Chúng ta cảm thấy Android quá quen thuộc và dường như hệ điều hành của Google đã có mặt từ rất lâu rồi. Nhưng kỳ thực, Android mới chỉ xuất hiện cách đây chưa đầy 10 năm khi mà chiếc Android smartphone đầu tiên chính thức ra mắt và bày bán tại cửa hàng. Chính vì quyết định biến Android thành một nền tảng mở, dẫn tới việc hàng loạt thiết bị di động chuyển sang tận dụng hệ điều hành này, mà giờ đây người dùng mới cảm thấy thân thuộc với Android đến vậy.

Chỉ vài năm sau khi Android OS 1.0 chính thức phát hành, người ta chứng kiến smartphone chạy Android khắp mọi nơi. Hiện Android đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới, đánh bại rất nhiều đối thủ khác như Symbian, BlackBerry, Palm OS, webOS và Windows Phone. Duy chỉ còn sót lại iOS của Apple đủ sức cạnh tranh với Android tại thời điểm này, và với xu hướng người dùng ngày càng trở nên gắn kết với hệ điều hành mình chọn, viễn cảnh xuất hiện một hệ điều hành thứ ba đủ sức chen chân vào cuộc đua gần như là không thể.

Bước chân đầu tiên của Android

Tháng 10/2003, từ trước khi thuật ngữ “smartphone” được sử dụng phổ biến trên mọi phương tiện truyền thông như hiện nay và nhiều năm trước khi Apple công bố chiếc iPhone đời đầu tiên cùng iOS, Android Inc được thành lập tại Palo Alto, California. Bốn nhà sáng lập Android thời đó gồm Rich Miner, Nick Sears, Chris White và Andy Rubin. Tại thời điểm công khai thành lập, người ta trích dẫn lời “cha đẻ Android” Rubin rằng Android Inct được thành lập để phát triển “các thiết bị di động thông minh hơn với khả năng để tâm tới vị trí cũng như lựa chọn ưa thích của người dùng tốt hơn”.

Điều Andy Rubin nói nghe có vẻ giống tiêu chí sản xuất của một smartphone tiêu chuẩn hiên giờ, tuy nhiên, theo trang PC World, những gì ông hé lộ trong một bài phát biểu tại Tokyo năm 2013 lại cho biết Android OS vốn được tạo ra để cải hiện hệ điều hành của camera kỹ thuật số. Công ty đã demo cho các nhà đầu tư xem hồi 2004 cho thấy một camera được cài đặt Android có thể kết nối không dây tới PC như thế nào. PC đó tiếp tục sẽ được kết nối với một “Android Datacenter” - nơi người dùng có thể lưu lại ảnh chụp trên máy ảnh nhờ một dịch vụ lưu trữ đám mây.

Thời đó, hiển nhiên là đội ngũ phát triển Android đã không ngờ rằng mình tạo ra được một hệ điều hành mà sau đó đã trở thành trái tim hoàn thiện của hàng tỷ thiết bị di động trên thế giới. Nhưng kể cả ngay tại thời điểm đó, thị trường tiêu thụ dành cho camera kỹ thuật số đang dần thu hẹp lại và chỉ vài tháng sau, Android Inc quyết định chuyển trọng tâm nghiên cứu sang tích hợp hệ điều hành của mình lên điện thoại di động. Rubin đã từng nói năm 2013: “Chính nền tảng đó, chính hệ điều hành đó mà chúng tôi đã tạo ra dành riêng cho camera, giờ đây đã trở thành Android dành cho smartphone”.

Năm 2005 là mốc lịch sử tiếp theo của Android khi Google ngỏ ý muốn mua lại công ty. Rubin và các cộng sự của ông đã quyết định ở lại để tiếp tục phát triển OS của mình dưới tay chủ mới. Sau đó, họ quyết định dùng Linux để làm nền cho Android OS, và điều đó đồng nghĩa với việc công ty có thể đem phân phát Android cho mọi nhà sản xuất điện thoại bên thứ ba cài đặt miễn phí. Google và đội ngũ Android khi đó đã nhận thấy một cơ hội kiếm tiền từ các dịch vụ khác chạy trên nền tảng Android, bao gồm cả ứng dụng.

Chuẩn bị cho lần phát hành đầu tiên của Android - Android 1.0

Năm 2007, Apple công bố chiếc iPhone đầu tiên với thế giới và đã tự tay thiết lập một kỷ nguyên mới dành cho điện toán di động. Cùng thời điểm, Google vẫn đang làm việc hết công suất với Android và đảm bảo mọi thông tin đều tuyệt mật. Đến tháng 11 cùng năm, công ty bắt đầu từ từ hé lộ kê hoạch cạnh tranh “thẳng mặt” với Apple và các nền tảng di động khác. Google đã tận dụng sự hình thành của một thứ có tên là Liên minh Thiết bị cầm tay Mở (Open Handset Alliance), vốn dĩ có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất điện thoại như HTC, Motorola, nhà sản xuất chip như Qualcomm và Texas Instruments, cũng như nhà mạng lớn như T-Mobile.

Thế rồi người ta được nghe Chủ tịch kiêm CEO Google thời đó, ông Eric Schmidt, nói: “Công bố ngày hôm nay của chúng tôi tham vọng hơn bất kỳ “Google Phone” nào mà báo chí vẫn đồn đoán từ nhiều tuần nay. Chúng tôi kỳ vọng rằng nền tảng mạnh mẽ chúng tôi hé lộ hôm nay sẽ chạy trên hàng ngàn mẫu điện thoại khác nhau”.

Google được cho là đã chạy thử nội bộ ít nhất hai alpha build của Android trước khi công bố phiên bản public beta của 1.0 cho nhà phát triển hồi tháng 11/2007. Chưa hết, hãng còn làm ra một mẫu thiết bị tham chiếu có code name “Sooner”, mẫu này sau đó đã không được tung ra thị trường.

Tháng 9/2008, smartphone chạy Android đầu tiên đã trình làng - T-Mobile G1, có tên khác là HTC Dream. Thiết bị với màn hình cảm ứng trượt 3,2 inch kết hợp cùng bàn phím QWERTY vật lý chưa hẳn là thiết kế đẹp nhất. Thực tế, điện thoại này đã nhận nhiều review chê bai từ công động công nghệ. HTC Dream thậm chí còn không có nổi một jack cắm tai nghe 3.5 (một tiêu chuẩn bắt buộc bất thành văn tại thời điểm đó).

Tuy nhiên, Android OS 1.0 tại thời điểm đó đã được Google khéo léo đưa vào rất nhiều nhãn hiệu kinh doanh của mình: Điện thoại bán ra được tích hợp sẵn hàng loạt sản phẩm và dịch vụ của Google như: Google Maps, YouTube, HTML browser (tiền thân của Chrome ngày nay), và tất nhiên, tận dụng dịch vụ tìm kiếm của Google. Nó còn chạy phiên bản đầu tiên của Android Market, kho ứng dụng mà Google tự hào khẳng định rằng sẽ chứa “hàng tá ứng dụng có-một-không-hai”. Tất cả những chức năng nêu trên giờ đây nghe có vẻ quá tầm thường và “cổ lỗ sĩ”, nhưng chính những tính năng này đã đặt nền móng cho một khởi đầu của Android mà giờ đây chúng ta đều biết đã vươn cao thành một đế chế lớn đến nhường nào.