Qua những nghiên cứu và phát hiện mới về khủng long, con người lại biết thêm nhiều điều bí ẩn về gốc gác, sự phát triển ngoạn mục đến lạ lùng. Trước khi tuyệt chủng do biến cố địa chất, khủng long đã thống trị thế giới suốt hơn 150 triệu năm, trải qua những gian khổ trong quá trình tiến hóa để có được kích thước khổng lồ, khả năng trao đổi chất nhanh chóng… Nhưng chỉ trong tích tắc, loài sinh vật hùng mạnh này lại biến mất khỏi trái đất, để lại vô số hóa thạch bị chôn vùi được tìm thấy sau này.

Thông qua các câu chuyện trong cuốn sách Biên niên sử về khủng long, tác giả Steve Brusatte – nhà nghiên cứu cổ sinh vật học đã đem đến cho độc giả lời giải đáp thỏa đáng về những sự kiện xảy ra khi loài khủng long biến mất, cũng như cách trái đất tự chữa lành.

anh 4.jpg
Cuốn sách 'Biên niên sử về khủng long' của tác giả Steve Brusatte.

Công cuộc này bắt đầu từ việc tác giả đi tìm những mẩu hóa thạch. Steve Brusatte cho biết: “Những mẩu hóa thạch có giá trị đặc biệt bởi nhờ nó, ta biết được các loài tuyệt chủng đã tương tác với nhau ra sao; di chuyển, tìm kiếm thức ăn như thế nào; thậm chí là cả nơi cư ngụ và cách thức sinh sản. Vì vậy, tôi đặc biệt quan tâm đến hóa thạch của khủng long và những loài động vật xuất hiện trước đó”. 

Ở đoạn mở đầu của Biên niên sử về khủng long, Steve Brusatte giải thích cho độc giả hiểu rõ hơn các khái niệm về hóa thạch trong bối cảnh hiện tại. Đồng thời, ông cũng trình bày những suy tư được gợi mở khi nghiên cứu về những bộ xương khủng long bị vùi sâu dưới đất. 

Đối với một nhà cổ sinh vật học, hóa thạch là bằng chứng không thể thiếu trong việc nghiên cứu khoa học bởi đó là những ghi chép duy nhất về sự sống và tiến hóa của các loài sinh vật đã tuyệt chủng. Các vết hóa thạch có thể là: vết chân, tay, đuôi mà khủng long cùng những động vật khác để lại trên bùn, cát khi săn bắt, kiếm ăn, lẩn trốn, giao phối, tương tác và đi lại mỗi ngày.

anh 8.jpg
Nội dung sơ lược về cuốn sách 'Biên niên sử về khủng long' và tác giả Steve Brusatte.

Với sự nghiên cứu tỉ mỉ của tác giả Steve Brusatte, độc giả sẽ biết thêm nhiều thông tin về các loài khủng long qua miêu tả ngắn gọn, dễ hiểu. Những cái tên khủng long đem đến sự tò mò, thú vị cho người đọc có thể kể đến là: khủng long Edmontosaurus (khủng long mỏ vịt), Iguanodon (khủng long răng kỳ nhông), Tyrannosaurus (khủng long bạo chúa), Velociraptor (khủng long có cánh)... 

Trong Biên niên sử về khủng long, có một sự kiện đóng vai trò quan trọng với toàn bộ tác phẩm, đó là thời điểm kỷ Phấn Trắng kết thúc bằng một tiếng nổ dữ dội, đặt dấu chấm hết cho loài khủng long. Khủng long sống trong ba niên đại địa chất gồm kỷ Tam Điệp, kỷ Jura, kỷ Phấn Trắng (thường được gọi chung là Đại Trung Sinh – Mesozoic). Trong đó, hai thời kỳ đầu chính là thời khủng long phát triển rực rỡ nhất, để rồi vào cuối giai đoạn kỷ Phấn Trắng, chúng hoàn toàn tuyệt chủng.

Thông qua những cuộc khảo cứu, Biên niên sử về khủng long trở thành một bản tường thuật phong phú, sống động. Từ các bằng chứng hóa thạch, Steve Brusatte đã vẽ ra một bức tranh toàn diện về sự sống và tiến hóa của các loài khủng long theo trình tự tuyến tính qua từng chương: khủng long xuất hiện, khủng long trỗi dậy, khủng long trở thành một thế lực, khủng long cất cánh, khủng long biến mất…

lossy page1 1200px stephen brusatte.jpg
Tác giả Steve Brusatte là nhà nghiên cứu cổ sinh vật học.

Với hơn 300 trang và hàng trăm thông tin về loài khủng long, cuốn sách giúp người đọc khám phá những điều kỳ diệu về hành tinh của loài người thời tiền sử. 

Thông qua tác phẩm Biên niên sử về khủng long, Steve Brusatte không chỉ tìm kiếm lời giải đáp về sự diệt vong của loài khủng long mà còn đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy tư về loài người: “Con người luôn tự tin về vị trí của mình trong thế giới tự nhiên, ngay cả khi những điều chúng ta đang làm khiến hành tinh này thay đổi nhanh chóng. Việc này khiến tôi thấy bất an, liệu những gì đã xảy ra với loài khủng long, có thể xảy ra với loài người vào một lúc nào đó hay không?”.

Phước Sáng