Green Bag, ứng dụng của Cùng Mua cài đặt trên điện thoại di động, cung cấp dịch vụ đi chợ và siêu thị online. Theo đó, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng Green Bag và tiến hành chọn mua các thực phẩm đăng tải trên ứng dụng, đội ngũ nhân viên (shopper) của Green Bag sẽ đến cửa hàng, siêu thị để chọn mua và giao hàng tận nơi cho người dùng.

Phí giao hàng hiện được áp dụng là 25.000 đồng/đơn, chỉ giao hàng với đơn hàng từ 100.000 đồng trở lên, áp dụng tại khu vực TP.HCM trong giai đoạn đầu.

Theo công ty, hàng sẽ được giao trong vòng một giờ hoặc chính xác trong khung giờ được chọn. Cùng Mua cho biết bước đầu cung cấp dịch vụ cho người dân trong nội thành TP.HCM và sẽ nhanh chóng mở rộng sang các khu vực và tỉnh thành khác.

Ở lần đầu tiên cài đặt ứng dụng, Green Bag yêu cầu khách hàng đăng nhập, có thể chọn tài khoản Google hoặc Facebook hoặc đăng ký mới, đồng thời chọn khu vực sẽ giao hàng (hiện chỉ áp dụng tại TP.HCM). Ở màn hình chính của ứng dụng, người dùng có thể chọn hàng hóa của siêu thị Big C, của Vissan, C mart, Đỉnh Phong, hoặc của cửa hàng trái cây 141.

Các mặt hàng bán trên ứng dụng Green Bag đều thuộc nhóm thực phẩm và đồ dùng cơ bản của gia đình. Nhóm thực phẩm gồm: thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau củ…; trái cây; đồ hộp; sữa; thức uống đóng chai;… Nhóm đồ dùng cơ bản như kem đánh răng, nước giặt, xà bông, khăn giấy… Không có các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ điện tử… Có thể hiểu Green Bag cung cấp các mặt hàng mà các cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satrafoods hiện nay đang bán. 

Đánh giá sơ bộ có thể thấy ứng dụng Green Bag được xây dựng khá chuyên nghiệp, tiện dụng, hình ảnh sản phẩm được đầu tư kỹ càng. Điều này khá dễ hiểu khi Cùng Mua đã từng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành các website khuyến mãi như nhommua.com, cungmua.com.

ICTnews thử đặt hàng bằng ứng dụng này vào khoảng cuối giờ chiều ngày 1/12/2015 thì khung giờ 17-18 giờ, tức khoảng 1 giờ sau đặt hàng, Green Bag không nhận giao hàng; chỉ nhận giao hàng từ khung giờ 18-19 giờ đến 20-21 giờ. Vào ngày tiếp theo, hai khung giờ vào buổi trưa Green Bag cũng không giao hàng; từ ngày kế tiếp trở đi dịch vụ này mới nhận giao ở mọi khung giờ, mỗi khung tương đương 1 giờ đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 21 giờ.

Sau khi đặt hàng thành công và chọn khung giờ từ 18-19 giờ, nhân viên Green Bag gọi điện xác nhận đơn hàng. Qua điện thoại, nhân viên này yêu cầu khách kiểm tra chi tiết hàng hóa khi nhận hàng, vì công ty sẽ không giải quyết tình trạng thất thoát hàng hóa một khi hàng đã được giao xong. Đến khoảng hơn 18 giờ 30, tức đúng trong khung giờ 18-19 giờ, hàng đã được giao cho PV ICTnews.

Trong quá trình kể từ lúc đặt hàng, ứng dụng sẽ cập nhật tình trạng hàng hóa, như nhân viên đã bắt đầu mua hàng ở siêu thị, hoặc đã mua hàng xong bắt đầu đi giao, hoàn tất đơn hàng… Trong đơn hàng cụ thể của PV ICTnews, có hai loại trái cây ở siêu thị đã hết hàng nên nhân viên Green Bag gọi điện báo, tùy khách hàng xử lý.

Theo Cùng Mua, mô hình Green Bag mang lại lợi ích cho cả ba bên, người dùng – đối tác – Cùng Mua đều có lợi. Green Bag cung cấp dịch vụ đi chợ và giao hàng, giúp người dùng – đặc biệt là phụ nữ giảm tải áp lực công việc trong cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, người dùng còn thường xuyên được thông báo các sản phẩm mới và hưởng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá của Green Bag. Trong khi đó, đối tác sẽ có lượng khách hàng lớn từ Green Bag, tăng thị phần và doanh thu mà không mất bất kỳ chi phí nào. Đối với Cùng Mua, công ty sẽ có nguồn thu từ chi phí vận chuyển để duy trì hoạt động, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.