“Niềm vui của tôi là được giúp những người xa lạ…”

Anh Đào Văn Chính (38 tuổi, Hà Nội) biết mình mang nhóm máu hiếm O Rh- năm 2009, trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện tại cơ quan. Sau đó, anh Chính quyết định tham gia vào Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc và trở thành 1 thành viên hoạt động tích cực.

Trường hợp anh Chính nhớ nhất là vào năm 2018. Khoảng 4h sáng, anh Chính đang ngủ thì nhận được cuộc gọi: có 1 sản phụ trở dạ lúc nửa đêm, cần máu dự phòng gấp. Anh Chính ngay lập tức bật dậy, cùng những người bạn của mình trong CLB máu hiếm đến bệnh viện phụ sản để chờ sẵn, cho tới khi sản phụ an toàn ra khỏi phòng sinh. Sau đó, anh lại vội vã tới chỗ làm cho kịp giờ.

 

{keywords}
Anh Đào Văn Chính trong một lần tham gia hiến máu - Ảnh: Nhân vật cung cấp

9 năm nay, anh Chính đã có 20 lần hiến máu như vậy. Anh bảo, với người mang nhóm máu hiếm như anh, những lần tham gia hiến máu hầu hết đều là trường hợp cấp bách.

“Sau 84 ngày mới tiếp tục được hiến máu nếu cho máu toàn phần, cho tiểu cầu thì là 21 ngày. Chỉ cần đủ số ngày cho phép, đủ sức khỏe để hiếu máu, tôi nhất định sẽ tham gia nếu có người gọi”, anh Chính chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (28 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng là một trong những thành viên rất năng nổ của Câu lạc bộ Máu hiếm miền Bắc. Tham gia CLB từ khi còn là một cô sinh viên năm nhất, tới nay tròn 9 năm, số lần Hạnh tham gia hiến máu cũng ngót nghét gần 20.

Trước đây, mỗi khi có trường hợp khẩn cấp, Hạnh lại vội vã phóng xe máy từ Sóc Sơn lên các bệnh viện nội thành Hà Nội để cứu người, rồi lại đi xe về. Bây giờ, Hạnh chuyển về Vĩnh Phúc làm, quãng đường di chuyển về Hà Nội xa hơn, khoảng 40km. Thế nhưng, Hạnh vẫn không bớt nhiệt huyết nếu nhận được cuộc gọi của bệnh viện hoặc gia đình người cần máu.

“Thật ra nhiều khi mình cũng không biết chính xác bệnh nhân cần máu là ai, họ bị bệnh gì. Nhưng chỉ cần biết họ đã được cứu sống là mình vui rồi”, Hạnh bảo.

{keywords}
Thông báo kêu gọi hiến máu cứu người trên nhóm Facebook của Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc 

Những người cho đi nhưng không mong nhận lại

Trong Câu lạc bộ Máu hiếm miền Bắc, Cao Hải Anh (26 tuổi, Giao Thủy, Nam Định) cũng là cái tên nhiều người ấn tượng. Nơi ở cách Hà Nội hơn 120km, nhưng Hải Anh rất ít khi “bỏ lỡ” nếu có trường hợp cấp bách cần hiến máu cứu người.

 

{keywords}
Cao Hải Anh (thứ hai từ trái sang) nhận bằng khen của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vì hiến máu nhiều lần trong năm 2019 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mỗi lần có tin bệnh nhân cần giúp, chàng thanh niên 26 tuổi lại bắt xe đến bệnh viện các tỉnh, khi thì Hà Nội, lúc thì Hải Phòng. Nếu cuộc gọi đến không trùng giờ xe chạy, cậu phải bắt nhiều chuyến bus từ quê lên thành phố Nam Định, rồi từ Nam Định di chuyển đi các tỉnh mới kịp giờ tới với bệnh nhân.

“Mình nghĩ rằng giúp được ai đó là điều tốt nên không quan tâm sẽ được nhận lại những gì. Với mình cho đi là nhận lại, giúp họ mình cũng nhận lại niềm vui, vậy là được rồi”, Hải Anh bảo.

Một trong những trường hợp Hải Anh nuối tiếc nhất là ca tai nạn giao thông nghiêm trọng được chuyển từ Quảng Ninh về Viện Huyết học Truyền máu Trung ương gần đây.

“Hôm đó, mình biết tin bệnh viện cần huy động gấp 15 đơn vị máu để cứu bệnh nhân nên vội bắt xe lên. Nhưng lúc vừa tới cổng bệnh viện thì nghe tin bệnh nhân không qua khỏi. Mình thấy như bị ai đó kéo xuống vực vậy. Cảm giác hụt hẫng lắm”, Hải Anh bần thần nhớ lại.

Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc hiện có khoảng 1000 thành viên, trong đó có hơn 300 người  thường xuyên hoạt động. Các thành viên trong câu lạc bộ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Kạn,…

{keywords}
Hội nghị gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Khi có thông tin về trường hợp khẩn cấp mang nhóm máu hiếm cần giúp đỡ, các thành viên sẽ liên hệ với nhau qua nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện trực tiếp để kêu gọi hỗ trợ.

“Có những bạn xin giấu tên sau khi hiến máu vì không muốn bệnh nhân phải suy nghĩ đến chuyện trả ơn. Cũng có những người nhận được khen thưởng vì nhiều lần hiến máu cứu người nhưng lại từ chối nhận vì muốn dành giải thưởng ấy cho những bạn khác. Họ sẵn sàng cho đi nhưng không mong nhận lại”, chị Nguyễn Thị Hạnh, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Máu hiếm miền Bắc chia sẻ.

Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Những người thuộc nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người thuộc nhóm máu khác bởi khi họ cần phải truyền máu (do tai nạn gây mất máu, phẫu thuật cấp cứu,...) thì không phải lúc nào cơ sở y tế, bệnh viện nơi cấp cứu cũng có sẵn nhóm máu hiếm này.

Nguyễn Liên

Câu chuyện phía sau những bức tường loang lổ ở bệnh viện E

Câu chuyện phía sau những bức tường loang lổ ở bệnh viện E

 - Bức tường loang lổ với những dòng chữ lộn xộn, nguệch ngoạc là bao tâm tư, niềm hi vọng của những gia đình có người thân trong phòng mổ.