Đam mê đưa những người làm nghề này lên bầu trời, nhưng họ phải trải qua cảm giác tính thời gian bằng ngày xa gia đình và yêu cầu nghiêm ngặt về khả năng duy trì sức khỏe.
Kết thúc 6 tháng đào tạo (với tiếp viên hàng không) hay 3 năm khổ luyện (với phi công), những chàng trai, cô gái hầu hết trong độ tuổi 20 - 30 sẽ được nhận chứng chỉ và có cơ hội thực hành tại các hãng hàng không. Nếu được nhận hỗ trợ từ các hãng hàng không, họ sẽ mất khoảng 8 năm để chi trả 70 - 100% số tiền học phí đã phải ứng trước.
Còn nếu học tự túc, đây sẽ là lúc quá trình trả nợ bắt đầu. Bỏ qua áp lực về tiền bạc, với mức lương khởi điểm cho phi công và tiếp viên từ 12 triệu đồng đến 25 triệu đồng, hầu hết những người làm nghề này đều có một cuộc sống khá ổn ngay khi tốt nghiệp. Với phi công, đây là lúc họ được thỏa mãn niềm đam mê nghề nghiệp, được ngồi trong một văn phòng "đẹp nhất thế giới và thay đổi mỗi ngày". Còn tiếp viên sẽ luôn được xuất hiện rạng ngời cùng vẻ chuyên nghiệp và nụ cười tươi tắn. Nhưng phía sau là những nỗi nhớ gia đình và áp lực công việc đè nặng.
Áp lực với phi công là không nhỏ |
“Khi là một phi công, bạn sẽ không còn tính thời gian như cách bình thường nữa. Thay vì thứ sáu hay thứ bảy, nó sẽ trở thành ngày bay, ngày không bay, hoặc ngày bên gia đình, ngày xa con…
Không phải điều lạ khi phi công, tiếp viên hàng không được liệt vào danh sách những nghề có tỷ lệ mất người yêu nhiều nhất, vì công việc buộc chúng tôi phải ở trên trời nhiều hơn dưới đất và có lịch sinh hoạt khác thường. 90% bạn bè của tôi đều là người trong nghề, 10% còn lại là những mối quan hệ đã có từ khi còn nhỏ”, một phi công trẻ người Hà Nội chia sẻ.
Một chuyến bay được xem là an toàn cũng có khi mang đến những rủi ro không lường trước được đối với tiếp viên. Với các hãng bay nhỏ nhưng phải khai thác hàng loạt đường bay, mỗi tiếp viên có thể phải bay 3 - 4 chặng mỗi ngày.
Công việc trên không của các tiêp viên rất đa dạng, từ hướng dẫn khách đặt đồ, sử dụng các thiết bị đúng nơi, đúng lúc, đến xử lý mọi tình huống khi máy bay gặp sự cố, thu dọn rác và kiểm tra thiết bị sau khi khách đã rời khỏi máy bay.
Phi công nữ còn vất vả hơn nhiều |
Trên những chuyến bay dài, tiếp viên hàng không còn kiêm luôn việc dọn nhà vệ sinh, dọn bếp khi cần, và là những y tá sơ cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra với sức khỏe của khách hàng.
“Mọi người nhìn chúng tôi là những người được đi đây đi đó, được vi vu trên mây gió, nhưng đó cũng là khi phải trải qua cảm giác ù tai, dính chặt vào ghế lúc cất hạ cánh, những vết thương khi bị xe chở hàng phục vụ lao vào người lúc máy bay đi qua vùng nhiễu động.
Trước mỗi ngày làm việc, chúng tôi phải có mặt tại công ty sớm 1 tiếng và ra về sau hành khách cũng bằng đó thời gian. Cảm giác mệt mỏi đeo bám đến mức về đến nhà, tôi chỉ muốn đi ngủ ngay để có sức cho ngày làm việc tiếp theo, để còn có thể nở nụ cười”, một nữ tiếp viên 23 tuổi người Việt cho hay.
Để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về tính chính xác trong công việc, các phi công và tiếp viên hàng không thường xuyên phải thực hiện những buổi kiểm tra định kỳ. Bằng lái của một phi công chỉ có thời hạn trong vòng 5 năm. 6 tháng một lần, họ sẽ phải học và thi lại 6 nội dung bay cơ bản.
Nếu không qua các kỳ kiểm tra, họ sẽ được học để thi lại lần hai, nhưng nếu không đỗ thì cũng có nghĩa là sẽ bị đình chỉ bay. Phi công và tiếp viên được khám sức khỏe sàng lọc mỗi năm một lần khi dưới 40 tuổi, trên 40 tuổi là 2 lần/năm.
“Bầu trời không ngày nào giống nhau, và buồng lái thì giống như văn phòng với hướng nhìn đẹp nhất thế giới nhưng phi công phải chấp nhận và vượt qua những ảnh hưởng về sức khỏe. Da sạm vì nắng và thay đổi áp suất, phải dùng những suất ăn riêng một mình và chỉ được nghỉ ngơi 1 tiếng giữa hai hành trình là những gì mà hầu hết các phi công phải trải qua. Sự nghiệp phụ thuộc vào mức độ duy trì sức khỏe và khả năng tập trung, dù chúng tôi phải đi sớm về khuya.
Thông thường, ngủ để lấy lại nhịp cân bằng sinh học, dùng vitamin và tập thể dục là cách thư giãn mà chúng tôi phải tuân thủ như chính công việc của mình. Dù lương cao, nhưng không phải ai cũng có thời gian để hưởng thụ cuộc sống do chính thu nhập của mình mang lại”, là tâm sự của người làm trong nghề được cho là có lương hấp dẫn số một ở Việt Nam hiện nay.
(Theo Zing)