- Các vị đại sứ, nhà ngoại giao góp phần đưa Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và phát triển như hai đối tác trong 20 năm qua, hôm nay gặp lại nhau trong căn phòng nhỏ nơi chứng kiến lịch sử của tiến trình này.
Hội thảo song phương "Việt Nam - Hoa Kỳ: Thêm 20 năm thành công nữa", sự kiện mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm kéo dài suốt năm nay nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương, được tổ chức tại nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, Hà Nội.
"Hà Nội không thiếu những phòng họp lớn ở những khách sạn sang trọng, nhưng căn phòng nhỏ này mang ý nghĩa lịch sử mà những người ngồi đây hôm nay đều hiểu. Tại đây, trong các cuộc đàm phán, hai bên vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong 20 năm qua, để hiểu nhau hơn, chia sẻ và quan tâm nhiều hơn, vì một mục đích chung", Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nói.
Hội thảo "Việt Nam - Hoa Kỳ: Thêm 20 năm thành công nữa". Ảnh: Chung Hoàng |
Mỹ muốn trở thành nhà đầu tư số 1 ở VN
Có mặt tại hội thảo là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng, những người kế nhiệm họ, Đại sứ Michael Michalak, Đại sứ Lê Công Phụng và Nguyễn Quốc Cường. Cùng với họ là những người đã góp sức cho quan hệ Việt - Mỹ trong 20 năm qua: nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương, hai nhà ngoại giao nữ kỳ cựu Phạm Chi Lan và Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ Virginia Foote...
Nhưng không chỉ họ mà còn hàng triệu người khác đã nỗ lực cho quan hệ hai nước, không chỉ trong 20 năm qua, mà từ rất lâu trước đó, ông Đặng Đình Quý nhấn mạnh.
Sau 20 năm, đương kim Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius nhận định, quan hệ hai nước đã đa dạng hơn rất nhiều so với thời điểm bình thường hóa. "Chính phủ VN tiếp tục chiến lược hội nhập, mở ra rất nhiều cơ hội kinh tế và ngoại giao, đất nước VN đã thịnh vượng hơn nhiều, người dân đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn. VN đã tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, đồng thời duy trì quan hệ hữu hảo với TQ và Nga", ông Ted Osius nói.
Đại sứ Mỹ muốn có một cuộc hội thảo tham vọng, không chỉ thảo luận quan hệ song phương, triển vọng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước, trường ĐH Fulbright, đẩy mạnh quan hệ chính trị - an ninh sau Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011...
Các thế hệ đại sứ Việt - Mỹ tại hội thảo hôm nay. Từ trái sang: đương kim ĐS Mỹ Ted Osius, nguyên ĐS VN Lê Công Phụng, nguyên ĐS Mỹ Pete Peterson, nguyên ĐS VN Lê Văn Bàng, nguyên ĐS Mỹ Michael Michalak. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại VN |
"Làm thế nào để Mỹ, hiện là nhà đầu tư số 1 ở Đông Nam Á, trở thành nhà đầu tư số 1 ở VN", ông Ted Osius nói. "Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: chúng tôi muốn giúp VN trở thành một quốc gia hùng mạnh trên vùng Đông Nam Á, dựa trên pháp luật và nhân quyền".
Còn nhiều dư địa cho quan hệ hai nước
Có bài phát biểu chủ chốt tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhắc "cơ hội bị bỏ lỡ" khi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ nguyện vọng hợp tác.
"Không may, lịch sử đã không đi theo hướng đó, quan hệ hai nước đã đi qua một chặng đường dài và gian khó. Phải mất đến 70 năm để mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hóa thành 'quan hệ đối tác toàn diện' hôm nay. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng nắm bắt cơ hội, xây dựng lòng tin và thúc đẩy liên kết dựa trên những lợi ích chung, là những nguyên tắc quan trọng để hóa giải khác biệt, phát triển quan hệ", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai nước đã thành công trong việc chuyển từ kẻ thù thành bạn, rồi thành đối tác toàn diện, ông Hà Kim Ngọc dẫn chứng bằng 4 tuyên bố chung Việt - Mỹ (2005, 2007, 2008, 2013) trong đó khẳng định quan điểm chung về hợp tác tích cực và toàn diện, dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và lợi ích chung.
"Tuyên bố chung năm 2013 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, nhấn mạnh các nguyên tắc độc lập, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và tạo cơ chế cho hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, giải quyết hậu quả chiến tranh, thúc đẩy hợp tác nhân quyền", Thứ trưởng Ngoại giao nói.
Ông Hà Kim Ngọc cũng cho rằng cam kết kết thúc đàm phán TPP trong năm nay thể hiện mong muốn mạnh mẽ của hai bên về một quan hệ ổn định và chín muồi hơn, một quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả và có tầm quan trọng chiến lược, một quan hệ đáng tin cậy và bền vững.
"Quan hệ đối tác giờ đây đủ chín muồi để đi xa hơn khung song phương, đi vào hợp tác khu vực và toàn cầu, từ đó tạo nên thế kiềng 3 chân. VN đóng vai trò tích cực hơn trên toàn cầu trong 20 năm tới, chia sẻ trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng quốc tế và khu vực trong duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực, giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và kiềm chế sử dụng vũ lực", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Việt Nam hoan nghênh Mỹ đóng vai trò lớn hơn, tham gia sâu sắc hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, bảo vệ và thực thi luật pháp quốc tế...
"Với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước", Thứ trưởng Ngoại giao nói.
Chung Hoàng