Xe tải Trung Quốc đang ngày càng bị thu hẹp thị phần do những bất cập về dịch vụ và hậu mãi.

Hết thời xe tải Trung Quốc độc chiếm thị trường

Với tốc độ phát triển đất nước kéo theo việc phát triển ồ ạt của các cơ sở hạ tầng đã khiến nhu cầu san lấp vận chuyển đất đá, vật liệu, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao. Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2016, thị trường xe tải tại Việt Nam đạt doanh số kỷ lục với 84.188 xe (bao gồm cả xe bán tải và xe Van), nhiều hơn 15.056 xe so với tổng doanh số năm 2015 (tăng 22%). Nếu không tính xe bán tải và xe Van, doanh số xe tải tại Việt Nam năm 2016 đạt 58.625 chiếc, cũng cao hơn 8.515 xe tải bán ra so với năm 2015 (50.110 xe). Tuy nhiên, đây chỉ là con số của các thành viên thuộc VAMA, chưa phản ánh hết thị trường xe tải tại Việt Nam trong thực tế còn cao hơn nhiều.

Thị trường xe tải Việt Nam trong những năm qua nổi lên những “ông lớn” chiếm lĩnh thị trường như: Trường Hải (THACO), TMT Motor (Cửu Long Motor), Đô Thành, Hoàng Huy… Tuy nhiên, những ai theo dõi sát thị trường xe tải đều nhận thấy những cuộc soán ngôi ngoạn mục trong phân khúc này.

{keywords}

Nếu trước những năm 2015, số lượng xe tải có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm lĩnh phần lớn thị trường, thì trong 2 năm trở lại đây “gió đã xoay chiều”. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong 2 năm 2014 - 2015, lượng xe ô tô Trung Quốc (phần lớn là xe tải) được nhập về Việt Nam tăng nhanh từ 13.700 chiếc (năm 2014) lên gấp 2 lần vào năm 2015 với 26.700 chiếc, đạt kim ngạch 1 tỷ USD. Tuy nhiên, từ sau đó đến nay, kim ngạch nhập khẩu xe Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng. Trong năm 2016, xe tải nhập về từ Trung Quốc chỉ còn 10.900 chiếc, chưa bằng 1/2 doanh số của năm 2015, thậm chí thấp hơn cả năm 2014.

Trao đổi với PV, chủ một doanh nghiệp vận tải tại Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Xe Trung Quốc rẻ hơn so với các dòng xe lắp ráp trong nước, xe nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga. Tuy nhiên, giá rẻ, đi liền với chất lượng. Xe Trung Quốc có khấu hao rất nhanh, nhưng chỉ chạy được hơn 1 năm đã hỏng vặt rất nhiều mà lại không có đồ thay chính hãng nên càng nhanh hỏng hơn”.

Sự sụt giảm của dòng xe nhập khẩu từ Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở doanh số của những thương hiệu xe tải nặng ký như: TMT Motor, Hoàng Huy hay Trường Long. Đối với TMT Motor, nếu trong năm 2015, doanh nghiệp này bán được gần 7.400 chiếc xe tải thì năm 2016 được đánh giá là một năm khá khó khăn. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của TMT Motor khi doanh thu trong năm 2016 giảm mạnh so với năm 2015 (từ 3.365 tỷ đồng xuống còn 2.528 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm (từ 186,7 tỷ đồng trong năm 2015 xuống còn 49,1 tỷ đồng trong năm 2016).

Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô TMT thừa nhận, xe tải Trung Quốc 2 năm qua sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017. Lý do chủ yếu do công tác hậu bán hàng, dịch vụ chưa tốt. Từ năm 2014 đến nay, doanh số xe tải của TMT Motor đã giảm từ 60% xuống chỉ còn 20% thị phần.

Hyundai Đô Thành là một thương hiệu nổi bật với những mẫu xe tải hạng nhẹ nhập khẩu của Hyundai. Năm 2015, Hyundai Đô Thành gây ấn tượng với doanh số xe tải là 3.235 xe. Đến hết năm 2016, doanh số đạt mức kỷ lục 5.697 chiếc. Đến hết tháng 4, tuy thị trường ô tô trong nước có phần đi xuống, nhưng Hyundai Đô Thành vẫn phát triển đều với doanh số 1.326 chiếc xe tải. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang chuyển hướng dần sang bán xe tải lắp ráp trong nước (CKD) khi doanh số xe tải Hyundai Mighty nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đã giảm rõ rệt…

Từ những cuộc soán ngôi, chuyển hướng như trên có thể thấy, thị trường xe tải đang có sự cạnh tranh khốc liệt để đi đến một sự sắp xếp mới về thị phần.

Thị phần xe tải sẽ có sự sắp xếp lại

Theo ông Bùi Văn Hữu, xe tải Trung Quốc 2 năm qua sản lượng sụt giảm nghiêm trọng chủ yếu do công tác hậu bán hàng, dịch vụ chưa tốt. “Cứ hình dung mua 1 xe tải Trung Quốc, nhưng chỉ muốn bán xe mà không hậu mãi bán hàng như xe Nhật Bản hay Hàn Quốc, mới làm được một thời gian mà xe hỏng không được bảo hành khiến người mua bức xúc. TMT Motor đã trao đổi với đối tác Sinotruk (đối tác chiến lược của TMT Motor tại Trung Quốc) nếu không có trách nhiệm phục vụ khách hàng như Toyota, Hyundai thì TMT không hợp tác nữa…”.

Để cải thiện hình ảnh và ràng buộc trách nhiệm của Sinotruck với khách hàng Việt Nam, đầu năm 2017, TMT Motor đã yêu cầu Sinotruk phải ký hợp tác đảm bảo chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, hai bên sẽ đầu tư 3 tổng kho lớn, mỗi kho có diện tích 3.000 - 5.000m2 chuyên để lưu trữ phụ tùng xe Sinotruk tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Với giải pháp này, khi xe gặp sự cố, TMT Motor sẽ có xe lưu động chuyển ngay phụ tùng đó xuống các đại lý, dịch vụ sửa chữa cho khách hàng.

Do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và gia tăng thị phần, TMT Motor còn chính thức lắp ráp, phân phối các dòng xe tải của TATA Motors (Ấn Độ) tại Việt Nam. Theo đại diện của TMT Motor, kể từ khi giới thiệu và phân phối xe tải TATA đến tay người tiêu dùng từ tháng 10/2016, doanh số xe tải thương hiệu này liên tục tăng trưởng. Với động thái này có thể thấy, cuộc đua giành thị phần xe tải sẽ ngày càng gay cấn hơn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ô tô, thời gian tới, thị trường xe tải tại Việt Nam sẽ rất khó khăn, đặc biệt là đối với xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải được áp dụng thấp nhất là Euro 4 cũng như các điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Vì vậy, chỉ những doanh nghiệp nào chịu đầu tư về mặt dịch vụ, hậu bán hàng thật tốt thì mới có cơ hội tồn tại.

Ở chiều ngược lại, Trường Hải (THACO) đã trở thành một doanh nghiệp kinh doanh xe tải mạnh nhất Việt Nam. Theo đó, nếu trong năm 2014, THACO Truck chỉ đạt doanh số hơn 20 nghìn xe thì năm 2015 đã đạt doanh số 36.300 xe. Bước sang năm 2016, doanh số xe tải THACO đã đạt tới 43.787 xe, tăng 7.487 xe so với năm trước đó. Tính đến hết tháng 4, Trường Hải cũng đã bán ra được 14.496 chiếc xe tải, cao hơn doanh số cùng kỳ năm trước là 14.294 xe.

(Theo Báo Giao thông)