nhưng chị Phượng bán ra chỉ với một cái giá là 50 nghìn đồng/1 thang.
Thái Bình