Tác giả “London còn xa lắm” gửi gắm thông điệp sâu sắc và ý nghĩa về “duyên phận” trong cuộc đời mỗi con người thông qua tác phẩm mới nhất của mình.

Tháng 9/2013, sự xuất hiện của tiểu thuyết London còn xa lắm khiến Lệ Thu Huyền trở thành cái tên mới trong đội ngũ tác giả trẻ. Từ đó đến nay, cô dần khẳng định văn phong riêng với các tản văn, truyện dài như Lần nữa lại yêu, Mùa nhớ đi qua người xa tay với, Níu tay ngày cũ… Mới đây nhất, Lệ Thu Huyền đã ra mắt cuốn sách Người dưng chung lối, một câu chuyện có “sức nặng” về cả nội dung và ý nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành của cây bút trẻ.

Xuân Vinh, Ngọc Uyển, Hải Lâm, ba nhân vật được xây dựng với số phận, hoàn cảnh và tính cách đối lập, cùng bất ngờ gặp nhau tại một thời điểm. Ngọc Uyển, cô gái ấy không nhu mì, đơn thuần và yếu đuối như nhiều hình tượng nữ chính trong những câu chuyện tình cảm lãng mạn khác. Ở Uyển toát ra sự mạnh mẽ, quyết đoán và chững chạc hơn cái tuổi của mình. Cô gặp Xuân Vinh khi đưa con gái đi khám bệnh. Cô bé con ấy cũng chính là sợi dây kết nối giữa Uyển và Hải Lâm – chàng nam chính thứ hai trong câu chuyện.

Xuân Vinh vốn là bác sĩ trong một gia đình có truyền thống theo nghề y. Không chỉ giỏi chuyên môn, con người anh còn có sự điềm tĩnh và tự tin của một bác sĩ giỏi. Còn Hải Lâm thì say mê kinh doanh đến độ chỉ giật mình sực tỉnh khi cô bạn gái lâu năm rời bỏ mình vì cả hai có quá ít thời gian dành cho nhau. Ba con người ấy “va” vào nhau trên đường đời. Dù gặp Ngọc Uyển ở đâu, đi cùng quãng đường dài hay ngắn, thì những gì họ dành cho nhau đều đáng trân trọng và chân thành.

{keywords}

Người dưng chung lối của Lệ Thu Huyền.

Ở Người dưng chung lối, một điều đặc biệt là bên cạnh tuyến nhân vật chính, câu chuyện của dàn nhân vật phụ cũng khiến độc giả phải tò mò. Họ đều xuất phát là những người dưng, vài người trong mối quan hệ “không biết phải gọi là gì”, đi chung một lối, và kết thúc ở những ngả đường, ngã rẽ khác nhau.

“Đôi khi từ bỏ chỉ là cái cớ lừa mình, dối người. Bởi có quên được nhau hay không chỉ có thời gian là câu trả lời rõ nhất.” Cái kết của Người dưng chung lối là những trải nghiệm đáng quý về “duyên phận”. Nó khiến độc giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, vừa bất ngờ, vừa nuối tiếc, lại vừa man mác buồn.

Người dung chung lối được xây dựng từ một phần trải nghiệm của chính tác giả Lệ Thu Huyền. Bởi vậy tác phẩm của cô giản dị, gần gũi và tràn ngập những xúc cảm chân thật. Trong lời đề từ khi hoàn thành xong cuốn sách, cô viết: “Một đêm muộn, khi tôi chuẩn bị tắt đèn thì tin nhắn của Hải Lâm gửi đến. Anh hỏi tôi: anh có phải người tốt không?

Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được cảm xúc của mình khi ấy, dù chuyện qua cũng lâu rồi. Tôi luôn tin rằng, sau này, bất kể cô gái nào có được tình yêu của anh cũng là người vô cùng hạnh phúc. Anh cũng vậy! Hạnh phúc, là điều tôi luôn cầu chúc cho anh.

Có thể nếu đọc đến đây, nhiều người lại lầm tưởng anh là người tôi yêu. Nhưng không, bởi tồn tại giữa cuộc đời này có những thứ tình đẹp hơn tình yêu nam nữ. Đó là những tình của người dưng không thân thuộc, chẳng cầu chiếm hữu, chẳng tham luyến ở bên. Anh giữ cho mình một thế giới riêng, tôi chỉ là giọt nước mỏng manh trôi qua đời anh vô định. Cuốn sách này tôi viết tặng anh, nhưng cũng là viết cho những điều không vẹn tròn của bao người, có cả tôi trong đó...” Đó cũng là căn nguyên thôi thúc Lệ Thu Huyền cầm bút, kể lại một câu chuyện tình nhẹ nhàng, ám ảnh và day dứt.

Với giọng văn mượt mà, trong sáng, Người dưng chung lối dễ dàng khơi gợi những cảm xúc tươi đẹp trong lòng người đọc về một Hà Nội thơm mùi hoa sữa, một Sài Gòn hanh hao nắng, về gia đình thân yêu, về những người thầm lặng ở bên ta.

Theo Zing