Chú thích ảnh

Yakov “Yasha” Serebryansky đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng của tình báo Liên Xô. Ảnh: RBTH

Vào đầu thập niên 1930, có một đơn vị tình báo Liên Xô hoạt động tích cực ở châu Âu, châu Á và Mỹ, được các thành viên gọi bằng mật danh “nhóm của Chú Yasha”.

Nhóm tiến hành một loạt các chiến dịch cấp cao – từ bắt cóc tướng lĩnh cho tới nổ tung các tàu chiến. Tư liệu lưu trữ của cơ quan tình báo Nga về các hoạt động của nhóm này, đặc biệt là về lãnh đạo của nhóm, Yakov Serebryansky, cho đến nay vẫn được bảo quản mật. Gần một thế kỷ sau, tên của điệp viên huyền thoại này vẫn còn gây ấn tượng trong tâm trí của người Nga hơn bất cứ điệp viên James Bond nào.

Yakov “Yasha” Serebryansky sinh năm 1891 tại Minsk trong một gia đình Do thái. Giống như nhiều người Do thái bị tước hầu hết quyền lợi dưới Đế chế Nga, ông tham gia phong trào cách mạng và bị cầm tù. Sau khi được trả tự do Yakov đã chiến đấu và bị thương trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng ông tiếp tục tham gia phong trào cách mạng tại vùng Bắc Kavkaz.

Chú thích ảnh

Ký kết Hiệp ước Hữu nghị Nga - Ba Tư vào tháng 2/1921. Ảnh: RBTH

Cuối cùng, trong cuộc Nội chiến Nga, ông đã tới Ba Tư (Iran ngày nay) đúng thời điểm các nhà hoạt động Bolshevik đang thực hiện sứ mệnh hồi trả những con tàu bị lực lượng Bạch vệ bắt giữ. Tuy nhiên, những người nổi dậy địa phương còn muốn hơn thế nữa – đó là thiết lập một Cộng hòa Xô viết Xã hội chủ nghĩa Ba Tư (còn gọi là Cộng hòa Xô viết XHCN Gilan).

Đứng cùng phe với những người Bolshevik Ba Tư, Serebryansky được tin tưởng giao nhiệm vụ trinh sát ở “cơ quan đặc biệt” mới của Hồng quân. Nhưng Moscow và Tehran nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, nước cộng hòa nói trên bị giải thể, và Hồng quân (trong đó có Serebryansky) phải về nước.

Trong vỏ bọc nhà Phục quốc Do Thái

Yakov Serebryansky tới Moscow, gia nhập lực lượng Cheka (cơ quan mật vụ Liên Xô thời kỳ đầu). Tuy nhiên ông không ở lại Tổ quốc lâu, mà năm 1923 lên đường sang Palestine, nơi chính phủ Liên Xô đã cài cắm các sĩ quan tình báo nằm vùng sâu. Nhiệm vụ chính của họ là phát hiện các kế hoạch của quân Anh trong vùng và nắm được tâm lý của người dân địa phương.

Tại đây, nhờ nguồn gốc Do thái của mình, nhân viên tình báo Xô viết có thêm thuận lợi. Đóng vai một phần tử Phục quốc Do thái và một chiến binh chiến đấu cho sự nghiệp xây dựng một Nhà nước Do thái, ông đã tuyển được nhiều người Nga lưu vong và thiết lập một mạng lưới điệp viên, ban đầu ở Palestine, sau đó là trong cộng đồng Do thái phục quốc ở các nước khác.

Chú thích ảnh

Yakov Serebryansky vào năm 1941. Ảnh: Kho lưu trữ.

Bên cạnh tiếng Nga, Serebryansky còn nói thành thạo tiếng Pháp, Anh, và Do Thái (Hebrew). Do vậy, các lãnh đạo tình báo Liên Xô đã cử ông làm nhiệm vụ chiêu mộ điệp viên ở khắp nơi, từ Bỉ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, cho đến Mỹ. Ông đã tạo ra một nhóm đặc biệt chịu trách nhiệm không chỉ về tình báo mà còn hoạt động phá hoại ở nước ngoài. Cá nhân Serebryansky đã chiêu nạp trên 200 điệp viên, đa số sau này trở thành những huyền thoại tình báo.

3 chiến dịch hàng đầu

Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất của “nhóm Chú Yasha” là bắt cóc tướng Bạch vệ Alexander Kutepov. Năm 1928-1930, vẫn là một nhà tình báo, Serebryansky lãnh đạo Liên minh Toàn quân sự Nga, một tổ chức chiến đấu do cộng đồng lưu vong Bạch vệ ở Pháp lập ra. Tình báo Liên Xô Cheka cảm nhận được liên minh này đang chuẩn bị các hành động khủng bố ở Nga, vì thế họ quyết định phải vô hiệu hóa thủ lĩnh của nhóm là Kutepov và đưa về Liên Xô.

Năm 1930, các điệp viên của Serebryansky đã bắt được tướng Bạch vệ Kutepov ngay giữa trung tâm  Paris và cố gắng đẩy ông ta lên một chiếc ô tô đang chờ sẵn. Tuy nhiên viên tướng này đã kháng cự rất quyết liệt. 

Chú thích ảnh

Binh lính phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ảnh: RBTH

Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, Serebryansky tiến hành các chiến dịch cực kỳ phức tạp, và thành công đã mang lại cho ông Huân chương Lenin danh giá. Ông đã tổ chức chuẩn bị và vận chuyển vũ khí cho phe cộng hòa Tây Ban Nha – những người chống lại tướng Franco và được Liên Xô ủng hộ. Một trong những phi vụ ấn tượng nhất của ông là đã chuyển giao được 12 máy bay chiến đấu cho quân Cộng hòa, được Yakov ngụy trang dưới vỏ bọc thiết bị kiểm tra bay.

Năm 1936, nhóm điệp viên của Liên Xô thực hiện một chiến dịch tầm cỡ khác ở Paris. Yakov đã cài một điệp viên vào đoàn tùy tùng của Lev Sedov, con trai Leon Trotsky (đối thủ chính của lãnh tụ Stalin).

Chú thích ảnh

Leon Trotsky (trái) và con trai Lev Sedov.

Tình báo Xô viết biết rằng, trên đường trốn chạy khỏi Tổ quốc, Trotsky đã mang theo một lượng lớn hồ sơ gồm những thư tín và các tài liệu quan trọng mà Stalin muốn tiêu hủy. Dưới sự chỉ huy của Serebryansky, nhóm điệp viên đã đánh cắp và tuồn được một phần số tư liệu này về Moscow.

Sứ mạng tiếp theo là bắt cóc chính Lev Sedov. Sedov khi đó đang chuẩn bị phát biểu tại Đại hội của Quốc tế Cộng sản, và chính quyền Liên Xô e ngại hắn ta sẽ kêu gọi hoạt động lật đổ, thậm chí thực hiện tiếm quyền. Kế hoạch bắt cóc đã sẵn sàng thì Sedov lại bất ngờ đột tử.

Huyền thoại "James Bond Liên Xô"

Trong cuốn sách “Những điệp viên huyền thoại”, tác giả Nikolai Dolgopolov dẫn lời con trai Anatoly của điệp viên Serebryansky nói như sau: “Cha tôi được tin là đã hoạt động rất gọn ghẽ, không dấu vết, nên đến gần đây, ở cả Nga và nước ngoài đều không có thông tin chính xác nào về ông”.

Theo baotintuc.vn

Những sự kiện quốc tế lớn ghi dấu ấn trong năm 2020

Những sự kiện quốc tế lớn ghi dấu ấn trong năm 2020

Từ đại dịch chết người do virus corona gây ra tới một phong trào toàn cầu vì công bằng chủng tộc, năm 2020 đang trôi qua với những sự kiện thay đổi thế giới.

Ông Trump bắt đầu chuyển giao, ông Biden được hưởng đặc quyền gì?

Ông Trump bắt đầu chuyển giao, ông Biden được hưởng đặc quyền gì?

Chính quyền liên bang Mỹ sẽ bắt đầu làm việc với nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) chính thức công nhận ông thắng cử.