- Lần thứ hai trở lại VN trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry lần đầu tiên có cuộc đối thoại cởi mở với đại diện thanh niên VN. Ông đã có những chia sẻ rất thú vị về dự án ĐH Fulbright VN mà ông đóng vai trò người bảo trợ chính.
Buổi giao lưu được báo VietNamNet truyền hình trực
tiếp từ hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, với sự tham dự của 100 sinh viên ưu tú.
Tuy vẫn phải chống nạng đi lại, nhưng ông John Kerry xuất hiện với phong thái
nhanh nhẹn và thần sắc thoải mái như vốn có. Ông giơ tay chào các khán giả và
nói rành rọt bằng tiếng Việt “Cảm ơn các bạn rất nhiều”, rồi sau đó hỏi vui “Bạn
có thấy ấn tượng không?”.
Vị chính khách Mỹ kỳ cựu, người đóng vai trò trụ cột trong tiến trình hòa giải
và phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tỏ ra đặc biệt hào hứng khi lần đầu tiên
được tham gia đối thoại với thế hệ trẻ của VN. Ông chia sẻ kỷ niệm lần đầu trở
lại VN khoảng 20-30 năm trước khi còn là một thượng nghị sĩ, khi đó “hầu hết mọi
người ở đây đi lại bằng xe đạp. Nhiều người còn e ngại nói chuyện với người lạ
bởi hình như hồi đó có luật cấm như vậy. Đó là một Việt Nam rất, rất khác. Còn
ngày nay, các bạn có những lựa chọn không thể tin nổi”.
|
Ngoại trưởng John Kerry hào hứng với câu hỏi của môt bạn trẻ. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Tài sản vô giá của VN
Ngoại trưởng Mỹ đã dành phần lớn thời gian để nói về dự án Đại học Fulbright Việt Nam
(FUV), một dự án mà ông là người bảo trợ nhiệt thành. Ông gọi dự án này là một
“hành trình phi thường” và khẳng định sẽ “làm tất cả trong khả năng có thể để
giúp biến điều này thành hiện thực”.
“Đại học Fulbright sẽ là một tài sản vô giá của Việt Nam, bởi với nền tảng tự do
học thuật, với nguồn năng lượng dồi dào và sự kết nối chặt chẽ với Đại học
Harvard, cũng như tất cả những gì mà Đại học này sẽ đem đến, FUV sẽ là một tài
sản lớn lao để đất nước này đưa trình độ giáo dục tiến lên một tầm cao mới”, ông
John Kerry bày tỏ.
Bà Đàm Bích Thủy, thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ tín thác Sáng kiến Đại học
Việt Nam, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright cho biết, cấu trúc của ĐH Fulbright ban
đầu sẽ bao gồm 3 trường thành viên. Trường Quản lý và Chính sách công sẽ cung
cấp các chương trình đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực như chính sách công,
MBA, luật, hay nghiên cứu môi trường cũng như tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực
đào tạo khác song song với tiến trình phát triển của trường. Trường Kỹ thuật và
Khoa học ứng dụng sẽ cung cấp các khoá đào tạo cử nhân và sau đại học trong các
ngành như kỹ thuật điện, kỹ thuật máy móc, khoa học máy tính, hay công nghệ sinh
học… Tất cả những ngành nghề này đang được nhiều trường ở phương Tây xây dựng và
phát triển dưới cái tên SEAS.
Trường cuối cùng, mà bà Thủy cho rằng là biểu tượng của cái gọi là tiêu chuẩn
vàng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Đó là trường Fulbright College, nơi sẽ giảng
dạy các ngành khoa học xã hội, nhân văn, thậm chí các môn nghệ thuật tự do
(liberal arts) như mô hình đại học Mỹ.
Bà Thủy hi vọng, với việc đồng thời xây dựng cả ba trường này, ĐH Fulbright có
thể hiện thực hóa tâm nguyện của TNS Fulbright mà ngôi trường mang tên rằng
chương trình “sẽ mang đến một chút tri thức, một chút lý trí và một chút lòng
trắc ẩn để tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm việc và thành công”.
VietNamNet lược ghi phần đối thoại trong cuộc giao lưu này.
|
Bà Đàm Bích Thủy, Ngoại trưởng John Kerry và Đại sứ Ted Osius tại cuộc giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Không thể tìm thấy sự thật qua sự áp đặt
- Ngài Ngoại trưởng sẽ làm thế nào để đảm bảo rằng tự do học thuật, một tiêu
chí vốn nổi trội trong các trường đại học Mỹ sẽ tồn tại được ở Đại học Fulbright
Việt Nam? Xin cảm ơn ngài!
Ngoại trưởng John Kerry: Chà, một câu hỏi rất hay. Và câu trả lời là
tự do học thuật là một điều kiện tiên quyết, căn bản, một nguyên tắc nền tảng
của trường ĐH Fulbright. Bởi vì trường Fulbright sẽ không thể hiện thực hoá tầm
nhìn mà họ đã đặt ra trừ phi có đầy đủ tự do học thuật.
Chúng tôi không chỉ quan tâm tới việc đào tạo con người, trong việc học gì và tư
duy cái gì mà còn là học như thế nào và tư duy ra sao. Và điều đó chỉ có thể đến
với sự trao đổi đầy đủ về ý tưởng như bà Chủ tịch FUV vừa nói, đó là tiêu chuẩn
vàng đối với các môn nghệ thuật tự do, nghiên cứu xã hội, lịch sử, vv.vv
Để làm được điều đó đòi hỏi một sự tự do, chứ không phải là một sự áp đặt– bạn
không thể có cách tiếp cận nhồi sọ được. Đó phải là một điều gì đó mà bạn có thể
tự nghĩ đến, tự đặt câu hỏi và tự khám phá. Các môn khoa học xã hội, như lịch sử
chẳng hạn, có thể có nhiều cách diễn giải khác nhau. Nếu bạn không được tự do
suy nghĩ, lựa chọn và quyết định điều gì là sự thật, cái gì là hư cấu, cái gì
đúng, cái gì sai, bạn sẽ không bao giờ thực sự tìm thấy sự thật đích thực.
Phẩm chất đặc biệt của sinh viên VN
- Từ góc nhìn của ngài, sức mạnh nội tại hay phẩm chất nào khiến cho sinh
viên Việt Nam trở nên khác biệt so với bạn đồng môn ở Mỹ và các nước khác? Xin
cảm ơn ngài!
Ngoại trưởng John Kerry: Tôi phải thú thực với các bạn rằng tôi thực sự
không hiểu đủ sâu về sinh viên VN để có thể trả lời câu hỏi này. Tôi chắc là bà
Thuỷ sẽ có thể trả lời câu hỏi này tốt hơn tôi.
Những gì tôi biết có lẽ là điểm chung của mọi sinh viên ở mọi nơi tôi đến. Khi
tôi ở Malaysia, khi tôi ở Singapore, tôi đã nói chuyện với các bạn trường Đại
học Quản lý ở đó.
Tất cả mọi người đều muốn có cơ hội để tự đưa ra quyết định riêng của mình về
việc họ sẽ muốn đầu tư tiền bạc của mình như thế nào, hay là nơi nào họ muốn tập
trung những nỗ lực công việc của mình, nơi nào họ muốn tập trung năng lực sáng
tạo.
Và tôi nhìn thấy một sự khát khao tri thức cháy bỏng. Tôi không tìm thấy sự khác
biệt đáng kể nào về ham muốn học hỏi kiến thức, tìm kiếm cơ hội và khả năng để
biến một ý tưởng trong đầu các bạn thành một điều thực tế mà bạn có thể đem đến
cho người khác – bất kể đó là sáng tạo ra một sản phẩm hay giúp người khác khoẻ
mạnh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Tôi nghĩ đó là điểm chung phổ biến nhưng có thể bạn sẽ tìm thấy những khác biệt
mà tôi không thấy.
Bà Đàm Bích Thủy: Tôi muốn chia sẻ với các bạn một chiêm nghiệm của cá
nhân tôi khi còn là một sinh viên du học ở Mỹ vào thời điểm mà sự hiểu biết giữa
hai quốc gia còn rất ít.
Và đây là những điều mà tôi luôn cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Tôi nghĩ các
bạn sinh viên trẻ ngày nay khi khát khao học hỏi những kiến thức phương Tây cũng
đừng quên những phẩm chất nội tại mà người VN có thể mang đến cho nơi làm việc
hay trường đại học mà các bạn theo học.
Tôi thấy rằng nếu so về mức độ, có lẽ không chỉ người VN có khát khao tìm kiếm
tri thức. Nhưng đôi khi chúng ta học quá lâu, sưu tập hết bằng cấp này đến bằng
cấp khác.
Điểm thứ hai là người VN có năng lực chịu đựng và kiên nhẫn rất tốt. Và chỉ với
mức độ kiên nhẫn và chịu đựng đó, tôi nghĩ chúng ta đã là một nhân viên được
chào đón ở bất kỳ công ty hay cơ quan nào. Đừng đánh mất sự trung thành đó. Hãy
tin tôi đi. Trong một thế giới mà có rất nhiều người luôn nói về việc nhảy từ
chỗ làm này sang chỗ làm kia, thì có một giá trị sẽ không bao giờ bị mất giá, đó
là sự trung thành.
Và vì thế, đây là những phẩm chất mà nếu chúng ta gìn giữ nó, và nó tồn tại
trong bầu huyết quản của chúng ta, ở ngay đây, trong đầu óc của chúng ta, và nếu
chúng ta gìn giữ được niềm tin cốt lõi này thì tôi tin rằng bạn sẽ luôn được
trân trọng và thành công.
Ngoại trưởng Kerry: Một quan sát rất sâu sắc!
ĐH Fulbright không chỉ dành cho người giàu!
- Để được nhận vào trường ĐH Fulbright thì sinh viên cần có những tố chất gì
và đâu là những điểm nổi trội của trường Fulbright so với các cơ sở giáo dục
khác, đặc biệt là các trường quốc tế?
Bà Đàm Bích Thủy: Hãy để tôi trả lời câu hỏi thứ hai trước. Như người bạn
lâu năm và người thầy của tôi, Tommy Vallely thường hay nói, trường Đại học
Fulbright được thành lập để VN có thể so sánh bản thân mình với các cơ sở giáo
dục đào tạo trong khu vực và trên thế giới.
Chúng tôi đang cố gắng để không mắc phải sai lầm mà chúng ta thường vấp phải
trong quá khứ là chúng ta chỉ hay so sánh chúng ta với chúng ta. Bởi vậy, cho
phép tôi không so sánh trường ĐH Fulbright với các cơ sở giáo dục hàn lâm hiện
tại ở VN bởi đó không phải là điều mà chúng tôi đang nỗ lực hướng tới.
Và điều này dẫn tôi trở lại câu hỏi thứ nhất của bạn. Đâu là những điểm tích cực
mà ĐH Fulbright có thể mang lại? Tôi nghĩ điều đầu tiên chúng tôi muốn nói rằng
ĐH Fulbright sẽ vận hành trên nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ ngài Ngoại trưởng
đã giải thích trước đó. Đây là một trường đại học phi lợi nhuận.
Điểm thứ hai, trường sẽ hoạt động dựa trên sự trung thực, minh bạch và trách
nhiệm giải trình đầy đủ. Cách mà chúng tôi giảng dạy sẽ theo mô hình gợi mở, đặt
trọng tâm vào tương tác với giáo sư. Giáo sư sẽ không phải là người áp đặt mà
ông ta chỉ mở cửa kiến thức, để bạn đến đó và bạn tự khám phá.
Vậy để làm được điều đó, một trong những điều mà tôi đã chia sẻ với các bạn
trước khi chúng ta bắt đầu cuộc giao lưu này, rằng chúng tôi nỗ lực để trường
Fulbright sẽ không chỉ dành cho người giàu. ĐH Fulbright nên rộng mở cho mọi
giai tầng trong xã hội VN.
Bạn hỏi rằng bạn cần làm gì để đươc nhận vào trường đại học. Chúng tôi chỉ cần
bạn có khát khao học tập, có năng lực học tập và có cam kết nghiêm túc với điều
đó. Rất nhiều bạn ở đây đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ, và tôi
không nghĩ rằng tiêu chuẩn của chúng tôi sẽ có gì khác biệt so với những điều mà
các bạn đã thấy. Và đó là những gì mà theo quan điểm cá nhân tôi – sẽ là cách
tốt hơn cả để FUV trở thành một trường đại học dành cho tất cả mọi người.
Ngoại trưởng Kerry: Rất hay. Sáng nay tôi đã nói chuyện với Chủ tịch nước
của các bạn về việc trao học bổng để giúp mọi sinh viên có thể theo học trường
này.
- Liệu ĐH Fulbright có các khóa đào tạo bác sĩ hay không? Bởi vì điều này sẽ
chạm đến sâu xa trong tâm thức người VN và sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, bởi vì
ở VN, chúng tôi có những bác sĩ tuyệt vời nhưng hệ thống y tế vẫn còn cách xa so
với ở Mỹ và châu Âu.
Ngoại trưởng Kerry: Tôi không nghi ngờ rằng bất kỳ sinh viên sau đại học
nào của trường ĐH Fubright VN đều có thể lựa chọn trở thành bác sĩ và đủ năng
lực để làm điều đó. Và tôi nghĩ tôi sẽ để bà Chủ tịch, một lần nữa, quyết định
điều đó sẽ diễn ra như thế nào (cười).
Bà Đàm Bích Thủy: Thật tuyệt là bạn đã hỏi câu này bởi vì đó đích xác là
một trong những vấn đề mà nhóm dự án chúng tôi đã thảo luận nội bộ khá nhiều về
việc khi nào chúng tôi có thể ra mắt trường y trong FUV.
Chúng tôi tin rằng, như bạn đã nói đấy, các bác sĩ VN không tệ. Họ được đào tạo
tốt để thực hành những kỹ năng cơ bản ở bệnh viện. Vấn đề với hệ thống y tế ở VN
là chính sách y tế, điều mà chúng tôi hi vọng rằng với trường Chính sách công và
Quản lý Fulbright, chúng tôi sẽ có thể giới thiệu mảng đào tạo về chính sách y
tế. Đấy sẽ là bước đi đầu tiên.
Trong tương lai, chúng tôi đã có kế hoạch cho điều đó. Một vài, có lẽ là 5
trường y tốt nhất ở Mỹ đã bày tỏ quan tâm muốn hợp tác cùng chúng tôi. Nhưng,
với tư cách là một người VN, như anh bạn Tommy luôn than phiền rằng tôi quá thận
trọng về mọi việc, chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có đủ nguồn lực
tài chính và con người để tạo dựng nên trường y tốt nhất trước khi chúng tôi đến
nói với các bạn rằng, ok, trong vòng hai năm tới, chúng tôi sẽ có trường y.
Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng chính sách y tế - điều mà chúng ta phải làm để cải
thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở VN – sẽ là một trong những chủ đề của chương
trình chính sách công.
Ngoại trưởng Kerry: Và tôi sẽ giả định rằng, thưa bà Chủ tịch, rằng bất
kỳ sinh viên nào tốt nghiệp từ một chương trình trước đó của ĐH Fulbright, chẳng
hạn như ngành khoa học, kỹ sư, sinh học, vân vân, sẽ hoàn toàn có đủ năng lực để
được nhận vào chương trình đào tạo y khoa?
Bà Đàm Bích Thủy: Vâng, đúng thế!
Mọi ý tưởng phải được kiểm nghiệm thông qua tranh luận
- Đúng là ở VN chúng tôi được dạy để trở thành những người học khá thụ động.
ĐH Fulbright có thể làm gì để thay đổi thực tế này?
Ngoại trưởng Kerry: Ồ, tôi nghĩ là một lần nữa thì bà Chủ tịch FUV đây đã
đề cập đến hình thức giảng dạy vốn đóng vai trò cốt yếu ở FUV.
Bạn đã đề cập đến tính thụ động trong tiến trình học tập. Thực ra thì ở nhiều
nơi trên thế giới, không riêng gì VN – việc giảng dạy được nhìn nhận theo cách
mà giáo viên bảo học sinh phải làm như thế nào, và họ phải ghi nhớ những gì họ
được dạy. Rồi sau đó, họ có thể nhắc đi nhắc lại như con vẹt những gì họ được
dạy. Đó được cho là học. Nhưng thực sự đó không phải là cách học.
Tôi đã vào học một trường rất tốt ở Mỹ, trường Yale và tôi đã học cật lực. Nhưng
thú thực tôi đã không hoàn toàn học được cách tư duy như thế nào, cho đến tận
khi tôi vào trường luật và theo học một dạng Xocrat – những trao đổi ý kiến,
thảo luận sống động. Có lẽ tôi đã mắc sai lầm khi không cố gắng học tập theo
kiểu như thế vào thời kì đầu.
Tôi nghĩ rằng điều mà trường Fulbright đang nỗ lực là bắt đầu với nguyên tắc tư
duy phản biện. Và như bà Chủ tịch vừa nói cách đây ít phút, giáo sư ở đó để khơi
gợi tranh luận chứ không phải dẫn dắt chúng, hay đóng chúng lại, hay là bảo bạn
những cuộc tranh luận này hạn chế ra làm sao. Đây mới thực sự là điều khác biệt.
Bạn cần phải kiểm nghiệm mọi ý tưởng.
Và không phải chỉ vì ai đó nói điều này hay điều kia mà chính bạn phải muốn tự
mình kiểm chứng xem điều gì là đúng, hay là bằng cách nào mà bạn đi đến ý tưởng
đó, tại sao bạn lại kết luận như vậy, và có thể chính bạn sẽ đi đến một kết luận
khác hẳn. Tôi nghĩ đó mới thực sự là cách để bạn phá vỡ mọi rào cản. Đó là cách
để bạn tìm thấy những ý tưởng và tư duy mới mẻ.
Và đối với VN – nếu bạn nghĩ về VN, những tiến bộ mà VN đã đạt được trong 20 năm
qua thật là thần kỳ. Những gì mà đất nước này đã đạt được – Tôi biết tất cả các
bạn đều rất tự hào và các bạn nên tự hào về điều đó. Đó là một hành trình đáng
kinh ngạc.
Nhưng 20 năm tới sẽ được định hình bởi những kết quả còn lớn lao hơn nữa và bởi
nhiều người có cơ hội được tham gia vào tiến trình kiến thiết ấy.
Và tôi nghĩ bà chủ tịch đã tìm ra câu trả lời không thể đúng hơn khi bà ấy định
nghĩa về tầm quan trọng của nguyên tắc mới (của ĐH Fulbright) rằng chúng ta đang
hình dung về các viễn cảnh giáo dục ở VN không phải để so sánh với những gì mà
các bạn đã có, mà để soi mình với phần còn lại của thế giới, hoặc thậm chí với
sự tưởng tượng của riêng các bạn về nền giáo dục mà các bạn mong muốn.
Và đó là một cuộc kiểm tra rất khác. Tôi nghĩ các bạn sẽ đạt đến đích đó. Bạn sẽ
thực sự mở ra những khả năng hoàn toàn mới. Bà Thủy có muốn bổ sung thêm gì
không?
|
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sự dũng cảm về trí tuệ
Bà Đàm Bích Thủy: Vâng, tôi chỉ muốn nói thêm hai điều. Chúng ta đã nói
rất nhiều về lòng dũng cảm. Sự dũng cảm về thể chất – chẳng hạn bạn chạy
marathon hay nhảy qua lửa, tôi nghĩ rất đáng giá. Những tôi tin rằng sự dũng cảm
về trí tuệ đòi hỏi lòng dũng cảm lớn hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng giáo dục Mỹ đích
thực là một mô hình được thiết kế theo hướng đó. Nói cách khác, theo quan điểm
cá nhân tôi, nó được thiết kế để tất cả chúng ta có được sự dũng cảm đó mà bình
thường chúng ta không có.
Và điều thứ hai mà tôi muốn nói là sẽ không có câu trả lời đúng hay sai trong
lớp học. Sẽ chỉ có các câu trả lời khác nhau. Câu trả lời đúng với bạn sẽ sai
đối với người khác và ngược lại. Chỉ có chính bản thân chúng ta, vào cuối ngày,
sau khi rời lớp học về nhà, chúng ta suy nghĩ lại và tự quyết định cách này hay
cách kia. Nếu bạn tin vào điều đó, đó sẽ là quyết định đúng đối với bạn. Không
ai có thể áp đặt sự đúng sai, trừ phi bạn đang học trong lớp toán (cười).
Người VN sẵn nền tảng để khởi nghiệp thành công
- Liệu ĐH Fulbright sẽ có thể đóng vai trò như Stanford đã làm đối với Thung
lũng Silicon trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở VN hay không? Bởi
vì chúng ta đều thấy khoảng cách giữa chất lượng của sinh viên mới tốt nghiệp và
chất lượng của những người có thể khởi sự kinh doanh. Và nếu câu trả lời là có –
thì vẫn còn nhiều yếu tố khác cần phải bàn đến để thúc đẩy môi trường khởi
nghiệp ở VN. Điều đó không chỉ là về giáo dục. Đó còn là những thứ như nhà đầu
tư, như sự ủng hộ, chẳng hạn. Và ngài có nghĩ rằng Mỹ có thể làm nhiều hơn là sự
hỗ trợ giáo dục để tạo dựng môi trường khởi nghiệp ở VN hay không?
Ngoại trưởng Kerry: Chắc chắn rồi. Một câu hỏi rất tuyệt vời và rất phức
tạp theo nhiều cách.
Hãy xem, liệu trường ĐH Fulbright có thể đóng vai trò như Stanford? Điều đó
không thể đến ngay một sớm một chiều. Nhưng theo thời gian họ sẽ làm được điều
đó. Chắc chắn, ĐH Fulbright có thể bắt đầu ngay từ bây giờ để hướng tới điều đó.
Và tôi nghĩ rằng ngay bây giờ đây, đang có hàng tỷ USD trên thế giới đang tìm
nơi thích hợp để đầu tư. Các nhà đầu tư – nhìn chung, họ sẽ tìm kiếm nhiều điều
mà các bạn đang có sẵn ở VN.
Bà Thủy đã đề cập đến – rằng các bạn có khả năng chịu đựng và lòng trung thành.
Phẩm chất đó tồn tại trong huyết quản của các bạn, như bà ấy đã nói – tính kỉ
luật, sự sẵn lòng làm việc chăm chỉ, một ý chí kiên nhẫn ghê gớm để làm việc và
để đạt được mục tiêu.
Và tôi thấy rằng đó là yếu tố chủ chốt để bạn có thể khởi nghiệp. Các bạn còn
thông minh nữa. VN chắc chắn là một nơi quan trọng để bắt đầu kinh doanh. Các
bạn có sức mạnh trí óc.
Vì vậy, nếu bạn áp dụng những điều này, tiền sẽ đến, như nó luôn vậy. Chắc chắn
sẽ có lượng tiền đầu tư khổng lồ tìm đến VN vì những điều trên.
Và đó là lý do tại sao tôi tin rằng các bạn đã có sẵn nền tảng để thành công ở
VN, bởi vì khi tiền đầu tư chảy vào và khi bạn sản xuất kinh doanh, sẽ ngày càng
có nhiều người có tinh thần doanh nhân và tham gia tích cực hơn vào lối tư duy
phản biện, rồi bạn sẽ tìm thấy cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa tiền bạc và ý tưởng và
những con người đang ở đó để biến nó thành hiện thực.
Đấy mới thực sự làm nên điều khác biệt. Và tôi thấy các bạn đang có nguồn năng
lượng cơ bản và sự hứng khởi rất đáng khích lệ và sẽ thu hút sự chú ý của mọi
người.
Vì vậy, đối với tôi, điều này gần như là tự nhiên sẽ đến vậy. Nhưng các bạn xứng
đáng có được trường đại học này như chúng ta đã định nghĩa về nó trong cuộc thảo
luận hôm nay và trong các cuộc thảo luận chúng tôi đang có với chính phủ các bạn.
|
Ông John Kerry bắt tay Tổng Biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn. Ông cảm ơn VietNamNet đã truyền hình trực tiếp cuộc đối thoại đặc biệt của ông với giới trẻ VN. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trường ĐH Fulbright sẽ là bước tạo đà mạnh mẽ để từ đó dẫn đến sự ra đời của nhiều thiết chế giáo dục tương tự. Và cuối cùng trong vòng 50, 60, hay 100 năm tới, giúp hiện thực hóa giấc mơ của các bạn để có thể ứng dụng những gì được học vào các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh.
Dĩ nhiên, sẽ luôn luôn có các thách thức khác. Hãy xem, chính phủ phải ra quyết
định đúng. Các bạn cần hạ tầng. Các bạn cần có sân bay tốt để có thể vận chuyển
hàng hóa từ sân bay đến phần còn lại của thế giới. Ý tôi là, tất cả - có nhiều
yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến điều đó.
Nhưng để bắt đầu, bạn cần phải có các ý tưởng, bạn phải có khả năng để thực hiện
chúng, biến chúng thành hiện thực. Và tôi tin rằng các bạn đang có điều đó ở đây.
Bởi thế, tôi rất hào hứng về triển vọng của ĐH Fulbright. Tôi tin rằng nó sẽ là
một phần trong cuộc thay đổi mang tính cải biến trong 20 năm tới.