- “Vì sao số liệu về giá trị xuất nhập khẩu VN sang TQ, theo VN tính thì thấp, theo TQ tính thì lại cao?”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề khi thảo luận dự thảo luật Thống kê sửa đổi chiều nay.

Bà An cho rằng số liệu thống kê của VN phải so sánh được với số liệu của quốc tế, vì thế  "phương pháp tính phải minh bạch công khai".

“Vì sao trong thời gian qua có sự khác biệt giữa GDP của trung ương và địa phương? Nói chung GDP các địa phương rất cao nhưng khi tổng hợp lại thì GDP của trung ương rất thấp? Vì sao số liệu về giá trị xuất nhập khẩu VN sang TQ, theo VN tính thì thấp, theo TQ tính thì lại cao, thậm chí chênh lệch một năm đến 20 tỷ USD? Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do phương pháp tính”, ĐB Hà Nội nói.

{keywords}
ĐB Bùi Thị An. Ảnh: Minh Thăng

Bà Bùi Thị An phân tích: Trong khi tính giá trị xuất nhập khẩu, ta không tính cái gọi là “kinh tế ngầm” hay “tiểu ngạch”. Còn cách tính GDP thì không đo được chính xác sức khỏe của nền kinh tế.

Bên cạnh kiến nghị luật hóa việc ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến và công nghệ thông tin, ĐB Bùi Thị An cũng cho rằng cơ quan thống kê nên trực thuộc QH thay vì Bộ Kế hoạch Đầu tư như hiện nay.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) lại thấy dự thảo luật tuy công phu, chi tiết nhưng vẫn chưa “gỡ” được 5 vấn đề của thống kê hiện nay: chưa bảo đảm sự tin cậy, độ chính xác; chưa bảo đảm tính liên kết phối hợp, còn chồng chéo, chênh lệch, mâu thuẫn; chưa thống nhất về phạm vi tính toán, phương pháp tính và nguồn số liệu; chưa thống kê đầy đủ; chưa quy định đủ cơ sở pháp lý cho hội nhập quốc tế.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lại quan tâm đến việc sử dụng thông tin thống kê: Quy định nhà nước có trách nhiệm “tạo điều kiện” cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã công bố, là chưa đủ.

“Chưa bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch cũng như quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê nhà nước. Không rõ là đơn vị, cá nhân hay bộ phận nào có chức năng, thẩm quyền cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận thông tin thống kê nhà nước”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

{keywords}
ĐB Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Minh Quang

ĐB Quảng Trị cũng không hài lòng cụm từ "tạo điều kiện", vì nó cho thấy các cá nhân, tổ chức không có quyền đương nhiên tiếp cận các thông tin thống kê đã công bố mà phải phụ thuộc nhiều vào ý chí, sự cho phép của các cơ quan chức năng.

“Quy định này chưa cho thấy sự phổ cập, thông thoáng và minh bạch trong các quy định của pháp luật đối với hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê”, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị luật quy định nhà nước đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các tổ chức và cá nhân.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra VN đang ở mức trung bình trên thế giới về năng lực thống kê quốc gia.

“Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số năng lực thống kê quốc gia được tính qua ba yếu tố: phương pháp luận, nguồn số liệu và tính định kỳ, kịp thời. Trên thang 100 điểm, VN được 71, chỉ đứng trên trung bình thế giới một chút”, bà Ngân nói.

Phó Chủ tịch QH cho rằng lần sửa luật này phải cải thiện được vị trí trên, “nếu không được tốp đầu thì cũng phải trên trung bình khá”.

Chung Hoàng