“Về nhà trồng cây mới”

Mặt trời ló qua đỉnh núi, chị Ngải Thị Dín (Bắc Hà, Lào Cai) quấn lại đôi xà cạp, gùi theo rựa, bay tay xúc đất… bước ra khỏi nhà. Người phụ nữ Mông lên nương, nhưng không phải gùi ngô về nhà mà ra ruộng cát cánh nhổ cỏ. Đầu thu, những dải hoa tím trải dọc sườn đồi tít tắp của xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Sang thu, hoa tàn, củ vùi trong đất lớn dần, chờ mùa đông cho thu hoạch.

Thung lũng nằm trên độ cao 1.500 mét sáu năm trước vẫn bạt ngàn ngô nương. Chồng chị Dín thi thoảng theo đàn ông trong bản vượt biên sang Trung Quốc chặt chuối, vác cây thuê. Cặp vợ chồng tuổi đôi mươi từng dắt díu nhau xuống Bắc Giang, sang Bắc Ninh làm công ty. Thu nhập của hai công nhân mỗi tháng chắt bóp dư 3-4 triệu gửi về nhà. Năm 2017, vợ chồng lại khăn gói về Bắc Hà khi nghe lời mẹ nhắn “về nhà trồng cây mới”.

Năm ấy ở Hà Nội, lãnh đạo Công ty Nam Dược bắt đầu khảo sát vùng trồng cát cánh - nguyên liệu một số sản phẩm chủ lực hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp của công ty.

Cát cánh dược liệu trở thành cây trồng chủ lực ở Bắc Hà với cách thức canh tác kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Nam Dược

Tâm huyết xây dựng vùng dược liệu chuẩn quốc tế 

TS. Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, trước năm 2016, khoảng 90% dược liệu cát cánh phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Song có hai điều mà ông lo ngại: xuất xứ vùng trồng và hàm lượng hoạt chất. 

TS. Châu chia sẻ, “Câu chuyện dược liệu nhìn hình dáng bên ngoài còn tươi nguyên nhưng khi nhập về Việt Nam thực chất chỉ là phần xác và bị rút bớt dược chất, không phải là chuyện xa lạ”. 

Từ đó, “cần chủ động vùng trồng, và trồng theo tiêu chuẩn quốc tế” trở thành quyết định chiến lược của công ty. Đây cũng là động lực để Nam Dược nỗ lực tự chủ vùng trồng cát cánh theo tiêu chuẩn GACP- WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo tiêu chuẩn của WHO), “Đúng với tôn chỉ sản phẩm Made in Nam Dược: Hiệu quả và an toàn cho người sử dụng” như ông Châu chia sẻ. 

Lãnh đạo Nam Dược mang hạt giống cát cánh được cung cấp từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đi khắp miền núi phía Bắc tìm vùng trồng thử nghiệm. Những hạt giống cát cánh đầu tiên gieo xuống cao nguyên Bắc Hà mùa xuân 2017. Diện tích ban đầu vài ha ở trung tâm huyện, nhưng cây còi cọc, ngập úng, héo dần. Nam Dược vẫn kiên trì đồng hành cùng địa phương thu mua cát cánh với giá cao và ổn định. Phía huyện tiếp tục đưa cát cánh lên vùng cao trên nghìn mét Tả Van Chư khí hậu mát mẻ, thì cây sinh trưởng nhanh, mới quyết định mở rộng mô hình.

Hiện, diện tích vùng trồng cây cát cánh dược liệu mở rộng với quy mô lớn gần 100ha. Ảnh: Nam Dược

Doanh nghiệp chủ động nguyên liệu, nông dân đổi đời

Với đồng bào nhiều đời trồng ngô, lúa, theo bà Nguyễn Thị Huê - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, để thay đổi tập tục canh tác rất khó, huống chi đưa loài cây mới về trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Từ lúc gieo hạt xuống tới khi thu hoạch, nhà nông cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật: không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích, can thiệp hóa học… để đảm bảo chất lượng, hàm lượng dược tính, hiệu quả của nguồn dược liệu.

Người Mông nhiều đời chỉ biết đi nương tra ngô, trồng lúa, giờ chuyển sang loài cây lạ nên e ngại, sợ không có đầu ra. Sau những cuộc vận động, nhiều gia đình cũng chịu theo, còn đứng sẵn trên cánh đồng đợi cán bộ “cầm tay chỉ việc”. Đội khuyến nông hăm hở cùng bà con từ mờ sáng đến tối mịt, trải nilon, lên luống, đục lỗ tra hạt, nhổ cỏ, tỉa cây…

Vụ thu hoạch đầu tiên, nhà chị Dín bốn người nhổ củ, đập sạch đất rồi chuyển lên đường lớn, chờ xe tải đánh tận chân ruộng thu mua. “30 triệu, bằng hai vụ ngô cộng lại”, người phụ nữ Mông nhớ về món tiền lớn đầu tiên được cầm trong đời. Sau mỗi mùa vụ, nhà Dín sắm sửa được xe máy, tủ lạnh, dựng chuồng trâu, xây nhà mới…

 Cát cánh đạt tiêu chuẩn GACP-WHO là nguồn dược liệu chủ lực để sản xuất siro ho cảm Ích Nhi, viên ngậm An Thanh, cao An Phế… Ảnh: Nam Dược

Mất 4 năm để cát cánh trở thành cây trồng chủ lực trong thung lũng Bắc Hà, dần thay đổi chất lượng đời sống lẫn tập tục canh tác của người Mông. Giá trị hợp đồng ký kết giữa huyện Bắc Hà và Nam Dược những năm sau tăng dần. Nông dân thu hoạch sản lượng bao nhiêu, công ty thu mua bấy nhiêu, với giá đạt 175.000-200.000 đồng/kg, cao hơn giá nhập khẩu 150.000 đồng, nhưng đảm bảo chất lượng. Mỗi ha cát cánh thu hoạch khoảng hơn một tấn củ tươi, cho giá trị 150 triệu đồng. 

Hiệu quả kinh tế được chứng minh, huyện cũng giảm các chính sách bao cấp, để bà con tự đầu tư, mua màng che phủ, chọn hạt giống. Nông dân thấy lợi, muốn mở rộng diện tích trồng. Nhưng Bắc Hà định hướng không sản xuất ồ ạt mà theo đơn đặt hàng của Nam Dược.

Cây dược liệu dần trở thành một chỉ dẫn địa lý, giúp bà con làm giàu, phát triển du lịch. Đồng thời, doanh nghiệp không phải nhập khẩu, yên tâm về nguồn gốc lẫn chất lượng nguyên liệu. Hai năm đại dịch, với những đợt hạn chế thông thương qua cửa khẩu là minh chứng, Nam Dược không phụ thuộc vào thị trường bên kia biên giới, mà hoàn toàn chủ động nguồn dược liệu sạch.

 Ông Hoàng Minh Châu (bên phải) dành nhiều tâm huyết xây dựng các vùng trồng dược liệu sạch, với khát vọng đưa dược liệu Việt Nam trở lại bản đồ thế giới. Ảnh: Nam Dược

Ngoài cát cánh, công ty còn phát triển thêm vùng trồng quất, dây thìa canh ở Nam Định... . “Khi chủ động được nguyên liệu, mở rộng vùng trồng, chúng tôi hoàn toàn có thể nghĩ tới việc đưa dược liệu Việt Nam trở lại bản đồ thế giới”, ông Châu nói về tầm nhìn trong tương lai. Ông cho rằng, hình thành các vùng trồng trong nước để giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu Trung Quốc là một hướng đi đúng đắn.

Cả cao nguyên có khoảng 20.000 người trong tuổi lao động, chỉ còn một phần tư đi làm ăn xa. Cây cát cánh đang giúp những người Mông như gia đình Dín an cư trên chính mảnh nương của mình mà không phải xa nhà.

Ngọc Minh