- Để có mặt bằng triển khai các đại dự án ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã phải thu hồi hơn 3.500 ha đất liền, 1.200 ha đất mặt nước; giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho 15.000 hộ dân bị ảnh hưởng và hơn 4.000 hộ dân di dời đến chỗ ở mới. Một cuộc ‘đại di dời’ được thực hiện khẩn trương.

Cuộc di dời "không tưởng"

Đó thực ra là cụm từ do chính ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đúc rút. Ông Tuấn cho rằng ngay từ đầu, chính quyền Hà Tĩnh cùng Kỳ Anh đã xác định rõ nhiệm vụ, phải kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân hiểu và sớm bàn giao mặt bằng.

{keywords}

Những khu tái định cư được xây dựng khang trang ở Kỳ Anh. Nằm ngay sát QL1A, sát biển và cạnh siêu dự án Formosa.

Mặc dù đến nay, còn một bộ phận chưa di dời nhưng đó chỉ là con số nhỏ bé so với những gì mà chính quyền và người dân nơi đây đã làm được. Những khu tái định cư khang trang mọc lên sát QL1A, dân nghèo ven biển nay cũng đã sở hữu những ngôi nhà xây, nhà cao tầng, nơi trung tâm của thị xã Kỳ Anh.

Trò chuyện với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Long, PCT UBND phường Kỳ Phương nhớ lại, lúc mới họp để thông báo, người dân còn nghi ngại, thậm chí là chống đối. Bởi, họ lo lắng về nơi tái định cư sẽ chẳng biết làm gì khi đất nông nghiệp bị thu hồi.

Hàng trăm lượt cán bộ chủ chốt của huyện Kỳ Anh (nay là Thị xã Kỳ Anh) các ban, ngành, đoàn thể đã được huy động, giao nhiệm vụ cụ thể, tỏa về "cắm" tại các địa bàn để thấu hiểu tâm tư của từng người dân.

"Có nhiều gia đình, chúng tôi phải tới cả chục lần. Cứ mỗi lần qua đều bị họ ném đá xua đuổi nhưng anh em vẫn kiên trì vận động, giải thích cho người dân hiểu", ông Long chia sẻ.

{keywords}

Quang cảnh ‘đại công xưởng’ ở Vũng Áng.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, các khu tái định cư đều được xây dựng, bố trí gần đường giao thông lớn, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài diện tích dành cho mỗi hộ 400 m2, khu nào cũng dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở chính quyền, nghĩa trang.

Thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi có 1.219 hộ, 5.038 nhân khẩu với nghề chính là đánh bắt hải sản và sản xuất nông nghiệp. Khi bà con thắc mắc về nơi ở mới, chính quyền đã 3 lần thuê xe chở người dân đi tận từng địa điểm để kiểm tra.

Từ 4 địa điểm, bà con thống nhất chọn địa điểm xây dựng khu TĐC tại thôn Ba Đồng (phường Kỳ Phương) hơn 99 ha và thôn Minh Huệ (xã Kỳ Nam) 46 ha. Có thêm khu nghĩa trang 5,8 ha.

“Từ khi chuyển ra khu tái định cư, nhà cửa được xây dựng khang trang, lại có thêm ít tiền để gửi ngân hàng, kinh doanh. Mức sống của người dân cũng được cải thiện nhiều. Nhiều thanh niên cũng vào Vũng Áng làm công nhân, không phải lăn lộn làm ăn xa”, ông Dương Nhiên, trưởng xóm 2, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi nói.

Sau 5 năm vận động, di dời, đến nay TX. Kỳ Anh đã hoàn chỉnh những khu tái định cư được xây dựng rất đồng bộ. Hai bên tuyến QL1A vừa được nâng cấp mở rộng, những khu dân cư mới mọc lên san sát. Bóng dáng một đô thị mới đang dần hiển hiện.

{keywords}

Xã miền biển Kỳ Lợi "nổi tiếng" nghèo nhất huyện Kỳ Anh một thời, nay đã là nơi có cảng nước sâu Vũng Áng, nhà máy nhiệt điện lớn nhất VN đã đi vào hoạt động.

Làm giàu trên vùng đất mới

Sự xuất hiện khu kinh tế Vũng Áng đã mang lại cho nhiều người dân cơ hội đổi đời, từng bước vươn lên làm giàu.

Sau khi nhận khoảng 300 triệu đồng đền bù, ông Trần Quốc Hoàn (63 tuổi, trú khối phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương) đã đầu tư vào việc nuôi hơn 40 con bò nái. Mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Từ đây, ông đã xây dựng nhà khang trang cho 5 người con.

"Ngày trước, gia đình làm hơn 2 mẫu ruộng. Dù đủ ăn nhưng dư giả thì chẳng có. Có trong mơ, tôi cũng không bao giờ dám nghĩ sẽ lo được cho các con như thế này", ông Hoàn vui mừng.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Cường (43 tuổi, trú khu phố Nhân Hòa) cũng đầu tư 900 triệu đồng từ tiền đền bù vào chăn nuôi bò nái và vịt. Mỗi năm, trừ đi chi phí, gia đình anh thu về hơn 600 triệu đồng.

{keywords}

Nông dân Nguyễn Văn Cường mỗi năm thu về hơn 600 triệu đồng từ đàn trâu bò hơn 100 con và chăn nuôi lợn, vịt.

Đi dọc QL 1A, những mái nhà tranh lụp xụp, những mái ngói thấp lè tè bám quốc lộ 1A 5 - 7 năm về trước ở các xã Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Phương, Kỳ Liên... đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói khang trang 2 - 3 tầng mọc san sát nhau.

Cũng từ dây, các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu, cà phê... mọc lên như nấm.

“Không ai nghĩ vùng đất cằn đá sỏi như Kỳ Anh lại có ngày thay đổi, phát triển như hôm nay”, ông Nguyễn Tiến Long, Phó chủ tịch UBND phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) nói.

Cũng theo ông Long, từ khi có khu kinh tế Vũng Áng, có khoảng 70% lao động làm công nhân trong đó, bình quân tháng cũng có 7 - 8 triệu đồng. Nhiều hộ khác thì chuyển đổi sang làm dịch vụ, buôn bán, đã góp phần làm cho kinh tế gia đình tăng lên, bộ mặt làng quê đang thay đổi trông thấy.

Văn Đức – Cao Thái