Từ sáng nay 31/5, các cửa hàng điện máy lớn tại TP.HCM đã bắt đầu ngưng nhận khách. Ghi nhận của PV ICTnews trên một số tuyến đường Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Trường Chinh, Âu Cơ,... những nơi tập trung nhiều siêu thị điện máy - các cửa hàng mặc dù không đóng cửa hẳn nhưng đã ngưng nhận khách, hướng dẫn khách đặt hàng online.
Nhân viên một cửa hàng điện máy tại TP.HCM dán số điện thoại phục vụ tại cửa hàng. (Ảnh: Hải Đăng) |
Các chuỗi Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hoà, Nguyễn Kim,... đều tạm ngừng kinh doanh tại chỗ. Thậm chí, một số cửa hàng Thế Giới Di Động cũng phải chuyển sang bán online.
Tại một vài cửa hàng của Thế Giới Di Động, nhân viên bắt đầu dán băng rôn ghi số điện thoại giúp khách hàng mua qua mạng, hoặc siêu thị sẽ giao tận nhà.
Dù văn bản của thành phố yêu cầu đóng cửa hàng điện máy, tuy nhiên cửa hàng Thế Giới Di Động (chỉ bán điện thoại, laptop, phụ kiện,...) vẫn tạm thời đóng cửa.
“Điều này phụ thuộc từng phường khác nhau có quy định gửi riêng đến từng cửa hàng. Chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị phòng dịch”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh nói với ICTnews.
Văn bản số 1749/UBND-VX về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM yêu cầu đóng cửa cửa hàng điện máy từ sáng 31/5 đến khi có thông báo mới.
Nhưng kể từ giữa tháng 5 khi một số địa phương tại miền Bắc bùng phát dịch, các cửa hàng bán đồ công nghệ đã phải áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch. Thế Giới Di Động có tổng cộng 800 cửa hàng bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm một số nơi phải đóng hẳn, nhiều cửa hàng khác chỉ tiếp 20 khách hàng một thời điểm, tuỳ quy định mỗi địa phương.
“Cộng với số cửa hàng tại TP.HCM phải đóng, chúng tôi có khoảng hơn 1.000 cửa hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiểu Em nói. “Tuy nhiên, ở mỗi cửa hàng chúng tôi đều có nhân viên hướng dẫn khách mua online, hoặc nhân viên tại đó lấy hàng tại siêu thị giao cho khách - tuỳ theo quy định cho phép của địa phương”, ông Hiểu Em nói thêm.
Hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh hiện có hơn 2.500 cửa hàng rải đều toàn quốc. Ông Hiểu Em cho biết việc áp dụng các biện pháp phòng dịch hiện chưa ảnh hưởng lên toàn chuỗi.
“Tháng 5 toàn chuỗi ước đạt doanh thu 8.500 tỷ đồng, cao hơn mức 7.600 tỷ đồng của tháng 4”, ông Hiểu Em so sánh.
Doanh thu tăng có những lý do sau: mùa nóng sắp đến, nhu cầu mua máy lạnh và các sản phẩm liên quan gia tăng; doanh thu online tăng gần 3 lần so với tháng 4.
Bên cạnh đó, các cửa hàng của công ty trải đều trên 63 tỉnh thành nên mức ảnh hưởng ở từng địa phương không lớn. Giả sử người ở thành phố lớn trở về quê thì cũng có cửa hàng ngay tại địa phương để mua hàng.
Trên bình diện tập đoàn, ông Hiểu Em cho rằng các chuỗi Bách hoá Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang là những ngành thiết yếu có doanh thu tăng cao trong giai đoạn dịch, có thể góp phần tăng trưởng cho doanh thu cho tất cả các chuỗi.
Dù vậy, ông Hiểu Em cho biết tháng 6 có lẽ mức độ ảnh hưởng sẽ mạnh hơn lên các chuỗi điện thoại, điện máy nếu việc giãn cách vẫn áp dụng.
Hải Đăng
Các địa phương đưa thêm giải pháp công nghệ mới để tấn công Covid-19
Bên cạnh việc triển khai diện rộng ứng dụng Bluezone, gần đây đã có thêm những giải pháp công nghệ mới được các địa phương đưa vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.