Khuyến khích sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, để khuyến khích, động viên các nhà sản xuất hàng nội địa và tăng cường thông tin, quảng bá đến người tiêu dùng; đồng thời, xuất phát từ thực tiễn một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý thích hàng ngoại, sử dụng hàng nhập khẩu, trong khi ở trong nước nhiều mặt hàng có chất lượng, giá cả tương đương đã được sản xuất nhưng người tiêu dùng vẫn lạnh nhạt; hằng năm, một lượng lớn nguồn tiền nội địa bị chuyển sang nước ngoài để phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; điều này dẫn đến các ngành sản xuất nội địa gặp rất nhiều khó khăn, làm giảm sức mạnh nguồn lực tài chính quốc gia.
Mục tiêu của Cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu để góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên diện rộng cũng như tạo thế và lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường.
Những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay và những dự báo cho thời gian tới, để đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam và vươn xa ra thị trường thế giới, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, tại Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho rằng, cần thực sự mạnh dạn, quyết liệt thay đổi phương thức triển khai thực hiện để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa gắn với tình hình mới của đất nước và xu thế phát triển của toàn cầu. Theo đó, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị:
Thứ nhất, các sàn giao dịch điện tử đã và đang trở nên rất phổ biến và đã giảm thiểu các khâu trung gian trong quá trình phân phối hàng hóa. Trong xu thế phát triển rất mạnh mẽ của thế giới, nhất là về khoa học kỹ thuật và công nghệ, đòi hỏi Ngành công thương, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng thông qua các nền tảng số, vừa chuyển tải thông điệp “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa quan tâm tới công tác bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng; đặc biệt là hỗ trợ người dân nâng cao ý thức trong sử dụng thương mại điện tử, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, chủ động nắm bắt, đi tắt, đón đầu xu thế của thế giới; tuyệt đối không để tụt hậu về công nghệ.
Thứ hai, một trong những vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quyết định là cộng đồng doanh nghiệp và các nhà sản xuất phải tiếp tục quan tâm cải tiến về kỹ thuật, năng lực sản xuất, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh để hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, gia cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dùng cũng như đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Thứ ba, cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế pháp lý, chính sách quản lý để tạo môi trường thông thoáng, sản xuất, kinh doanh công bằng và lành mạnh; vừa bảo đảm những quy định của các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia để hàng hóa, dịch vụ ngày càng được lan tỏa đến tận tay người tiêu dùng, cũng như đến bạn bè các nước trên thế giới. Rà soát, nghiên cứu tình hình thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Thứ tư, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó, nắm bắt tình hình thực tiễn, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng trong khắc phục bất cập, tồn tại. Thường xuyên, chủ động công khai thông tin về các thương hiệu quốc gia, các nhãn hiệu sản phẩm đăng ký bản quyền, có chất lượng để người dân hiểu và sử dụng hiệu quả. Tổ chức và khai thác tốt các hội chợ, triển lãm ở các cấp độ khác nhau nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu đến người dùng trong nước và quốc tế về hàng hóa Việt.
Thành Nam