- Cử tri phản ảnh hàng loạt sai phạm trong công tác cán bộ như tình trạng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm thần tốc, nhưng xử lý không nghiêm gây bức xúc trong nhân dân.
Theo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện vừa gửi tới kỳ họp của QH, cử tri tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Thái Bình, Đà Nẵng, Hà Nội phản ánh, thời gian qua xảy ra một số trường hợp luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ sai quy định, vi phạm các điều kiện về bằng cấp, năng lực, trình độ, thời gian công tác.
Cử tri cũng chỉ rõ việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm thần tốc, nhưng xử lý không nghiêm đã gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như vụ việc bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, bổ nhiệm 44 lãnh đạo cấp phó phòng tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương, bổ nhiệm nhanh chóng nữ nhân viên văn thư lưu trữ tại Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia…
“Đề nghị đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, nhất là khâu giới thiệu, quy trình bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, bộ máy Nhà nước, của hệ thống chính trị nước ta cần chú trọng, quan tâm để lựa chọn được người có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín, hạn chế những sai sót như vừa qua gây mất lòng tin của nhân dân”, cử tri nêu kiến nghị.
Đồng thời, cử tri mong muốn các cơ quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác tuyển dụng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Cùng với đó, nhanh chóng vào cuộc điều tra, kết luận đối với những vụ việc báo chí và truyền thông đã đưa tin; xử lý nghiêm những người sai phạm, trong đó cần nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo ý kiến của cử tri, công tác tổ chức cán bộ cần phải được công khai minh bạch về các quy trình đề bạt, bổ nhiệm; có kế hoạch kiểm tra, rà soát, giám sát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ cho biết trong chương trình hành động triển khai Nghị quyết TƯ 4 khóa 12, Chính phủ xác định nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý như tình trạng kén chọn vị trí, chức danh.
“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức TƯ trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là quy định về phân cấp, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý”, Bộ Nội vụ trả lời.
Cán bộ chui sâu vào vỏ bọc “quy trình”
Cử tri TP Hà Nội nêu thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sau Đại hội Đảng 12 có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức, rào cản do một số cán bộ không gương mẫu, thiếu quan tâm, sâu sát, chui vào vỏ bọc “quy trình”.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ nêu rõ, Chính phủ xác định nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trước mắt, tập trung xử lý ngay, dứt điểm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp ... Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm theo quy định của pháp luật.
Cử tri tỉnh Bình Phước nêu lại thời gian qua có xảy một số cán bộ lãnh đạo đang trong thời gian bị kỷ luật, truy tố nhưng lại được xét khen thưởng, gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Hà Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng vẫn được tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba….
Theo Bộ Nội vụ, trong những năm qua, Bộ đã tăng cường quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc hoàn thiện thể chế. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề nghị sửa đổi luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền
Cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Nội vụ cho biết, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ.
Năm 2017, Bộ Nội vụ đã ban hành các Kế hoạch thanh tra, kiểm tra gồm 28 cuộc thanh tra, 63 cuộc kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương về những lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ cũng tiến hành một số cuộc thanh tra đột xuất.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ đã phát hiện những sai phạm trong công tác quy hoạch, bố nhiệm. Thời gian tới, Bộ tập trung thanh tra, kiểm tra về công tác bổ nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương. Qua đó kịp thời, kiên quyết xử lý sai phạm, ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, đảm bảo công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Bổ nhiệm một số cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền
Một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”.
53 lãnh đạo, quản lý không đủ tiêu chuẩn vẫn được bổ nhiệm
Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ cho thấy, Ninh Thuận đã bổ nhiệm 53 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đủ tiêu chuẩn.
Bổ nhiệm thần tốc bà Quỳnh Anh: Đề xuất UB Kiểm tra TƯ vào cuộc
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hóa đề nghị UB Kiểm tra TƯ vào cuộc vụ sai phạm trong bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Ban Tổ chức TƯ: Hết chuyện bổ nhiệm bằng lấy phiếu tín nhiệm
Với cách thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển, từ nay trở đi, Ban Tổ chức TƯ không còn bổ nhiệm bằng lấy phiếu tín nhiệm.
Kiến nghị tổng kiểm tra bổ nhiệm cán bộ trên cả nước
Chủ nhiệm UB Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.
Thu Hằng