Ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc có cuộc “đấu
khẩu” về tranh chấp chủ quyền với nhóm đảo không người ở tại biển Hoa Đông nhưng
dường như cố gắng tránh khoét sâu thêm khoảng cách từng khiến quan hệ hai nước
khổng lồ châu Á nguội lạnh 2 năm trước.
Một tàu tuần tra ngư trường Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông.
Ảnh do lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật chụp ngày 11/7
Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Trung - Nhật tại thủ đô của Campuchia bên
lề hội nghị khu vực diễn ra chỉ sau vài giờ khi Tokyo lên tiếng phản đối việc
tàu tuần tra Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông.
Tranh chấp tại Hoa Đông từ lâu là hòn đá tảng trong quan hệ giữa hai nền
kinh tế lớn nhất châu Á.
"Thông qua hợp tác cụ thể, chúng ta phải làm cho quan hệ Nhật - Trung
hướng tới tương lai”, hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba
trao đổi với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì khi bắt đầu cuộc gặp
song phương.
"Nhưng cùng lúc đó, hôm nay, tôi muốn trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề
tồn tại giữa hai nước”, Kyodo dẫn lời ông Gemba. Theo hãng tin này, ông Gemba đã
nhắc lại sự phản đối của Nhật với các hành động của tàu Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật nói với báo giới sau cuộc gặp rằng: “Điều quan trọng là
phản ứng bình tĩnh để quan hệ Nhật - Trung nói chung không bị ảnh hưởng”, Kyodo
đưa tin.
Về phần mình, ông Dương cho hay, quan hệ Trung - Nhật (năm nay là 40 năm
bình thường hoá quan hệ ngoại giao) đã đạt được “một số tiến bộ” kể từ đầu năm,
theo tuyên bố từ phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị khu vực. Ông Dương nhấn
mạnh, có “một số vấn đề” trong quan hệ song phương. Vị Ngoại trưởng Trung Quốc
không quên nhấn mạnh rằng, nhóm đảo ở Hoa Đông luôn là lãnh thổ Trung Quốc.
"Ông thúc giục Nhật Bản tuân thủ các thoả thuận liên quan và nhận thức
khác biệt giữa hai bên theo cách đúng đắn, trở lại con đường hợp lý để quản lý
các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn với bên Trung Quốc, đồng thời có
những hành động cụ thể để duy trì các lợi ích chung của quan hệ song phương”,
tuyên bố của Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Dương từ chối bình luận khi được hỏi về chi tiết cuộc họp trên.
Trước đó, Nhật Bản đã thể hiện sự phản đối với đại sứ Trung Quốc ở Tokyo
sau khi ba tàu ngư chính Trung Quốc tiến vào vùng biển gần nhóm đảo không có
người ở gọi là Senkaku (theo tiếng Nhật) hay Điếu Ngư (cách gọi Trung Quốc). Cả
Bắc Kinh và Tokyo đều khẳng định chủ quyền với nhóm đảo này.
Tuần trước, Nhật Bản cho biết đang cân nhắc kế hoạch mua lại các đảo từ
nhà sở hữu tư nhân thay vì để Thị trưởng Tokyo thúc đẩy một dự kiến tương tự.
Theo giới phân tích, đây là động thái có thể gây phản ứng ngược, tổn hại tới
quan hệ Trung - Nhật.
Thái An (theo Reuters, AP)