Anh nảy sinh ý tưởng chụp hình tặng bố mẹ bởi cả hai đều là giáo viên môn Toán, cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, là thầy cô của bao thế hệ học trò trong hơn 40 năm. Hiện tại, hai người sắp đến tuổi nghỉ hưu, phải rời xa bảng đen, phấn trắng. Vì thế, bộ ảnh như một kỷ niệm đẹp mà Cường Đàm muốn lưu giữ lại cho bố mẹ trước khi họ nói lời tạm biệt ngôi trường quen thuộc.
Trong quan điểm của Cường Đàm, toán học dường như hiện diện ở tất cả những góc cạnh của đời sống như tỷ lệ một bộ trang phục, đường nét của kiến trúc, các quy luật của vũ trụ… . Giữa những con số, ký hiệu, hình khối tưởng chừng khô khan của toán học, cuộc sống và tình yêu đã được sinh ra.
Nó giống như chuyện nghề và câu chuyện tình yêu của bố mẹ anh. Hai người là hai cá thể riêng biệt, gặp gỡ trên giảng đường sư phạm, có những rung cảm, kết nối với nhau nhờ các phương trình Toán học. Và chính bộ môn ấy đã đưa hai người gắn bó, cùng nhau đi qua năm tháng sinh viên, vượt qua cả những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống thời bao cấp để cống hiến cho nghề.
Với đầm suông đen cho mẹ, nhà thiết kế kỳ công gắn hàng trăm viên phấn trắng dọc thân váy, tạo nên hình khối độc đáo và sự tương phản về màu sắc.
“Khi nghĩ tới bố mẹ, tôi hay nghĩ tới sự kỳ diệu của vũ trụ, khi sắp xếp hai cá thể xa lạ có cơ hội tiếp xúc, cùng tạo nên một phương trình ‘có nghiệm tuyệt đối’. Giữa hàng tỷ con người trên thế giới, họ lựa chọn nhau, để cùng trưởng thành, vượt qua các cột mốc và giờ cùng nhâm nhi tháng ngày chậm rãi. Công thức nào đã đưa họ đến bên nhau? Điều huyền hoặc nào đằng sau những phép toán của vũ trụ? Tuy chưa biết cách lý giải cho những câu hỏi ấy, nhưng toán học đối với tôi luôn diệu kỳ.
Những con số từ lâu đã hằn sâu vào tâm trí tôi, nuôi dưỡng góc nhìn logic và tư duy phổ quát trong cách thực hành thời trang và kiến trúc. Vì thế, sư phạm toán học đã hiện hữu trong chính bộ hình mà tôi dành tặng ba mẹ, với ý tưởng được phôi thai từ những viên phấn, những chiếc cặp sờn cũ, chiếc bảng đen và tình yêu giữa thầy - trò. Đây cũng là cơ hội để tôi và đội ngũ thể hiện sự tôn kính với những người thầy trên bục giảng và trong cuộc sống. Họ - những người gieo giấc mơ”, Cường Đàm chia sẻ.
Với bộ vest cổ điển của bố, Cường Đàm lại sử dụng chiếc cặp da ông vẫn đựng giáo án, những cây bút để tạo điểm nhấn về mảng màu, chi tiết.
Do ý tưởng đến một cách bất chợt, Cường Đàm và ê-kíp không có nhiều thời gian để thực hiện trang phục như các dự án dài hơi khác. Anh quyết định thực hiện bộ ảnh theo phong cách phóng sự nhằm khai thác cảm xúc có chiều sâu của nhân vật.
Vẫn qua lăng kính vị lai mang đậm dấu ấn Cường Đàm, phấn trắng, bảng đen, cặp sách… đều trở thành những chi tiết mang tính high-fashion.
Điều khó khăn của Cường Đàm trong quá trình thực hiện dự án này không nằm ở chuyện chuẩn bị trang phục mà là việc thuyết phục được hai người mẫu đặc biệt. Theo tiết lộ của Cường Đàm, mẹ anh luôn ủng hộ con trai một cách vô điều kiện, trong khi bố lại từ chối thẳng thừng. Anh kiên nhẫn thuyết phục với lý do đây là món quà ý nghĩa anh muốn gửi tới bố mẹ, nó cũng là cuốn album ấm áp, tổng kết hành trình giáo dục đầy tự hào của hai người. Cuối cùng, bố anh đã gật đầu đồng ý.
Khi ngắm lại bộ ảnh thực hiện cho bố mẹ, Cường Đàm rất vui bởi anh nhìn thấy một hình ảnh rất khác của đấng sinh thành. Đó là ánh mắt trìu mến trước các học trò, khác với sự nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái.
“Tuy đã có mặt trong hàng trăm set chụp, nhưng đối với tôi, buổi chụp này vô cùng khác biệt và có ý nghĩa. Tôi vui vì đã tặng cho bố mẹ món quà tinh thần nho nhỏ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam”, Cường Đàm bày tỏ.