Theo nhận định, việc giảm giá bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) xuất phát từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm có mức chiết khấu (hoa hồng) quá sâu, vượt khung quy định nhằm lôi kéo khách hàng.
Loạn khuyến mại, giảm giá bán
Gần đây, một số nhân viên đại lý bảo hiểm phản ánh đến Báo Giao thông về hiện tượng một số doanh nghiệp bảo hiểm khi bán sản phẩm bảo hiểm TNDS xe cơ giới thực hiện việc chiết khấu vượt khung quy định cho các đại lý. Điều đó khiến các đại lý giảm giá bán quá sâu, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Theo ghi nhận của PV tại Trung tâm đăng kiểm 3402D trên QL18 qua TP Chí Linh (Hải Dương), đại lý bảo hiểm BIC (Tổng công ty bảo hiểm BIDV) đang niêm yết công khai mức giảm giá 30% cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm TNDS bắt buộc xe cơ giới.
Cụ thể, sau khi giảm giá 30% mức phí bảo hiểm TNDS bắt buộc cho ô tô con (4 - 5 chỗ) chỉ còn 350 nghìn đồng (giảm 130 nghìn đồng so với giá quy định của hãng). Đối với xe 7 chỗ còn 640 nghìn đồng (giảm 230 nghìn đồng), xe bán tải còn 750 nghìn đồng (giảm 280 nghìn đồng). Mức giảm cao nhất cho xe đầu kéo xuống còn 3,84 triệu đồng (giảm 1,44 triệu đồng).
Lý giải câu hỏi về mức giảm giá bán đến 30% thì đại lý “ăn” gì từ công ty bảo hiểm, một đại lý của bảo hiểm BIC Hải Dương cho hay, đương nhiên đại lý phải nhận được hoa hồng cao hơn thì mới dám giảm giá cho khách đến mức đó. Tuy nhiên để hưởng hoa hồng mức đó thì đại lý phải cam kết doanh số, mỗi tháng từ 300 - 400 triệu đồng. Còn đại lý nhỏ lẻ thì hoa hồng sẽ khoảng 25%.
Khảo sát trên trang thông tin điện tử chính thức của hàng loạt công ty bảo hiểm lớn, PV ghi nhận thực tế một số doanh nghiệp bảo hiểm công khai mức giảm giá rất cao. Đơn cử như trên trang chủ của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (baominh.com.vn) công bố: “Hiện tại Bảo Minh đang có chương trình chiết khấu 30% cho sản phẩm bảo hiểm TNDS chủ xe gắn máy khi quý khách hàng thanh toán online tại trang thương mại điện tử bán bảo hiểm online của Bảo Minh”.
Nhận định về cuộc đua giảm giá phí bảo hiểm TNDS này, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm InFair phân tích, bản chất của việc giảm tiền (chiết khấu, giảm giá) trên số phí phải đóng chính là việc đại lý tự cắt giảm hoa hồng của mình sang cho khách, nhằm mục đích thu hút thêm càng nhiều khách hàng về mình. Đây là việc làm không lạ, không mới. Khi việc khai thác khách hàng mới khó khăn, nhiều đại lý bảo hiểm khai thác mạnh tay chiêu này để dễ bán bảo hiểm hơn do được công ty bảo hiểm chiết khấu mạnh tay. Việc chứng minh mức chiết khấu cao của doanh nghiệp bảo hiểm cho đại lý rất khó vì đây là những thỏa thuận ngầm. Tuy nhiên việc đại lý giảm giá sâu như vậy đủ để thấy mức chiết khấu cao cỡ nào.
“Đặc biệt, theo quy định, đại lý bảo hiểm không được giảm giá cho khách hàng mua bảo hiểm bắt buộc. Vì thế việc giảm giá bán đã sai, nhưng giảm giá sâu như vậy lại càng sai hơn”, ông Xuân cho biết thêm.
Vi phạm các quy định về kinh doanh bảo hiểm?
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm được chi trả cho đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, người có công trong khâu phân phối dịch vụ bảo hiểm đến tận tay khách hàng.
Luật cũng quy định rõ, không được chi trả hoa hồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm (khách hàng), trừ trường hợp đại lý bảo hiểm mua bảo hiểm nhân thọ cho chính mình.
Nhân viên một đại lý bảo hiểm cho biết, việc các doanh nghiệp, đại lý giảm giá bán bảo hiểm TNDS quá sâu không chỉ ảnh hưởng đến sự bình đẳng trong cạnh tranh mà quan trọng hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng. Với mức chiết khấu quá cao thì chất lượng dịch vụ sẽ giảm, vì thế mới xảy ra nhiều trường hợp khách hàng kiện doanh nghiệp bảo hiểm vì bị từ chối bồi thường hoặc áp chế tài để giảm mức bồi thường.
Tại Thông tư 50/2017 do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) quy định chi tiết mức hoa hồng đại lý bảo hiểm với biên độ từ 0,5 - 20%. Tuy nhiên, hoa hồng của các doanh nghiệp bảo hiểm cho đại lý không được vượt ngưỡng tối đa 5% đối với ô tô và 20% với xe máy. Vì vậy, việc đại lý bảo hiểm cho xe ô tô hay xe máy giảm giá tới 30% nêu trên khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico phân tích: Việc nhập nhèm câu chữ giữa “hoa hồng đại lý” với “chiết khấu khách hàng” là một biểu hiện rõ nét của sự lách luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực chất số tiền đó cùng một nguồn gốc nhưng nếu không kiểm soát thì sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm khi khách hàng điềm nhiên “mặc cả” đòi chia hoa hồng với đại lý bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, mấu chốt của vấn đề ở chỗ, mức chi lại cho khách (chiết khấu, giảm giá) từ tiền hoa hồng là bao nhiêu để không sai quy định và không phá giá thị trường. Chi hoa hồng cho khách hàng chỉ là thỏa thuận ngầm giữa đại lý và khách hàng. Chính vì là thỏa thuận ngầm nên một số công ty bảo hiểm dù có quy định rất nghiêm với những hành vi này cũng rất khó phát hiện xử lý. Hơn nữa, công ty cũng không thể can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa đại lý và khách hàng được.
“Đại lý bảo hiểm muốn bán hàng phải tự cắt hết hoa hồng, rồi tìm cách kiếm chác lại từ công ty bảo hiểm khiến chi phí bán hàng của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đội lên rất cao. Cuộc rượt đuổi về chi hoa hồng cho đại lý, cho khách hàng khiến nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước mệt mỏi vì thu không đủ bù chi. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thì đành phải đứng ngoài nhiều phân khúc dịch vụ béo bở, vì đấu không nổi trong cuộc chiến hoa hồng”, ông Xuân cho hay.
Theo Báo Giao thông
(còn nữa)
Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn! Xin cảm ơn!
Loạt ô tô điện thời đại mới về Việt Nam gây sốt
Xe ô tô điện đã trở nên quen thuộc ở Mỹ và châu Âu, là xu thế tiên tiến của thời đại nhưng đối với Việt Nam, chúng vẫn chỉ là dự án hoặc vài mẫu xe nhập lẻ tẻ mang yếu tố tự phát.