Cơn phẫn nộ đối với sắc lệnh hành pháp về nhập cư của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chưa có dấu hiệu dịu bớt. “Bóng ma” Tòa án Tối cao dần hiện ra khi nước Mỹ đang chờ đợi câu trả lời cuối cùng về việc sắc lệnh của ông Trump có hợp hiến hay không? Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Mọi chuyện bắt đầu từ một phán quyết của tòa án sơ thẩm liên bang ở Seattle cuối tuần trước, tạm thời ngừng thi hành lệnh cấm nhập cư của Tổng thống. Với phán quyết này, người tị nạn từ 7 quốc gia Hồi giáo có thể tiếp tục được nhập cảnh vào Mỹ.
Ngày 4/2, Tòa án phúc thẩm liên bang tại thành phố San Francisco, bang California đã từ chối đưa ra lệnh hoãn thi hành phán quyết của tòa sơ thẩm Seattle. Đồng thời, tòa đề nghị Nhà Trắng hoàn tất hồ sơ và có những lập luận thỏa đáng nhằm bảo vệ sắc lệnh gây tranh cãi trên trước khi tòa thụ lý vụ kiện hôm qua 7/2. Tòa phúc thẩm California sẽ xét xử vụ kiện và có thể ra phán quyết trong mấy ngày sắp tới.
Trong khi đó, vụ kiện cũng sẽ được chuyển lại cho thẩm phán ở Seattle, ông James Robart, người sẽ phải ra một lệnh huấn thị vĩnh viễn thay cho phán quyết tạm thời hiện nay.
Đối với Tòa án Tối cao, có hai vấn đề cần phán quyết: liệu sắc lệnh của Tổng thống có hợp hiến hay không và liệu nó có thể bị treo (như phán quyết của tòa Seattle) hay không nếu các tòa án liên bang khác vào cuộc.
Đến nay, vấn đề đang tranh cãi là nên tạm thời ngừng thi hành, hay ngăn chặn vĩnh viễn sắc lệnh hành pháp nói trên. Giới am hiểu pháp lý dự đoán, tòa án phúc thẩm bang California sẽ đứng về phía thẩm phán Robart. Nếu điều này xảy ra, Nhà Trắng có một số quyết định chiến thuật về việc khi nào và làm cách nào để đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao.
Donald Trump và Neil Gorsuch – người mới được ông Trump bổ nhiệm làm thẩm phán tối cao mới. Ảnh: Reuters |
Theo Giáo sư luật Josh Blackman, Nhà Trắng có ba lựa chọn. Thứ nhất, đề nghị Tổng chưởng lý Anthony Kennedy, người xem xét các đơn kiện khẩn cấp tại bang Washington, ra phán quyết đình chỉ phán quyết của tòa Seattle. Tuy nhiên, ông Kennedy sẽ phải thuyết phục 4 đồng nghiệp ủng hộ ông, và điều này ít khả năng thành công, bởi 4 thẩm phán tự do của Tòa án Tối cao có thể muốn để cho phán quyết Seattle có hiệu lực.
Tuy nhiên, giáo sư Blackman cho biết, Nhà Trắng có thể sử dụng một cách khác là đề nghị Tòa án Tối cao xem xét tính hợp hiến của sắc lệnh. Cách này nhiều khả năng thành công vì chỉ cần tổng cộng 4 phiếu thẩm phán tối cao là tòa sẽ thụ lý.
Chiến thuật này có thể không cần bác phán quyết của tòa Seattle mà sẽ đưa thẳng vụ kiện lên tòa cấp cao nhất. Nhà Trắng có thể chỉ cần chờ cho tới khi tòa án Seattle ra phán quyết cuối cùng rồi bắt đầu thủ tục xét xử phúc thẩm. Việc này sẽ mất thời gian hơn.
Mọi chuyện đã phức tạp, vậy mà vẫn còn một nhân tố khác đang làm cho tình hình rối thêm. Đó là việc ông Trump vừa bổ nhiệm thẩm phán tối cao mới, ông Neil Gorsuch, người có thể đóng một vai trò lớn trong việc quyết định vấn đề thực sự: sắc lệnh của ông Trump rốt cuộc có hợp pháp hay không. Đề cử ông Gorsuch hiện đang chờ được Thượng viện phê chuẩn.
Nếu chính quyền Trump đề nghị toàn bộ thẩm phán Tòa án Tối cao xem lại phán quyết của tòa cấp dưới, nhiều khả năng thẩm phán Gorsuch sẽ không kịp ngồi ghế quan toà để xét xử vụ này. Điều này dẫn tới khả năng xảy ra trường hợp ngang bằng 4-4 (tòa hiện đang có 8 thẩm phán) trong khi cần có đa số thẩm phán tối cao đồng ý thì phán quyết tối cao mới được đưa ra. Tình huống này đồng nghĩa với việc phán quyết của tòa cấp dưới vẫn được thi hành.
Tất nhiên, nếu ông Gorsuch có cơ hội ngồi ghế quan tòa để xét xử, tức là ông được Nghị viện phê chuẩn làm thẩm phán tối cao trước khi vụ kiện được đưa lên Tòa án Tối cao, thì nguy cơ “tỷ số hòa” chắc chắn không xảy ra.
Về bản chất sắc lệnh hành pháp của ông Trump, giới chuyên gia pháp lý cho rằng nó có thể hợp pháp vì nhánh hành pháp Mỹ có nhiều thẩm quyền đối với vấn đề nhập cư, tuy nhiên cũng có nhiều người khác không cùng quan điểm. Trong khi đó, hầu hết mọi người dường như nhất trí rằng xét trên phương diện chính sách, sắc lệnh trên là ý tưởng kinh hoàng.
Đây là lần hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ một sắc lệnh của chính phủ vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của công chúng mà còn của chính giới và giới doanh nhân. Cuối tuần qua, gần 100 công ty công nghệ lớn – trong đó có Apple, Google và Microsoft - đã cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ phản đối. Trong khi đó, người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô Washington D.C cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cảnh.
Kết quả là ông Trump có thể sẽ chiến thắng trong vấn đề pháp lý căn bản, nhưng chỉ sau khi chứng kiến một loạt cuộc tranh cãi giữa các tòa án và hứng chịu rất nhiều chỉ trích về việc ông đã đẩy sự việc đi xa như thế nào. Cũng có khả năng việc này sẽ không được giải quyết như ông mong muốn, vì sắc lệnh gây tranh cãi của Trump chỉ có hiệu lực trong 90 ngày, và khi nổ ra một cuộc tranh cãi bất thường, Nhà Trắng có thể chọn cách sửa đổi lệnh cấm, khiến toàn bộ vấn đề được giải quyết./
Thảo Linh