Chiều 19/10, xe cứu thương đã đưa toàn bộ thi thể các cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp ở Sư đoàn 337 về Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TP Đông Hà, Quảng Trị).

Đứng trước đường Trường Chinh đợi, nhiều thân nhân không cầm nổi nước mắt khóc thành tiếng.

“Ai sẽ quan tâm mẹ đây Linh ơi..!”

Ngồi bệt bên góc đường chờ tin con, hai dòng lệ bà Lương Thị Lý (tỉnh Quảng Trị) mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh (SN 1995) chảy dài.

Nấc nghẹn, bà Lý kể, anh Linh là con thứ 3 trong gia đình bốn anh em. Khoảng 21h tối 17/10 cách vài tiếng xảy ra sự việc, ở Quảng Trị mưa lớn, Linh gọi điện thoại về nói chuyện với bà hơn 1h.

{keywords}
Bà Lý ôm người thân khóc trước mất mát quá lớn

“Cu Linh nó nói chuyện với tui xong nhờ chuyển máy gặp hết những người còn lại trong nhà dặn dò đủ thứ.

Nói chuyện với mọi người xong con bảo tôi cho con đi ngủ, sợ con lạnh tôi nhắc con mặc áo vào. Lúc chuẩn bị tắt máy, nó còn nói mẹ ơi, mưa gió đừng cho em gái ra đường. Trời ơi tôi không ngờ đó là lần cuối thằng Linh nó gọi về với tôi..”, bà Lý òa khóc.

Anh Linh đi lính nghĩa vụ đã hơn 8 tháng. Nhiều lần gọi điện về gia đình, Linh chia sẻ dự định rằng sau khi xong nghĩa vụ, sẽ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc kiếm ít vốn rồi về lấy vợ. Thế nhưng, mọi dự định đã tan biến hết với chàng trai 25 tuổi.

“Linh nó hay lo việc gia đình lắm. Về nhà thấy mẹ đau, con bảo mẹ ơi cố gắng ăn, uống thuốc, đi khám. Vậy mà hôm nay tôi nhận tin sét đánh. Từ ni về sau ai quan tâm mẹ đây, Linh ơi”, bà Lý ngã quỵ bên người thân.

Dự định tan biến

Con đường dẫn đến nhà thi đấu bám đầy đất đỏ khi mỗi chiếc xe cứu thương chạy vào, thấy xe người nhà các chiến sĩ bị nạn lại òa khóc.

{keywords}
Chứng kiến hình ảnh đau lòng nhiều người không cầm được nước mắt

Ngồi thẫn thờ, ông Lê Xuân Động (75 tuổi, trú tỉnh Nghệ An), cha của trung úy Lê Cao Cường cho hay, sáng sớm ngày 18/10, ông nhận được thông báo ngắn gọn từ cán bộ Quân khu 4 con trai ông gặp tai nạn tại đơn vị.

“Tôi cứ nghĩ con mình bị gãy tay, gãy chân gì đó thôi. Nào ngờ con tôi tử nạn sau vụ sạt lở kinh hoàng thế này”, ông Động nhớ lại.

Khi hay tin, ông không dám nghĩ sẽ như cảnh tượng ở thủy điện Rào Trăng 3. Tức tốc, ông Đông trấn an người nhà bắt xe vào Quảng Trị với con trai.

“Vợ tôi như chết lặng sau khi nghe tin dữ. Từ quê vào đây xe chở chúng tôi phải đi vòng nhiều đoạn đường để tránh lũ lụt. Dọc đường đi, vợ tôi khóc cạn nước mắt. Nén đau, tôi động viên bà ấy rồi vội ngoái đầu lui phía sau gạt nước mắt”, ông Động nghẹn ngào.

{keywords}
Chiều nay tất cả thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn ở Sư đoàn 337 được đưa về Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao

Ông Đông kể, anh Cường lập gia đình có 2 con nhỏ. Tối ngày 17/10, anh gọi về nhà trò chuyện cùng vợ nói đơn vị chuẩn bị lên đường đi ứng phó lũ lụt, cứu hộ người dân tại huyện Hướng Hóa.

“Thằng Cường còn nói giữa tháng 11 sẽ được nghỉ phép, lúc đó đưa cả nhà về quê thăm tôi. Rằm tháng 7 vừa qua nó đưa vợ con về thăm nhà cho cha mẹ tiền dựng lại chuồng gà đã sập. Tôi còn nhớ mãi dáng nó đứng quét sân và luôn miệng nói khi có tiền sẽ sửa sang, lợp mới lại mái nhà đã cũ của gia đình.

Giờ đây, chỉ sau một đêm 2 đứa trẻ học lớp 1 và lớp 5 đã mồ côi cha. Hai cháu tôi còn quá bé, tương lại tụi nhỏ sẽ cơ cực rồi. Còn gì đau lòng hơn khi người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh..”, ông Cường khóc nấc.

Rạng sáng 18/10, sạt lở đất đã xảy ra tại Sư đoàn 337 đóng tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Đất đã đá làm sập nhà và vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ.

Hồ Giáp

 

Vượt nước lũ cuồn cuộn chuyển gạo, mỳ tôm vào Rào Trăng 3

Vượt nước lũ cuồn cuộn chuyển gạo, mỳ tôm vào Rào Trăng 3

Công an tỉnh TT-Huế đã vận chuyển 500kg gạo, 200 thùng mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men vào thủy điện Rào Trăng 3 nơi 15 công nhân đang mất tích.