Nhiều chủ cửa hàng cùng giá 10.000 đồng gần đây lao đao với việc kinh doanh ế ẩm, đối diện nguy cơ đóng cửa hàng loạt.
Năm 2013, nhận thấy hình thức kinh doanh cửa hàng đồng giá 10.000 đồng ít vốn, nhanh thu lời nên chị Hồng Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) rủ bạn thân góp vốn. Cả hai hùn được hơn 50 triệu đồng mở một cửa hàng.
Chị Hồng Anh cho biết, dù cửa hàng nằm trong ngõ nhưng khách mua rất đông. Chỉ trong nửa năm kinh doanh, chị đã thu hồi được vốn và tách ra mở cửa hàng riêng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, lượng khách mua giảm hẳn. Thống kê từ tháng 3/2015, sản phẩm bán được không bằng 1/10 trước kia.
"Tại cửa hàng, những sản phẩm sắt, nhựa, vật dụng cá nhân trước đây thường bán rất chạy, nhưng giờ ế ẩm. Hàng mỹ phẩm, quần áo thì không bán nổi một chiếc mỗi ngày. Doanh thu cả tháng không đủ trả tiền thuê mặt bằng", chủ shop than thở.
Theo tính toán của chủ cửa hàng này, sau khi trừ phụ phí, tiền lãi thu được trên mỗi sản phẩm giá 10.000 đồng chỉ 2.000-3.000 đồng. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước cũng ngốn hơn 200.000 đồng. Như vậy, cửa hàng phải bán được trên 100 sản phẩm mỗi ngày mới cân bằng. Nhưng hiện giờ, ngày đắt khách nhất chỉ bán 50-60 sản phẩm. "Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, một hai tháng nữa mình phải đóng cửa hàng", chị nói.
Đã có một thời những cửa hàng đồng giá 10.000 đồng luôn trong tình trạng đông kín khách |
Khi quyết định mở cửa hàng đồng giá, các chủ hàng đều căn cứ vào ưu điểm của việc bán hàng là giá rẻ, cố định, không có tình trạng khách mặc cả. Ngoài ra, sản phẩm phong phú từ vật dụng cá nhân cho đến đồ dùng gia đình, nên họ kỳ vọng khách hàng sẽ mua với số lượng nhiều hơn 1 chiếc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hệ thống đồng giá ế ẩm mà chính chủ hàng không lý giải được vì sao khách lại "quay lưng" với sản phẩm này.
Đang thanh lý toàn bộ sản phẩm để trả mặt bằng shop đồng giá 10.000 đồng, anh Đức Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh liên tục phải bù lỗ từ tháng 12/2014 đến nay.
Shop được anh Tùng mở cuối năm 2012. Anh cho biết, đây là giai đoạn "hoàng kim" khi cửa hàng luôn chật kín khách. Thời điểm này, mỗi ngày, anh bán được hơn 1.000 sản phẩm và không một tháng nào bị tồn hàng.
Anh dự tính mở thêm 2 cửa hàng nữa ở nội thành Hà Nội năm 2013-2014. Thế nhưng, từ giữa năm ngoái, số lượng khách mua giảm chóng mặt.
"Hàng ế đọng 4-5 tháng không bán được. Chương trình khuyến mại mua 5 sản phẩm tặng 1 phải chạy liên tục trong nửa năm mới thanh lý hết đồ cũ. Tháng 10/2014, tôi tiếp tục đầu tư 20 triệu đồng để nhập hàng mới về bán. Tuy nhiên, tình trạng đã không thể cứu vãn khi cửa hàng phải liên tục bù lỗ từ Tết đến nay", anh Tùng chia sẻ.
Các cửa hàng đồng giá ngày càng vắng khách, nhiều nơi phải tính đến chuyện thanh lý, đóng cửa. |
Từng "áy náy" khi 95% sản phẩm tại shop là hàng "Made in China", anh Tùng tâm sự, trước đây đã lấy một số sản phẩm handmade của các câu lạc bộ trẻ ở Hà Nội về bán. Anh dự tính sẽ thay thế toàn bộ hàng Trung Quốc bằng hàng thủ công "Made in VietNam". Song hàng Việt giá cao, mẫu mã không đẹp, ít lựa chọn, nên sau 2 tháng thử nghiệm, mặt hàng này không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Theo một mối buôn từng cung cấp sản phẩm giá rẻ ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, giá đổ buôn cho hàng đồng giá 10.000 đồng là 6.000 đồng một sản phẩm, 100% có xuất xứ Trung Quốc.
Thời điểm 2013-2014, anh từng giao hàng cho trên 100 đại lý ở quanh khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng cứ giảm dần, đầu năm nay chỉ còn 30-40 cửa hàng, thu lời không đáng kể, nên anh chuyển sang phân phối mặt hàng khác.
Hiện nay, không chỉ với hàng đồng giá 10.000 đồng mà hình thức kinh doanh cửa hàng đồng giá nói chung đang rất chật vật. Ngay cả Daiso, Hachi Hachi,... từng làm mưa làm gió trên thị trường khoảng năm 2007-2010 nay cũng hết sức khó khăn, do mặt hàng không phong phú, lợi nhuận thấp và thị hiếu thị trường thay đổi. Một số thương hiệu đã cố gắng thay đổi hình thức kinh doanh, nhưng vẫn không phù hợp với nhu cầu mua sắm của phần đông người tiêu dùng Việt.
(Theo Zing)