Những ngày này, nhiều bệnh nhân ở xóm ung thư Tựu Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) đang quay quắt vì nắng nóng và nỗi đau bệnh tật trong các khu nhà trọ lụp xụp, mái lợp tôn.

Xem video:

Đêm mang ghế ra sân ngồi ngủ

Trưa 5/7, có mặt tại khu xóm trọ cạnh cổng bệnh viện K cơ sở 2 (Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi không khỏi thắt lòng khi chứng kiến nỗi khổ của các bệnh nhân ung thư đang điều trị ngoại trú, trong thời điểm nắng nóng khủng khiếp.

Trong những căn phòng trọ nhỏ, hai chiếc quạt trần chạy rệu rã, có vẻ lâu lắm rồi chưa được tra dầu mỡ. Chốc chốc lại có vài người từ bệnh viện trở về, đầu trọc nhẵn, dáng đi xiêu vẹo, rã rời lê bước chân nặng nhọc. Họ là bệnh nhân ung thư từ các tỉnh thành về đây xạ trị.

Ông Trần Văn Tuấn - một người dân sinh sống cạnh bệnh viện K cơ sở 2, cho hay, quanh khu vực bệnh viện có khoảng 20 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ phòng trọ cho bệnh nhân ung thư thuê. Cư dân ở đây thường gọi đó là "xóm ung thư".

Nhiều bệnh nhân ưng thư phải dùng đủ mọi cách để chống chọi với cái nắng nóng trong phòng trọ lợp tôn.

{keywords}
Một phòng trọ tập thể cạnh bệnh viện K cơ sở 2 ở Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Nhượng (Hưng Yên) cho biết, cách đây một năm chồng bà bị u thực quản, đang xạ trị lần thứ 6.

Hai vợ chồng bà khăn gói lên đây thuê giường ở, cho tiện điều trị. Mỗi đợt truyền hóa chất kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Để tiết kiệm chi phí, ông bà chỉ dám thuê trọ bên ngoài với giá chỉ 35 nghìn đồng/người.

Căn phòng vợ chồng bà Nhượng thuê khoảng 35 m2, bên trong là những chiếc giường được kê san sát nhau. Thời kỳ cao điểm, phòng trọ này chứa đến 30 người bao gồm cả người nhà theo chăm sóc.

{keywords}
Bà Nhượng pha nước chanh cho chồng, bởi nắng nóng khiến sức khỏe ông suy nhược, không thể ăn được cơm.

“Nóng thế này, ông nhà tôi đau yếu, càng không ăn uống được nhiều. Gần như cả ngày chỉ uống chút nước chanh và ăn miếng bánh mì cầm hơi. Ban ngày các bệnh nhân thay phiên nhau vào viện truyền hóa chất hoặc xạ trị. Đến tối họ mới tập trung đông đủ.

Căn phòng ngột ngạt vô cùng. Đêm nào tôi cũng phải ngồi dậy quạt tay, lấy nước lau tay chân cho chồng” - bà Nhượng tâm sự.

Chồng bà Nhượng khó nhọc tiếp lời vợ: “Nóng không ngủ được, chỉ khi nào mệt quá tôi mới thiếp đi được một lúc”.

{keywords}
Quanh bệnh viện K cơ sở 2 có rất nhiều nhà trọ có điều hòa, vệ sinh khép kín nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện thuê.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Sáng (53 tuổi, quê Hưng Yên) ngồi thở gấp, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo đang mặc.

Ông Sáng lấy chiếc khăn thấm nước rồi trùm lên đầu để giúp dịu đi cơn nóng bức trong người. Cách 30 phút ông lại lấy khăn ướt lau giường cho mát.

“Tôi bị u vòm họng, mấy đợt truyền hóa chất tóc tai rụng hết. Đợt điều trị này đúng đợt nắng gắt nhất, người đã mệt, thêm nắng nóng tôi chẳng nuốt nổi cơm. Vợ mua cho suất cơm 30 nghìn ăn cả ngày không hết.

Phòng trọ khép kín, điều hòa cũng nhiều nhưng giá cao quá, tôi không có điều kiện. Gia đình khó khăn, chắt bóp lên đây chữa bệnh nên chấp nhận ở tạm. Đêm qua nóng quá, hai vợ chồng tôi phải mang ghế ra ngoài sân ngồi, tôi mệt quá còn ngủ gục trên vai bà ấy” - ông nói.

{keywords}
Vò khăn ướt, lau mặt liên tục là cách các bệnh nhân chống nóng những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Theo lời ông Sáng, những phòng trọ điều hòa, khép kín có giá dao động từ 170 nghìn đồng - 200 nghìn đồng/ngày. Với giá cả này, những bệnh nhân nghèo như ông khó có thể chi trả.

Như phòng trọ tập thể ông đang thuê cũng có một chiếc điều hòa nhưng nó chỉ được bật vào khoảng 10 giờ tối, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ. Tuy nhiên chiếc điều hòa này khá cũ kỹ, dù có bật, vẫn không xua được cái nóng.

{keywords}
Nhiệt độ tăng cao lên tới 40 độ C khiến những căn phòng trọ lợp tôn nóng như lò nung.

Ông Đỗ Thế Huy (45 tuổi, quê Hưng Yên) bệnh nhân ung thư thư dạ dày, cho biết: “Ở đây, mùa đông thì lạnh giá, mùa hè thì nóng nực, đã thế phòng lại nhiều chuột, gián. Tôi cũng chán cảnh sống tạm bợ nhưng không còn cách nào khác”, ông Huy chia sẻ.

{keywords}
Ông Sáng lấy khăn ướt lau giường cho mát.

12 giờ trưa, ngồi vạ vật ở ghế đá bệnh viện tìm bóng mát

Cách dãy trọ của ông Sáng không xa là dãy trọ của ông Dương Hồng Khanh (54 tuổi, quê Hà Giang) - bệnh nhân u tuyến mồ hôi. Cũng như bao bệnh nhân khác, ông Giang chấp nhận sống trong căn phòng chung, có sức chứa khoảng 20 người.

{keywords}
Ông Giang phải dùng nhiều chậu nước nhỏ đặt trước quạt để làm dịu không khí.

“Phòng trọ tôi nằm ngay sát đường, 7 giờ sáng nắng chiếu thẳng vào nhà. Ngồi ngoài thì nắng, nằm trong thì nóng, chẳng chạy đi đâu được nên đành chấp nhận”.

Ông Giang cho biết, ông phải dùng nhiều chậu nước nhỏ để đặt trong phòng, đặt trước quạt gió. Bệnh nhân này hi vọng làm như vậy, gió sẽ thổi hơi nước vào người, giúp ông mát mẻ hơn một chút.

{keywords}
Người đàn ông này cả ngày phải đội khăn ướt vào đầu mới chịu được cái nóng từ mái nhà hắt xuống.

Bà Lê Thị Inh (60 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ, nắng nóng diễn ra làm cuộc sống của bà bị đảo lộn.

“Mấy hôm nay nắng quá, đêm nào tôi cũng gần như thức trắng, truyền thuốc xong người đau nhức, mệt mỏi muốn chợp mắt nhưng không tài nào ngủ nổi”, bà Inh kể.

Bệnh nhân này cho hay, các phòng trong bệnh viện có điều hòa nhưng bệnh nhân đông, giường bệnh quá tải, lên đến 3 - 4 người/giường.

{keywords}
Bà Inh mệt mỏi vì nắng nóng. Với nhiệt độ trong phòng lên đến 40 độ C, những chiếc quạt cũng chỉ là để cho có.

Mỗi lần truyền hóa chất, họ phải ngồi, ai mệt quá thì được mọi người nhường chỗ cho nằm. Do đó, bà và nhiều bệnh nhân khác chấp nhận ra ngoài thuê trọ trong thời gian điều trị.

"Nhiều hôm nóng quá, tôi phải vào sân bệnh viện ngồi tránh nóng, vì như vậy có khi còn dễ chịu hơn là ở phòng trọ", bà nói.

Bệnh nhân Dương Doanh Kháng (60 tuổi - quê Nam Định) mới phát hiện mình bị u hạch cổ, đang chờ nhập viện. Trong thời gian này, buổi sáng con trai ông (đang làm công nhân ở Bắc Giang) sẽ chở bố xuống Hà Nội làm thủ tục, tối đón về.

{keywords}
Chưa thuê được phòng trọ, ông Kháng đành ra gốc cây trong bệnh viện ngồi tránh nóng.

Ông Kháng chưa dám thuê phòng trọ vì gần như dãy nào cũng kín người. Cả ngày ông đi các phòng thăm khám, đến 12 giờ trưa thì tìm gốc cây ngồi tránh nóng.

"Vạ vật trong tiết trời thế này làm đầu tôi lúc nào cũng đau như búa bổ. Hôm qua nắng quá, tôi say nắng, nằm cả trên ghế đá" - ông Kháng nói.

Cô gái tắm nắng giữa công viên mặc cô dâu, chú rể chụp ảnh bên cạnh

Cô gái tắm nắng giữa công viên mặc cô dâu, chú rể chụp ảnh bên cạnh

Người phụ nữ mặc bikini nằm tắm nắng trong bức hình cô dâu và chú rể chụp cùng các quan khách gây tranh cãi. Dù được mời di chuyển sang chỗ khác nhưng cô gái vẫn phớt lờ và coi như không có chuyện gì xảy ra.

Sinh viên 'dạt nhà' ra nhà nghỉ, quán nước tránh nóng kỷ lục ở Hà Nội

Sinh viên 'dạt nhà' ra nhà nghỉ, quán nước tránh nóng kỷ lục ở Hà Nội

Trong những ngày Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm, sinh viên phải nghĩ ra nhiều cách để vừa chống nóng, giữ sức khỏe vừa “kinh tế” và hiệu quả.

Nhật Linh