Trong không gian hoang vu và lạnh lẽo của châu Nam Cực, Alejandro Valenzuela Pena, người đứng đầu lực lượng hải quân vùng lãnh thổ của Chile tại châu lục này, đã quen với cảm giác bị cô lập từ lâu.
Hiện giờ, đây là châu lục duy nhất vẫn chưa bị dịch Covid-19 tấn công.
Diện tích của châu Nam Cực bằng tổng diện tích của Mỹ và Mexico. Ảnh: Mirror
Khi đại dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới với hơn 2 triệu ca nhiễm (ngày 18/4), châu Nam Cực cũng bị phong tỏa. Các nhà nghiên cứu ở yên tại căn cứ của mình còn các chuyến tham quan của khách du lịch bị hủy bỏ.
Châu Nam Cực có diện tích bằng cả Mỹ và Mexico cộng lại. Ở đây có 70 căn cứ nghiên cứu và quân sự của các nước với khoảng 1.000 người vào mùa đông và 4.000 người vào mùa hè.
“Chúng tôi được đào tạo để sống cô lập nhưng bây giờ với điều kiện đặc biệt này, chúng tôi cô lập trong sự cô lập”, Valenzuela, 41 tuổi, cho hay.
Lực lượng của Valenzuela có 100 người đang tự cách ly nghiêm ngặt. Từ đầu tháng 3, tàu thuyền đã không tới nữa và cuối tháng 3, các chuyến bay cũng ngừng.
“Chúng tôi bình tĩnh đối mặt với chuyện này, an tâm rằng gia đình mình bình yên và tới giờ, mọi chuyện ở Nam Cực vẫn ổn”, Valenzuela bày tỏ.
Trong những năm qua, du lịch châu Nam Cực phát triển mạnh. Tuy nhiên, nhiều tuần trước, các hoạt động này đã chấm dứt khi những chiếc du thuyền bị cảnh báo có nguy cơ là ổ dịch Covid-19. Các chính phủ đã áp dụng giới hạn đi lại.
Hiện tại, ở mọi căn cứ chỉ còn các nhà nghiên cứu và lực lượng quân đội cùng với những chú hải cẩu, cánh cụt. Bao quanh họ là hàng ngàn dặm băng tuyết.
Nhà sinh học biển Nadescha Zwerschke đã quen với cuộc sống lặng lẽ ở châu Nam Cực. Ảnh: Mirror
Argentina, với khoảng 170 nhân sự nghiên cứu khoa học và quân đội, vẫn còn ở lại châu Nam Cực. Họ có rất ít khách tới căn cứ ngoại trừ những người chuyển các nhu yếu phẩm. Nhân viên được cung cấp chỉ dẫn về phòng tránh lây nhiễm virus nCoV từ ngày 1/2.
Tiến sĩ Alexandra Isern, Trưởng bộ phận Khoa học châu Nam Cực của Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết các biện pháp vệ sinh như rửa tay thường xuyên đã được áp dụng ở đây từ lâu. Trong không gian sống tập trung như các căn cứ, bệnh tật có thể lây lan rất nhanh.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội đã hạn chế những cuộc tụ tập yêu thích của các nhà khoa học Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Uruguay trên đảo King George. Những bữa tối giao lưu, sự kiện thể thao, trượt tuyết cuối tuần cũng bị hủy.
Ngay cả cửa hàng đồ lưu niệm gắn liền với căn cứ quân sự của Nga cũng phải đóng cửa. Đó là nơi du khách có thể mua những chú cánh cụt bông, áo phông có gắn phù hiệu in hình Tổng thống Nga.
Nhà sinh học biển Nadescha Zwerschke đã dành 16 tháng ở trạm nghiên cứu Rothera. Cô cho hay: “Phần lớn chúng tôi vẫn liên lạc hàng ngày với gia đình, bạn bè. Chúng tôi có thể truy cập Internet và mạng xã hội; ở đây cũng có báo ngày, cung cấp những tin tức chính”.