Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) hôm 30/6 đồng loạt hoãn đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 và đại hội cổ đông bất thường do số lượng cổ đông tham dự không đủ theo quy định.

ĐHCĐ chỉ có 133 cổ đông tham dự, đại diện cho trên 215 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 17,54% tổng số cổ phần biểu quyết.

Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank, số cổ đông dự họp phải đại diện cho hơn 65% tổng số cổ phần biểu quyết mới đủ điều kiện tiến hành đại hội đồng cổ đông. Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông Eximbank đã tuyên bố đại hội không đủ điều kiện tiến hành.

Cũng trong ngày 30/6, Eximbank thông báo ĐHCĐ bất thường không đủ điều kiện để tiến hành.

Trong năm 2019, ĐHCĐ thường niên của Eximbank liên tục bị hoãn và tạm dừng giữa chừng nhiều lần, do còn nhiều ý kiến bất đồng giữa các cổ đông. Trong hơn một năm qua, Eximbank vẫn chưa tổ chức được ĐHĐCĐ 2019.

Như vậy, Eximbank chưa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019 và một số nội dung khác do các ĐHCĐ đều bất thành. Giờ đây, kết quả 2019 cũng như kế hoạch 2020 cũng chưa thể được đại hội thông qua.

{keywords}
Sóng ngầm chưa dứt tại Eximbank.

Vấn đề nóng nhất vẫn là “câu chuyện 3 người” quanh chiếc ghế chủ tịch ở Eximbank. Trong khoảng 1 năm rưỡi qua, Eximbank liên tục chứng kiến sự thay đổi trong dàn lãnh đạo. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa thể được giải quyết.

Tranh cãi nảy lửa nhất nằm ở tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT.

Mới đây nhất, ngày 25/6, Eximbank đã tiến hành họp và thống nhất bầu ông Yasuhiro Saitoh - đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, thay ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Tuy nhiên, ngay trước thềm ĐHCĐ hôm 30/6, nhóm cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), hiện nắm 15% vốn tại Eximbank - đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT.

SMBC cũng yêu cầu bỏ phiếu không bãi nhiệm hay bãi nhiệm đối với từng thành viên HĐQT tại ĐHCĐ bất thường.

Như vậy, vấn đề nổi cộm hiện nay tại Eximbank là chuyện nhân sự cấp cao của ngân hàng. Câu chuyện tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank chưa có hồi kết. Tranh chấp đã khiến Eximbank loay hoay không tìm được lối thoát và để tập trung nguồn lực vào việc kinh doanh nhằm lấy lại vị thế cho nhà băng này.

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015. Tình hình trở nên phức tạp hơn bao giờ hết từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank, từng là TGĐ NamABank của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank nóng rực trở lại bắt đầu từ cuối tháng 3/2019 sau khi thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.

Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.

Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.

Hiện tại, giới đầu tư không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai? Ai đang là người chịu trách nhiệm cho một tổ chức tín dụng có tổng tài sản lên tới 160 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 130 ngàn tỷ đồng tiền gửi của người dân.

Mâu thuẫn tại Eximbank liên quan tới gia đình bà Tư Hường (đã mất), với những tranh chấp nội bộ của tập đoàn gia đình Hoàn Cầu và nhóm cổ đông lớn có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn (con bà Tư Hương) tại NamABank.

Trên TTCK, tình trạng chậm hoãn ĐHCĐ cũng khá nhiều. Sự chậm hoãn ĐHCĐ thường niên 2020 vừa qua chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong các năm trước đó, cũng có nhiều doanh nghiệp chậm hoãn ĐHCĐ như Sacombank, Hanoimilk, SPM, FBT,... nhưng không có doanh nghiệp nào chậm hoãn kéo dài và phức tạp như Eximbank.

Tại Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cho dù chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến gần 10 năm nhưng ĐHCĐ vẫn được tiến hành bằng cách này hay cách khác như: nhờ đại diện là ông Đặng Thành Tâm hay họp trực tuyến như gần đây.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 2/7, chỉ số VN-Index giảm nhẹ. VN-Index đang ở quanh ngưỡng 840 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips phân hóa. Ông lớn xây dựng Coteccons (CTD) tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp sau khi ĐHCĐ thành công, nhóm cổ đông nội ngoại đồng thuận xây dựng CTD thành một tập đoàn xây dựng lớn.

Theo SHS, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm (MA50). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu nên quan sát thị trường trong phiên tới và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 840 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 800 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/7, VN-Index tăng 18,38 điểm lên 843,49 điểm; HNX-Index tăng 1,92 điểm lên 111,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,53 điểm lên 56,05 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,1 ngàn tỷ đồng.

V. Hà